Nhật Bản áp dụng tình trạng khẩn cấp trong Olympic

.

Chính phủ Nhật Bản chiều 8-7 chính thức tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo khi số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng. Điều này cũng làm tăng khả năng xảy ra viễn cảnh các sự kiện thi đấu tại Olympic sẽ ít hoặc không có khán giả.

Khi Tokyo áp dụng tình trạng khẩn cấp, Thế vận hội có thể sẽ được tổ chức mà không có khán giả. Ảnh: Kyodo
Khi Tokyo áp dụng tình trạng khẩn cấp, Thế vận hội có thể sẽ được tổ chức mà không có khán giả. Ảnh: Kyodo

Olympic Tokyo dự kiến diễn ra từ ngày 23-7 đến 8-8, trong khi Paralympic Tokyo sẽ được tổ chức từ ngày 24-8 đến 5-9. Chính phủ Nhật Bản sẽ siết chặt kiểm soát phòng dịch đối với các vận động viên tham gia Olympic và Paralympic đến từ các quốc gia/khu vực - những nơi biến thể Delta đang hoành hành.

Theo báo Nikkei Asia, tình trạng khẩn cấp dự kiến được bắt đầu từ ngày 12-7 đến 22-8, sau khi Thế vận hội Tokyo 2020 kết thúc. Quyết định chính thức đã được Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide công bố sau cuộc họp chiều 8-7 cùng các chuyên gia. Đây là sắc lệnh tình trạng khẩn cấp phòng Covid-19 lần thứ tư ở Nhật Bản kể từ tháng 4-2020.

Phát biểu với báo giới tại văn phòng làm việc ngày 7-7, Thủ tướng Suga thừa nhận số ca mắc Covid-19 ở Nhật Bản đang tăng và nói rằng sẽ “áp dụng mọi biện pháp có thể” để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. “Tôi hiểu số ca bệnh bên ngoài các thành phố lớn nhìn chung đã chạm đáy”, ông Suga cho biết. Tuy nhiên, ngày 7-7, thủ đô Tokyo có thêm 920 ca bệnh mới - mức tăng cao nhất theo ngày tại thành phố này kể từ ngày 13-5.

Tình trạng khẩn cấp được dự báo sẽ tác động lớn tới Thế vận hội. Trước đây, Thủ tướng Suga từng bày tỏ quan điểm nếu tình trạng khẩn cấp được ban hành trong thời gian diễn ra Olympic thì mọi sự kiện thi đấu sẽ không có khán giả.

Ủy ban tổ chức Olympic và Paralympic tại Tokyo, cũng như Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã đặt ra mức trần về số lượng khán giả được phép tới các điểm tổ chức thi đấu lớn là một nửa sức chứa, tối đa là 10.000 người.

Hai đơn vị tổ chức này sẽ sớm đối thoại với các bên liên quan khác để thảo luận về cách phản ứng với tình trạng khẩn cấp. Ủy ban tổ chức Olympic đang cân nhắc phương án tổ chức các sự kiện thể thao sau 21 giờ và không có khán giả; đồng thời hạ mức trần khán giả xuống 5.000 người với các sự kiện thi đấu trước đó trong ngày để phù hợp với các chỉ đạo của chính phủ.

Tình hình dịch bệnh vẫn căng

Ngày 20-6, chính phủ Nhật Bản đã gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp với thủ đô Tokyo. Dù vậy, truyền thông Nhật cho rằng, vùng đô thị này vẫn “mặc định” trong tình trạng không khác trước, tức là vẫn như đang áp dụng tình trạng khẩn cấp. Trong khi đó, tình trạng khẩn cấp vì Covid-19 được dự báo tiếp tục kéo dài tới 22-8 tại các tỉnh Saitama, Chiba, Kanagawa và Osaka. Tỉnh Okinawa đang áp dụng tình trạng khẩn cấp. Các tỉnh Hokkaido, Aichi, Kyoto, Hyogo và Fukuoka sẽ được gỡ bỏ tình trạng này.

Các lệnh kéo dài thời gian áp dụng hạn chế phòng dịch tại những vùng bị ảnh hưởng nặng nhất diễn ra trong cảnh chính phủ Nhật Bản dự đoán sẽ có sự gia tăng lớn về đi lại trong thời gian diễn ra Olympic và kỳ nghỉ lễ Obon (hay lễ Bon) - lễ Vu lan của người Nhật.

Nhật Bản đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đầy đủ cho những người lớn tuổi trước thời điểm cuối tháng 7. Bên cạnh đó, các nhà chức trách cũng kỳ vọng triển khai vắc-xin tới các cộng đồng dân cư ở vùng xa xôi, hẻo lánh để ngăn chặn đợt bùng dịch mới.

Tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Nhật Bản hiện chưa tới 15%. Ngày 7-7, chính quyền đô thị Tokyo yêu cầu chính phủ Trung ương siết chặt hơn các biện pháp kiểm soát lây nhiễm, trong đó có cả việc dừng bán đồ uống có cồn tại các nhà hàng. Nhật Bản cũng dự kiến tiếp tục yêu cầu các bar, nhà hàng đóng cửa trước 20 giờ; yêu cầu các cơ sở kinh doanh trong vùng áp dụng tình trạng khẩn cấp không bán rượu.

Olympic Tokyo 2020 và những con số
- 0: số khán giả nước ngoài. Không người nước ngoài nào được đến Nhật Bản xem thi đấu Olympic vì lo ngại Covid-19.
- 151 tỷ yen (1,4 tỷ USD): mức thiệt hại ước tính với khối kinh doanh khách sạn, nhà hàng và giao thông vận tải do các lệnh hạn chế phòng Covid-19 theo tính toán của Viện Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản).
- 50%: giới hạn số khán giả so với sức chứa của nơi tổ chức thi đấu, mức tối đa là 10.000 người.
- 62%: tỷ lệ người dân Nhật Bản ủng hộ hoãn hoặc hủy Thế vận hội.
- 25: số liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã tiêm trên tỷ lệ mỗi 100 người dân Nhật Bản.
- 80.000: số xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện mỗi ngày với vận động viên và những người khác tại Olympic.
- Hơn 80%: số vận động viên và quan chức ở tại làng Olympic được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.
- 15 tỷ USD: Ngân sách tổ chức Olympic.
- 14,5 tỷ USD: Ngân sách tổ chức Paralympic.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích