Ứng phó biến đổi khí hậu: Biến lời nói thành hành động

.

Thế giới phải đoàn kết và hành động từ bây giờ để ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông điệp này được các nhà lãnh đạo vùng Thái Bình Dương đưa ra trong lúc Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo khó đạt được mục tiêu hạn chế mức nhiệt tăng toàn cầu dưới 2 độ C và tốt nhất là ở 1,5 độ C.

Nhiều quốc gia cam kết đạt mức trung hòa lượng phát thải CO2 bằng 0 vào năm 2050. 		              Ảnh: Reuters
Nhiều quốc gia cam kết đạt mức trung hòa lượng phát thải CO2 bằng 0 vào năm 2050. Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters cho biết, nhiều nhà lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đến thành phố Rome của Ý dự hội nghị thượng đỉnh vào ngày 30 và 31-10, sau đó sẽ đến thành phố Glasgow của Scotland (Vương quốc Anh) dự hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) từ ngày 31-10 đến 12-11.

“Cơ hội xây dựng trở lại tốt hơn”

COP26 có sự góp mặt của khoảng 200 quốc gia, chiếm hơn 80% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới, 60% dân số và ước tính 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Một phân tích của LHQ được đưa ra cách đây vài ngày cho thấy các quốc gia hứa hẹn sẽ hành động nhiều hơn để giảm lượng khí thải so với trước đây.

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ ngày 26-10, nếu các quốc gia không tăng cường các cam kết về khí hậu, COP26 - “cơ hội xây dựng trở lại tốt hơn” - sẽ bị lãng phí và nhiệt độ Trái đất sẽ có thể tăng ít nhất là 2,7 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Hiện tại, Trái đất nóng lên khoảng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và đang đi trên quỹ đạo ấm lên dự kiến là 2,7 độ C.

Mỹ và Trung Quốc là hai nước phát thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới. Mỹ hiện trở lại với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhưng sự chần chừ của Quốc hội Mỹ khiến Tổng thống Joe Biden đến Rome và Scotland với bản kế hoạch không mạnh mẽ như mong muốn.

Trong khi đó, theo Tân Hoa xã, Trung Quốc hôm 28-10 trình lên LHQ kế hoạch mới nhằm cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Bắc Kinh muốn đưa lượng khí phát thải lên mức cao nhất trước năm 2030, sau đó giảm dần và đạt mục tiêu trung hòa carbon trước năm 2060, giảm trên 65% mật độ carbon trong mỗi đơn vị tăng trưởng kinh tế.

Các nhà phân tích cho rằng, những mục tiêu mới của Trung Quốc thay đổi không đáng kể và chưa đủ đối với quốc gia 1,4 tỷ dân, chiếm hơn 25% tổng lượng phát thải khí carbon. Năm 2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cam kết Bắc Kinh sẽ đạt mức phát thải cao nhất vào khoảng năm 2030 và đạt mức trung hòa carbon vào khoảng năm 2060.

Cam kết nhiều, nhưng chưa đủ

Theo AP, hơn 100 quốc gia cam kết sẽ đạt mức trung hòa lượng phát thải CO2 bằng 0 vào năm 2050 nhưng điều này vẫn chưa đủ để ngăn chặn thảm họa khí hậu. Vì vậy, COP26 hướng tới thúc đẩy các cam kết tham vọng hơn nữa của nhiều quốc gia; trong đó, các nước giàu cần tăng cường tài trợ cho các nước đang phát triển để nâng cao khả năng thích ứng và năng lực ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu.

Hãng tin Reuters dẫn lời cựu Tổng thống Anote Tong của quốc đảo Kiribati ở vùng Thái Bình Dương, người từng được đề cử giải Nobel Hòa bình 2 lần kêu gọi thế giới đoàn kết và hành động: “Chúng ta cần hành động cụ thể ngay bây giờ. Chúng ta không thể chờ đến năm 2050, đó là vấn đề sống còn của chúng ta”. Ông Anote Tong dự đoán người dân quốc đảo Kiribati có thể sẽ không thể ở được nơi đây trong vòng 30-60 năm nữa vì tình trạng ngập lụt và ô nhiễm nguồn cung cấp nước ngọt.

Các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương cũng khẳng định họ yêu cầu hành động ngay lập tức của thế giới, đặc biệt là G20. “Cam kết mạnh mẽ và kết quả của hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome sẽ mở đường cho một COP26 tham vọng và thành công”, ông Henry Puna - cựu Thủ tướng đảo Cook, hiện là Thư ký tổ chức phi chính phủ Diễn đàn đảo Thái Bình Dương nói.

Báo cáo của LHQ cũng cho hay, nếu được thực hiện đầy đủ, những cam kết mới từ khoảng 120 quốc gia tính đến cuối tháng 9 có thể dẫn đến việc cắt giảm 7,5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Tuy nhiên, lượng khí thải cần phải giảm nhanh hơn khoảng 7 lần để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris: Giới hạn mức nhiệt của Trái đất ở mức dưới 2 độ C và ở mức 1,5 độ C nếu có thể.

Tại COP26 ở Glasgow, các nhà lãnh đạo sẽ đối mặt với áp lực phải hành động thay vì đơn thuần là lời nói. Vì vậy, COP26 sẽ rất khó khăn và có thể không đạt được những thỏa thuận cần thiết, như cảnh báo của Thủ tướng nước chủ nhà - ông Boris Johnson.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.