Áo phong tỏa cả nước, bắt buộc tiêm vắc-xin

.

Lệnh phong tỏa toàn quốc tại Áo có hiệu lực từ ngày 22-11 và kéo dài 20 ngày để ứng phó với Covid-19. Không những thế, Áo còn là quốc gia châu Âu đầu tiên bắt buộc người dân tiêm vắc-xin.

Cảnh sát kiểm tra chứng nhận tiêm vắc-xin của du khách tại một chợ Giáng sinh ở thủ đô Vienna (Áo) ngày 19-11. Ảnh: AP
Cảnh sát kiểm tra chứng nhận tiêm vắc-xin của du khách tại một chợ Giáng sinh ở thủ đô Vienna (Áo) ngày 19-11. Ảnh: AP

Theo hãng tin CBS, khi tuyên bố áp đặt phong tỏa cả nước kể từ ngày 22-11, Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg nói rằng, các biện pháp hạn chế phòng dịch có thể được thắt chặt hơn nữa nếu số ca nhiễm mới không giảm. Song, nhà lãnh đạo này khẳng định lệnh phong tỏa sẽ diễn ra không quá 20 ngày.

991 ca nhiễm/100.000 dân

Với lệnh phong tỏa, tất cả cơ sở kinh doanh không thiết yếu tại Áo sẽ phải đóng cửa; người dân không rời khỏi nhà, trừ những lý do như đi mua nhu yếu phẩm hoặc đi khám bệnh.

Trước đó, từ ngày 15-11, Áo áp dụng lệnh hạn chế đối với những người chưa tiêm đủ liều vắc-xin ngừa Covid-19. Giờ đây, chính phủ Áo ban hành lệnh tiêm chủng bắt buộc đối với toàn dân từ ngày 1-2-2022, một biện pháp mà các quốc gia khác ở Tây Âu muốn né tránh vì lo ngại phản ứng của công chúng và những thách thức khác. Quy định bắt buộc này được Áo miễn trừ cho những người không thể tiêm vắc-xin vì lý do sức khỏe.

Áo hiện là một trong những nước có tỷ lệ ca nhiễm trong vòng 7 ngày cao nhất ở châu Âu, với tỷ lệ 991 ca nhiễm/100.000 dân. Áo có dân số gần 9 triệu người nhưng đã ghi nhận tổng cộng hơn 1 triệu ca nhiễm và 12.000 ca tử vong. Riêng ngày 19-11, nước này có hơn 15.800 ca nhiễm mới.

Theo Reuters, khoảng 2/3 dân số Áo (66%) đã tiêm đầy đủ vắc-xin ngừa Covid-19 và quốc gia này cũng là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở Tây Âu. Trong cuộc họp báo hôm 19-11, Thủ tướng Schallenberg xác nhận: “Chúng ta không thành công trong việc thuyết phục người dân đi tiêm vắc-xin”. Ông Schallenberg cũng nhấn mạnh việc không muốn có làn sóng dịch thứ 5, thứ 6 hay thứ 7.

Châu Âu đối mặt làn sóng lây nhiễm mới

Vấn đề đặt ra là trong điều kiện thời tiết lạnh giá ở châu Âu, quốc gia nào sẽ có động thái phong tỏa cả nước tương tự hay bắt buộc tiêm chủng như Áo? Theo Reuters, với làn sóng lây nhiễm mới, chính phủ nhiều nước châu Âu đang xem xét tái áp dụng các biện pháp hạn chế.

Từ ngày 22-11, Slovakia cấm những người chưa tiêm vắc-xin đến các cửa hàng không thiết yếu và trung tâm mua sắm. Những người này cũng không thể tham dự các sự kiện đông người và được xét nghiệm 2 lần/tuần mới đủ điều kiện đi làm việc. Số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ ở mức kỷ lục được Slovakia ghi nhận vào ngày 16-11 là hơn 8.300 ca. Quốc gia này mới có 45,3% trong tổng cộng 5,5 triệu dân được tiêm vắc-xin đầy đủ.

Tại Đức, theo AP, ngày 20-11, các nhà chức trách ghi nhận gần 64.000 ca nhiễm mới và 248 ca tử vong. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh: “Thực sự đây là lúc bắt buộc hành động”. Hầu hết các bang đều áp dụng các biện pháp hạn chế, như tiêm vắc-xin bắt buộc với nhân viên y tế, đóng cửa các chợ Giáng sinh truyền thống, yêu cầu người lao động làm việc từ xa.

Với tỷ lệ tiêm chủng ở Đức là 67,5%, Chủ tịch Viện Robert Koch (RKI) Lothar Wieler kêu gọi đẩy mạnh tiêm chủng tối đa, dù biện pháp này không tác động nhanh chóng tới số ca nhiễm mới. RKI từng cho rằng, mục tiêu tiêm chủng cần đạt được là ít nhất 85% dân số từ 12-59 tuổi và 90% đối với người trên 60 tuổi. Ông Wieler gọi làn sóng bùng phát dịch tại Đức là “tình trạng khẩn cấp quốc gia”.

Trong khi đó, Hy Lạp cũng đã công bố hàng loạt biện pháp hạn chế đối với những người chưa tiêm vắc-xin. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis lý giải, đây là giải pháp thôi thúc gia tăng tỷ lệ tiêm chủng.

Tại Pháp, tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 là yêu cầu bắt buộc đối với y tá, lính cứu hỏa và một số ngành nghề khác. Tại Hà Lan, chính phủ hồi tuần trước đã tái áp đặt lệnh phong tỏa một phần, bao gồm việc đóng cửa các bar và nhà hàng sau 20 giờ.

Trước làn sóng dịch tấn công châu Âu, phát biểu trên kênh truyền hình BBC, ông Hans Kluge - Giám đốc Văn phòng châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - cảnh báo “lục địa già” có thể có thêm 500.000 người tử vong do Covid-19 từ nay đến tháng 3-2022 nếu không áp dụng ngay lập tức các biện pháp khẩn cấp.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.