IMF tung "mũi vắc-xin" cho nền kinh tế toàn cầu

.

Đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến toàn bộ đời sống xã hội và kinh tế toàn cầu. Các nước có nền kinh tế phát triển do tiềm lực tài chính dồi dào nên có sức chống chọi mạnh mẽ và sớm có vắc-xin ngừa Covid-19 nên sự phục hồi kinh tế - xã hội nhanh hơn. Trong khi đó, với các nước có thu nhập thấp và trung bình, nền kinh tế phải hứng chịu nhiều rủi ro, thậm chí có nguy cơ vỡ nợ.

Tháng 4 vừa qua, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) khuyến nghị áp dụng các cơ chế đặc biệt để giảm bớt các khoản nợ công cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tổng Giám đốc UNDP, ông Achim Steiner, nhấn mạnh rằng các khoản thanh toán dịch vụ trong năm 2021 dự kiến khoảng 1.100 tỷ USD tiền nợ và chỉ cần 2,5% trong số đó là đủ để tiêm chủng cho 2 tỷ người theo sáng kiến COVAX - cơ chế tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác khởi xướng. Hiện các nước phát triển đã tiêm chủng cho khoảng 40% dân số, có quốc gia đã tiêm cho 70% dân số, trong khi con số này ở các thị trường mới nổi chỉ là 10%, thậm chí thấp hơn ở các nước thu nhập thấp.

Trước thềm hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 ngày 9-7 vừa qua, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva kêu gọi G20 thực hiện các biện pháp khẩn cấp giúp các nước đang phát triển theo kịp trong việc triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 và hỗ trợ vốn để khôi phục kinh tế.

Bà Georgieva cho rằng, các quốc gia nghèo hơn đang chịu tác động kép khi vừa đứng trước nguy cơ không thể khống chế được dịch bệnh, vừa mất những nguồn đầu tư quan trọng giúp củng cố nền móng để phát triển kinh tế. Ví dụ, trong khi Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1984, các quốc gia như Trung Quốc và khu vực châu Âu đang dần lấy lại đà tăng trưởng thì các quốc gia đang phát triển bị tụt lại phía sau vì những khác biệt rõ rệt trong khả năng tiếp cận vắc-xin, tỷ lệ nhiễm bệnh và khả năng cung cấp hỗ trợ chính sách.

Ngày 2-8, IMF thông qua gói hỗ trợ nguồn tài chính lớn nhất lịch sử tổ chức này, trị giá lên tới 650 tỷ USD, có hiệu lực vào ngày 23-8 tới, để giúp các nước đang đối mặt với tình trạng nợ gia tăng và sụt giảm kinh tế vì đại dịch Covid-19. Đây là lần đầu tiên kể từ khi IMF tung gói cứu trợ 250 tỷ USD, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, tổ chức cho vay lớn nhất thế giới này áp dụng quyền rút vốn đặc biệt (SDR).

IMF nêu rõ “đó là nỗ lực nhằm tăng cường tính thanh khoản toàn cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành”, đồng thời nhấn mạnh: “Đây là quyết định lịch sử, lần phân bổ SDR lớn nhất trong lịch sử IMF và là liều vắc-xin tiêm vào cánh tay nền kinh tế toàn cầu trong hoàn cảnh khủng hoảng chưa từng có”, qua đó sẽ giúp tăng cường sự ổn định kinh tế.

Bà Georgieva cho biết, thêm việc phân bổ SDR trị giá 650 tỷ USD sẽ có lợi cho tất cả các nước thành viên IMF, giải quyết nhu cầu dài hạn của thế giới về nguồn dự trữ, xây dựng lòng tin, đồng thời tăng cường khả năng phục hồi và tính thanh khoản của kinh tế toàn cầu.

Theo bà, gói 650 tỷ USD sẽ đặc biệt giúp ích cho những quốc gia dễ bị tổn thương nhất và đang chật vật đối phó với ảnh hưởng của Covid-19.

Với động thái của IMF cũng như các tổ chức khác như Ngân hàng Thế giới (WB), WHO, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cùng G7, G20..., hy vọng sẽ đưa ra những giải pháp hữu hiệu cùng với việc cung cấp nguồn tài chính và vắc-xin một cách công bằng, hợp lý cho tất cả các quốc gia để sớm ngăn ngừa dịch bệnh, phục hồi nền kinh tế toàn cầu.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.