Thế giới đã tiêm hơn 6 tỷ liều vắc-xin Covid-19

.

Thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy, tính đến nay, hơn 6 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được tiêm trên toàn thế giới.

Vắc-xin ngừa Covid-19 được đưa đến thành phố Abidjan của Côte d’Ivoire thông qua chương trình COVAX. Ảnh: The Telegraph
Vắc-xin ngừa Covid-19 được đưa đến thành phố Abidjan của Côte d’Ivoire thông qua chương trình COVAX. Ảnh: The Telegraph

Hãng tin Bloomberg đưa ra con số chính xác về số liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu là 6,12 tỷ trên tổng dân số thế giới hiện khoảng 7,7 tỷ người. Trong đó, Trung Quốc dẫn đầu với 2,19 tỷ liều vắc-xin, đạt mức tiêm 3,49 triệu liều/ngày; Ấn Độ đã tiêm 855,8 triệu liều, đạt mức tiêm 7,3 triệu liều/ngày.

Tại Mỹ, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của nước này cho hay, 213,4 triệu người (64,3% dân số) đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin ngừa Covid-19 và 183,6 triệu người (55,3% dân số) đã tiêm đầy đủ liều vắc-xin.

Liên minh châu Âu (EU) có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ bình quân đạt 63,7%; Nhật Bản 53,3%; Anh 66,6%; Chile 73,3%; Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) 74,6%; Israel 61,8%...

Các nhà phân tích cũng dẫn những con số thống kê cho thấy, trước đây, để đạt mốc 1 tỷ liều vắc-xin đầu tiên được tiêm, thế giới cần 140 ngày. Tính từ mốc 4 triệu liều vắc-xin, cần chưa tới 30 ngày để tăng thêm 1 triệu liều. Đặc biệt, để tăng từ 5 tỷ liều lên 6 tỷ liều thì chỉ mất 26 ngày. Các chuyên gia cho rằng, đây là kết quả của những nỗ lực ở các cấp quốc tế cũng như mỗi quốc gia, nhất là khi thế giới thúc đẩy các hoạt động hợp tác, chia sẻ vắc-xin thông qua cơ chế COVAX (chương trình phân bổ vắc-xin toàn cầu của Liên Hợp Quốc). Hiện nay, COVAX đã phân bổ hơn 286 triệu liều vắc-xin cho 141 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Mới đây nhất, Mỹ cam kết tặng thêm 500 triệu liều vắc-xin của hãng Pfizer/BioNTech cho các nước nghèo, nâng tổng số vắc-xin mà nước này viện trợ lên 1,1 tỷ liều. Nhật Bản cam kết cung cấp bổ sung 30 triệu liều vắc-xin, nâng tổng số vắc-xin mà xứ sở hoa anh đào viện trợ cho các nước lên 60 triệu liều. Pháp nâng số vắc-xin viện trợ cho các nước nghèo lên 120 triệu liều. Ý cũng sẽ cung cấp 45 triệu liều vắc-xin trước thời điểm cuối năm nay, gấp 3 lần so với cam kết ban đầu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để bao phủ vắc-xin, cần khoảng 11 tỷ liều và vắc-xin chính là “chìa khóa” để đưa thế giới dần trở lại cuộc sống bình thường. Hãng tin AP cho biết, tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76 ở New York (Mỹ), các nhà lãnh đạo thế giới đã đặt mục tiêu tham vọng: Đến thời điểm tổ chức khóa họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm tới sẽ có 70% dân số thế giới được tiêm vắc-xin.

Song, trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử nhân loại, có 3 quốc gia chưa tiêm mũi nào, gồm: Burundi và Eritrea (khu vực Đông Phi), CHDCND Triều Tiên (Đông Á). Một vấn đề khác được đặt ra là hầu hết quốc gia đều thừa nhận sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19.

Phát biểu tại New York, Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan khẳng định: “Không có ai được an toàn cho đến khi mọi người đều được an toàn”. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết, 82% lượng vắc-xin của thế giới đã đến với các nước giàu có, trong khi các nước nghèo chỉ nhận được khoảng 1% số liều vắc-xin. Điều bất cập rõ nhất là trong lúc các nước giàu bắt đầu xem xét có nên tiêm mũi tăng cường (mũi thứ ba) cho người dân hay không, thì chưa đến 4% dân số châu Phi được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19. Theo Bloomberg, các quốc gia có thu nhập cao tiêm trung bình 124 liều vắc-xin/100 dân và chỉ 4 liều vắc-xin/100 dân được tiêm ở các quốc gia có thu nhập thấp.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tiếp tục kêu gọi “ý chí chính trị và tinh thần hợp tác để có thể cùng nhau thích ứng an toàn với Covid-19”. WHO nhiều lần thúc giục các nước giàu tạm ngừng tiêm liều bổ sung cho tới năm 2022 và đóng góp số vắc-xin dư thừa để giúp các nước nghèo hơn tăng tỷ lệ tiêm chủng.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.