Nội các Nhật Bản mang "dấu ấn Abe"

.

Ngày 4-10, ông Kishida Fumio chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản và công bố bộ máy chính phủ mới với phần lớn nhân sự là các đồng minh của cựu Thủ tướng Abe Shinzo.

Ông Kishida Fumio giành được 311/458 phiếu tại Hạ viện và chính thức trở thành Thủ tướng của Nhật Bản. 				Ảnh: Reuters
Ông Kishida Fumio giành được 311/458 phiếu tại Hạ viện và chính thức trở thành Thủ tướng của Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Đúng như cam kết ông Kishida đưa ra trước đây là sẽ trao cơ hội nhiều hơn cho người mới, trong số 20 vị trí trong chính phủ, có tới 13 ghế được giao cho những người chưa từng nắm giữ cương vị nào trong nội các trước đó. Độ tuổi trung bình của nội các mới là 61, theo đài CNN. Phần lớn các vị trí quan trọng nhất được dành cho các đồng minh của cựu Thủ tướng Abe Shinzo và Bộ trưởng Tài chính sắp mãn nhiệm Aso Taro.

Cái bóng của ông Abe

Hãng tin Reuters cho biết, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Suga Yoshihide khi mới nhậm chức khoảng một năm trước đã nhận được 70% sự ủng hộ của cử tri, nhưng nay tỷ lệ ủng hộ ông sụt giảm mạnh do dư luận không đồng tình với cách nhà lãnh đạo này xử lý đại dịch. “Ông ấy đắc cử với sự ủng hộ của ông Abe và ông Aso, vậy nên giờ là lúc để ông ấy đáp lại ân tình đó, không phải lúc để ông ấy cắt đứt với họ”, Reuters dẫn nhận định của chuyên gia phân tích chính trị Atsuo Ito nói, đồng thời cho biết thêm phong cách của ông Kishida vốn trọng sự an toàn hơn là chọn hành động tiềm ẩn rủi ro.

Một trong những người gần gũi nhất với ông Abe là ông Akira Amari, Tổng Thư ký mới của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Phát biểu với báo giới ngày 4-10, ông Amari nói rằng, chính phủ mới cần có thêm những bước hành động để cải thiện tình trạng chia rẽ xã hội đang tồn tại và chống Covid-19 hiệu quả hơn.

Một vị trí quan trọng khác cũng dành cho đồng minh của ông Abe là Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp, chức vụ này được trao cho Bộ trưởng Giáo dục hiện tại là ông Koichi Hagiuda. Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi - em ruột cựu Thủ tướng Abe, và Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi cũng sẽ tiếp tục giữ cương vị của họ trong nội các mới của ông Kishida.

Mặc dù chính phủ mới có 3 phụ nữ, nhiều hơn một người so với thời ông Suga, nhưng không ai trong số họ được giao đảm nhiệm các vị trí quan trọng.

Sẽ tổ chức bầu cử sớm

Theo đài NHK (Nhật Bản), ngày 4-10, tân Thủ tướng Kishida Fumio thông báo ông có kế hoạch giải thể Quốc hội vào ngày 14-10 và tổ chức tổng tuyển cử vào 31-10. Quyết định này được cho là gây bất ngờ vì đa phần giới quan sát cho rằng cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra trong tháng 11. Dù vậy, dư luận dự đoán có lẽ ông Kishida muốn tranh thủ khoảng thời gian “trăng mật”, khi lòng dân vẫn đang dành nhiều ủng hộ cho chính phủ mới, và cũng tận dụng khoảng thời gian số ca nhiễm Covid-19 giảm mạnh để tổ chức bầu cử Quốc hội.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, quyết định tổ chức tổng tuyển cử sớm của Thủ tướng Kishida có thể vì ông không muốn lặp lại sai lầm của người tiền nhiệm. Trước đây, ông Suga đã không tổ chức tổng tuyển cử khi tỷ lệ ủng hộ ông đang mạnh.

Cũng theo giới quan sát, bài kiểm tra lớn đầu tiên với ông Kishida trên cương vị Thủ tướng vẫn là cuộc tổng tuyển cử trong tháng 10, bởi ông sẽ đối mặt với những chỉ trích của dư luận về các chiến lược chống dịch dưới thời người tiền nhiệm Suga.

Là chính trị gia theo quan điểm tự do ôn hòa và được coi như người có khả năng giữ ổn định, ông Kishida nhận lãnh trách nhiệm người đứng đầu chính phủ trong bối cảnh nước Nhật đối mặt với rất nhiều khó khăn: số ca mắc Covid-19 gia tăng, nền kinh tế đình trệ, tốc độ già hóa dân số ngày càng nhanh và mối quan hệ với Trung Quốc đang căng thẳng hơn.

Người con của Hiroshima

Theo CNN, ông Kishida Fumio sinh ngày 29-7-1957, là Ngoại trưởng Nhật Bản giai đoạn 2012-2017 dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo và là Ngoại trưởng tại nhiệm lâu nhất ở quốc gia này.

Ông Kishida sinh ra trong một gia đình có truyền thống hoạt động chính trị. Cả cha và ông nội của ông đều là các nghị sĩ tại Hạ viện Nhật Bản.

Là người con của thành phố Hiroshima, ông Kishida phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân sau khi chứng kiến thảm họa từng xảy đến với quê hương mình. Năm 2016, ông Kishida thu xếp mời và tổ chức thành công chuyến thăm Hiroshima của Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama. Đó cũng là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ tới thăm Hiroshima - một trong hai thành phố từng bị quân đội Mỹ ném bom nguyên tử trong Thế chiến thứ hai.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích