COP26 phải là bước ngoặt hành động vì khí hậu

.

Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) chưa diễn ra, nhưng có rất nhiều kỳ vọng rằng sự kiện này phải là một bước ngoặt, quy tụ các cam kết của những nước lớn để giảm sự ấm nóng toàn cầu.

Một ngôi làng ở tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) bị ảnh hưởng lũ lụt hồi tháng 7-2021. Ảnh: Los Angeles Times
Một ngôi làng ở tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) bị ảnh hưởng lũ lụt hồi tháng 7-2021. Ảnh: Los Angeles Times

COP26 được tổ chức ở thành phố Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) từ ngày 31-10 đến 12-11. Báo The Independent dẫn lời ông Alok Sharma, Bộ trưởng của Anh kiêm Chủ tịch COP26 nói rằng, các quốc gia gây ô nhiễm nhất thế giới phải đưa ra các kế hoạch khó khăn hơn về cách thức mà họ giảm tác động đến khí hậu vào năm 2030. Ông Sharma thúc giục các nước bảo vệ cây xanh, giảm than đá, chuyển sang sử dụng ô-tô điện nhằm chung tay giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Vương quốc Anh đang tìm kiếm sự ủng hộ của các cường quốc cho một kế hoạch mang tính triệt để trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các nước giàu cần thực hiện cam kết tài trợ

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng, COP26 phải là một bước ngoặt nếu chúng ta thực hiện cam kết của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vốn được các nước ký kết tại COP21 năm 2015, hướng tới hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, bảo vệ người dân khỏi những tác động của biến đổi khí hậu, bảo đảm tất cả các dòng tài chính đều phù hợp với các mục tiêu trung hòa khí thải và phát triển bền vững.

Ông Guterres đặc biệt quan tâm các cam kết sẽ được đưa ra tại COP26 và mong muốn các nước có tiếng nói chung trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, gia tăng tài trợ cho hành động vì khí hậu ở các nước đang phát triển và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, các nước phát triển phải thu hẹp khoảng cách tài chính bằng cách cung cấp 100 tỷ USD/năm theo đúng cam kết cho các nước đang phát triển, để hành động vì khí hậu.

Hồi tháng 8 và tháng 9, theo AP, LHQ cùng các đối tác đã công bố các báo cáo cho rằng, mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và chạm ngưỡng 1,5 độ C sẽ nằm ngoài tầm với, bởi không có bất kỳ sự cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính nào được thực hiện trên quy mô lớn và ngay lập tức. Sau đó, chính Tổng Thư ký Guterres kêu gọi Trung Quốc và Mỹ, hai quốc gia phát thải hàng đầu thế giới, cần làm nhiều hơn nữa để chống lại sự biến đổi khí hậu.

Nhiệt độ trái đất có thể tăng ít nhất 2,7 độ C

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không tham dự COP26, theo lời Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu với tờ The Times. Tờ The Times cho hay, các nhà tổ chức COP26 của Anh lo ngại sự vắng mặt của ông Tập Cận Bình là bước khởi đầu để Trung Quốc từ chối đưa ra các mục tiêu về biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng. Theo báo The Independent, Trung Quốc hiện chịu trách nhiệm cho khoảng 27% lượng khí thải hằng năm. Trước đó, ông Tập Cận Bình cam kết rằng, Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu cắt giảm khí thải CO2 ở mức cao nhất trước năm 2030 và trung hòa carbon trước năm 2060.

Về phía Mỹ, hãng tin CNBC dẫn tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Joe Biden và đệ nhất phu nhân sẽ đến châu Âu 2 tuần, trong đó có việc tham dự COP26. Cùng đi với ông chủ Nhà Trắng còn có gần ½ số thành viên nội các, trong đó có Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Đặc phái viên của Tổng thống về khí hậu - ông John Kerry. Phái đoàn Mỹ sẽ kêu gọi các nước giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính để đáp ứng mục tiêu của Hiệp định Paris. Chính phủ Mỹ đã cam kết cắt giảm 1/2 lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2050.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng lo ngại việc thiếu lòng tin giữa các bên sẽ lại xảy ra như tại các hội nghị khác về khí hậu, các nước giàu né tránh cam kết tài chính, mặc dù chính con người đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự ấm lên của toàn cầu. Với tốc độ phát thải như hiện nay, nhiệt độ trái đất dự báo sẽ tăng 2,7 độ C hoặc hơn thế vào cuối thế kỷ này, nghĩa là vượt ngưỡng mà Hiệp định Paris về khí hậu đã đề ra.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.