Việc ông Ebrahim Raisi nhậm chức Tổng thống Iran vào ngày 3-8 được cho là mang đến làn gió mới cho đất nước Cộng hòa Hồi giáo trong lúc đối mặt với khủng hoảng kinh tế và đại dịch Covid-19.
Lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei (trái) chính thức xác nhận ông Ebrahim Raisi là Tổng thống ngày 3-8. Ảnh: AP |
Hãng thông tấn AFP cho biết, ngày 3-8, tân Tổng thống Ebrahim Raisi cam kết nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang suy thoái do các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Ông Raisi khẳng định, chính phủ mới sẽ thực hiện các bước nhằm thúc đẩy Washington dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Theo đó, ông Raisi thay thế Tổng thống ôn hòa Hassan Rouhani vừa mãn nhiệm - người đã ghi dấu ấn với Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) khi ký kết thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức) hồi năm 2015.
Ông Raisi sẽ tuyên thệ trước Quốc hội vào ngày 5-8, sau đó đề xuất danh sách nội các mới. Các nhà quan sát cho rằng, hàng loạt thách thức đang chờ đợi tân Tổng thống Iran, trong đó có việc khôi phục JCPOA; đối mặt với những đe dọa từ Mỹ, Anh và Israel xung quanh vụ tấn công một tàu chở dầu ở biển Arab; ứng phó với đại dịch Covid-19 khi có thêm hơn 37.000 ca nhiễm mới vào ngày 2-8 và chỉ gần 4% dân số Iran được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19.
Hãng tin AFP dẫn lời nhà nghiên cứu Clement Therme tại Viện Đại học châu Âu ở Ý cho rằng, khủng hoảng kinh tế là thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Raisi. “Mục tiêu chính của ông ấy sẽ là cải thiện tình hình kinh tế bằng việc củng cố các mối quan hệ kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo với các quốc gia láng giềng và với những nước khác như Nga, Trung Quốc”, chuyên gia Therme nói.
Về JCPOA, 6 vòng đàm phán hạt nhân gián tiếp đã được tổ chức ở Vienna (Áo) với sự tham gia của đại diện Iran và các cường quốc kể từ tháng 4 đến tháng 6 nhưng không mang lại kết quả nào. Đến nay vẫn chưa có thông tin về thời gian nối lại đàm phán. Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden đã thể hiện sự sẵn sàng trở lại JCPOA và tham gia các cuộc đàm phán gián tiếp với Iran.
Mới đây, Nhà Trắng nói rằng, Washington quan tâm việc cùng với Tehran trở lại thực hiện các điều kiện của thỏa thuận hạt nhân, nhưng “đề xuất này sẽ không có hiệu lực mãi mãi”. Chưa có dấu hiệu cho thấy Iran hay Mỹ sẽ nhượng bộ trên bàn nghị sự, hoặc các nước sẽ tiếp cận như thế nào để tháo gỡ thế bế tắc hiện nay. Các vòng đàm phán mới không diễn ra cho đến khi chính phủ của tân Tổng thống Raisi bắt đầu hoạt động.
Ông Raisi đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 6. Lúc tranh cử, ông cam kết chống tham nhũng; tạo ra 1 triệu việc làm mỗi năm bằng cách khai thác 70% tiềm năng kinh tế sẵn có ở trong nước cũng như khai thác tiềm năng của lĩnh vực nhà ở, không gian mạng và kinh tế biển; giảm tỷ lệ lạm phát xuống còn một con số. Ngoài ra, ông còn cam kết theo đuổi đàm phán để khôi phục JCPOA.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tỷ lệ lạm phát ở Iran sẽ ở mức 39% trong năm 2021, tăng so với tỷ lệ 36% của năm 2020. Thêm vào đó, vụ tấn công tàu chở dầu khiến 2 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng làm mối quan hệ giữa Iran và phương Tây căng thẳng, mặc dù Tehran đã bác bỏ mọi liên quan. Mỹ đang liên lạc chặt chẽ với Anh, Israel, Romania và các nước khác để có “phản ứng tập thể” đối với vụ việc này. Trong lúc đó, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ mọi mối đe dọa nhằm vào an ninh của Tehran; đồng thời cho rằng những cáo buộc của Mỹ, Anh và Israel là vô căn cứ.
Với rất nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại đan xen, nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống Raisi sẽ không êm ả. Điều mà người dân Iran mong muốn nhất là họ có một chính phủ mạnh mẽ để vực dậy nền kinh tế, ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, còn thế giới quan tâm đến số phận JCPOA và mối quan hệ giữa nước Cộng hòa Hồi giáo với phương Tây.
PHÚC NGUYÊN