Cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và các quan chức Trung Quốc tại Thiên Tân ngày 26-7 được cho là diễn ra thẳng thắn, cởi mở, nhưng chưa khơi thông các bất đồng tồn tại giữa hai nước như mong muốn.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (trái) gặp gỡ Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại thành phố Thiên Tân ngày 26-7. Ảnh: THX |
Theo Reuters, chuyến công du thành phố cảng Thiên Tân, miền bắc Trung Quốc, của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman được kỳ vọng tạo đà cho các cuộc tiếp xúc và đối thoại song phương. Các quan chức Mỹ cũng nhấn mạnh, việc bà Sherman đến Thiên Tân gặp Ngoại trưởng Vương Nghị cùng các quan chức nước chủ nhà là cơ hội để bảo đảm rằng sự cạnh tranh gay gắt giữa hai đối thủ địa chính trị không dẫn đến xung đột. Chính ông Vương Nghị cũng nói rằng, hai bên cần tăng cường hiểu biết lẫn nhau và xóa bỏ hiểu lầm thông qua các cuộc đối thoại liên tục.
Tuy nhiên, những tuyên bố được đưa ra tại các cuộc gặp cho thấy không dễ dàng thu hẹp những khác biệt về quan điểm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trên bàn đàm phán ở Thiên Tân vẫn là không khí “lạnh giá” như ở Alaska (Mỹ) hồi tháng 3 - thời điểm diễn ra đối thoại ngoại giao cấp cao đầu tiên của hai nước dưới thời chính phủ Tổng thống Joe Biden.
Theo các nhà quan sát, ở Thiên Tân không có những phát ngôn gay gắt như ở Alaska, nhưng các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã không đàm phán được điều gì; thay vào đó là thiết lập các danh sách gồm hàng loạt yêu cầu. Bà Bonnie Glaser, chuyên gia châu Á tại Quỹ German Marshall nhận định, điều quan trọng là hai bên phải duy trì một số hình thức cam kết, nhưng dường không có thỏa thuận nào ở Thiên Tân về các cuộc gặp tiếp theo. “Điều đó có thể khiến các đồng minh và đối tác của Mỹ thất vọng. Họ đã hy vọng về sự ổn định và dễ dự đoán hơn trong mối quan hệ Mỹ - Trung”, bà Glaser nói.
Hãng tin Reuters cho hay, phát biểu với báo giới sau đàm phán, một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ bác bỏ thông tin rằng Washington đang tìm cách lôi kéo sự hợp tác của Trung Quốc, hàm ý chỉ các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, chương trình hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên… Việc giải quyết các bất đồng, theo vị quan chức này, sẽ phụ thuộc vào phía Trung Quốc xác định họ sẵn sàng thực hiện bước đi tiếp theo như thế nào.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định, quả bóng ở trong sân của Mỹ, đồng thời yêu cầu Washington dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt và thuế quan nhằm vào Bắc Kinh.
Theo Tân Hoa xã, sau cuộc gặp người đồng cấp Wendy Sherman, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong cho hay, ông đã trao cho phía Mỹ bản danh sách các yêu cầu như: Washington cần dỡ bỏ hạn chế thị thực (visa) của Mỹ đối với một số công dân Trung Quốc; bỏ trừng phạt nhằm vào quan chức, viên chức chính phủ và các cơ quan, bộ ngành Trung Quốc; ngừng ngay việc trừng phạt, hạn chế truyền thông Trung Quốc tại Mỹ; bỏ yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei từ Canada về Mỹ… Các nhà quan sát gọi đây là “giới hạn đỏ” mà Trung Quốc đặt ra với Mỹ. Trước thời điểm bà Sherman đến Thiên Tân hôm 25-7, Trung Quốc cũng đã quyết định áp lệnh trừng phạt nhằm vào 7 cá nhân Mỹ.
Đã có những kỳ vọng về một cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ý vào tháng 10 tới. Song, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng, triển vọng về cuộc gặp như thế không xuất hiện ở Thiên Tân.
Quan hệ Mỹ - Trung vốn trở nên xấu đi đáng kể dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, nay vẫn chưa được cải thiện. Dù sao các cuộc tiếp xúc ngoại giao như chuyến công cán của bà Wendy Sherman cho thấy hai nước đang tìm kiếm sự cân bằng ổn định cho mối quan hệ mang tính cạnh tranh địa chính trị. Bà Sherman cũng cho rằng, quan hệ Mỹ - Trung là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới, nên Washington sẵn sàng tiếp tục có các cuộc tiếp xúc, đối thoại cởi mở và thẳng thắn với Bắc Kinh.
BÌNH YÊN