Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 567.000 ca mắc Covid-19 và trên 7.000 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 256 triệu ca, trong đó trên 5,14 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 81.000 ca), Đức (64.164 ca) và Anh (46.807 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.251 ca), Mỹ (969 ca) và Ukraine (752 ca).
Như vậy, ngoài Mỹ, các quốc gia có ca mắc và tử vong mới cao nhất thế giới trong 24 giờ qua đa số nằm ở châu Âu.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở Martinique, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong báo cáo hằng tuần về tình hình dịch bệnh Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, số ca tử vong do Covid-19 ở châu Âu tuần trước đã tăng 5%, theo đó, châu Âu là khu vực duy nhất trên thế giới ghi nhận số ca tử vong trong tuần gia tăng.
Báo cáo nêu rõ số ca tử vong do Covid-19 tại tất cả các khu vực khác trên thế giới đều ở mức ổn định hoặc giảm, với tổng cộng 50.000 ca trong tuần trước.
Trong khi đó, số ca mắc mới Covid-19 trên toàn cầu tăng 6% do gia tăng tại châu Mỹ, châu Âu và châu Á. Trong số 3,3 triệu ca mắc mới tuần trước, 2,1 triệu ca ở các nước châu Âu.
Đây là tuần thứ 7 liên tiếp số ca mắc mới Covid-19 tiếp tục tăng tại 61 quốc gia và vùng lãnh thổ mà WHO tính vào khu vực châu Âu trải dài từ Nga tới Trung Á, trong đó, Nga, Đức và Anh, là những nước ghi nhận số ca mắc mới cao nhất. Trong khi đó, số ca tử vong do Covid-19 trong tuần trước tại Na Uy tăng khoảng 67% và tại Slovakia tăng 38%.
Theo WHO, kể từ tháng 7 vừa qua, số ca mắc mới Covid-19 giảm ở châu Phi, khu vực Trung Đông và Đông Nam Á.
Tại châu Âu, khoảng 60% người dân ở Tây Âu đã hoàn thành tiêm chủng ngừa Covid-19, trong khi tỉ lệ này ở Đông Âu chỉ bằng một nửa.
Một số nước ở châu Âu đã siết chặt các biện pháp phòng chống Covid-19.
Bỉ siết chặt các biện pháp phòng dịch
Ngày 17-11, Ủy ban tham vấn về Covid-19 của Bỉ đã nhóm họp và nhất trí tăng cường các biện pháp nhằm ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ 4 đang hoành hành tại nước này.
Các biện pháp ứng phó mới có hiệu lực kể từ ngày 20-11 đến 13-12 tới bao gồm yêu cầu đeo khẩu trang tại các sự kiện được tổ chức cả ở bên ngoài và trong phòng kín, trên các phương tiện giao thông công cộng, tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thương mại, giải trí. Trẻ em từ 10 tuổi trở lên bắt buộc phải đeo khẩu trang tại những nơi quy định, trừ trong trường học. Riêng các vùng nói tiếng Pháp, tiếng Hà Lan và tiếng Đức có thể tự quy định về việc đeo khẩu trang tại các trường học.
Tương tự quy định về khẩu trang, bắt buộc phải trình chứng nhận an toàn với Covid-19 (CST) đối với người đến các địa điểm đông người, bao gồm cả chợ Giáng sinh, cũng như tới các cơ sở văn hóa và giải trí (nhà hát, phòng hòa nhạc, trung tâm văn hóa, rạp chiếu phim, bảo tàng, công viên giải trí...).
Chính phủ liên bang cũng thống nhất bắt buộc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đối với các nhân viên y tế từ ngày 1-1-2022. Những người từ chối tiêm phòng sẽ tạm thời phải nghỉ việc đến ngày 31-3. Sau thời điểm này, nếu tiếp tục không tiêm sẽ buộc phải nghỉ việc theo chế độ thất nghiệp.
Bên cạnh đó, bắt buộc các cơ quan, doanh nghiệp cho người lao động làm việc từ xa 4 ngày/tuần. Sau ngày 13-12, số ngày làm việc từ xa sẽ giảm xuống còn 3 ngày mỗi tuần. Ngoài ra, Ủy ban tham vấn về Covid-19 cũng nhất trí với đề xuất tiêm mũi vắc-xin tăng cường cho tất cả người dân Bỉ kể từ cuối tháng 4-2022.
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Alexander De Croo cho biết tình hình dịch bệnh tại nước này đang ở cấp độ đỏ, số lượng bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt đã tăng gấp đôi trong một tuần. Giới chức Bỉ đã thực hiện nhiều biện pháp trên diện rộng và đề cao hướng phòng chống dịch bệnh hơn là phong tỏa.
Bỉ đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 khi số ca mắc mới Covid-19 liên tục tăng, từ 15.224 ca hôm 8-11 lên 19.300 ca ngày 15-11. Trong 24 giờ qua, Bỉ ghi nhận 18.437 ca mắc mới.
Tính đến ngày 16-11, đã có 8,63 triệu người dân Bỉ tiêm đủ liều vắc-xin ngừa Covid-19, chiếm 74,6%.
Làn sóng Covid-19 mới nhất tại Ukraine tấn công vào trẻ em ngày càng mạnh
Bệnh viện truyền nhiễm nhi đồng Kiev, một cơ sở y tế có 100 giường bệnh chuyên điều trị cho trẻ em mắc Covid-19 ở Ukraine, đã phải đón nhiều bệnh nhân nặng hơn trong đợt bùng phát mới nhất ở Ukraine bắt đầu từ mùa Thu này.
Làn sóng dịch hiện nay cũng đã ghi nhận những ca trẻ em tử vong vì Covid-19 đầu tiên trong bệnh viện kể từ khi bùng phát dịch bệnh này mùa Xuân năm 2020.
Là một trong những nước nghèo nhất châu Âu, Ukraine đang bị ảnh hưởng nặng nề trong làn sóng dịch mới nhất hiện nay do biến thể Delta hoành hành. Biến thể này lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn đối với trẻ em. Ngày 18-11, đất nước có 40 triệu dân này đã ghi nhận 752 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, mức cao thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Nga.
Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng thấp đang góp phần làm trầm trọng thêm làn sóng lây nhiễm hiện nay ở nước này. Nhiều người vẫn do dự đi tiêm bất chấp lời kêu gọi của các cơ quan chức năng và dù nước này đã phê chuẩn sử dụng 4 loại vắc-xin khác nhau gồm vắc-xin của Pfizer, Moderna, AstraZeneca và vắc-xin Coronavac do Trung Quốc sản xuất.
Gần đây, nhà chức trách nước này đã phải áp dụng các biện pháp hạn chế đối với người chưa tiêm chủng, nhờ vậy tỷ lệ tiêm đã tăng hơn, nhưng đến ngày 18-11, chỉ gần 1/3 người trưởng thành ở Ukraine được tiêm đầy đủ. Tuần này, Tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo thưởng 35 euro cho bất kỳ ai tiêm đủ vắc-xin ngừa Covid-19.
Tháng trước, Ukraine đã cho phép tiêm vắc-xin của hãng Pfizer cho trẻ từ 12-17 tuổi. Đến nay, chỉ 30.000 trẻ em được tiêm ít nhất một mũi.
Tây Ban Nha triển khai tiêm mũi tăng cường
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thông báo nước này sẽ triển khai tiêm mũi tăng cường cho đối tượng trên 60 tuổi và nhân viên y tế. Trong chuyến thăm chính thức tới Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Sanchez nhấn mạnh chìa khóa để ngăn chặn đại dịch là tiếp tục chương trình tiêm vắc-xin. Ông Sanchez không nêu rõ thời điểm triển khai tiêm mũi tăng cường.
Tây Ban Nha là một trong số nước châu Âu có tỷ lệ tiêm chủng cao. Thống kê cho thấy khoảng 79% dân số nước này đã tiêm đủ liều, mức này ở Anh là 68% và tại Đức và Pháp là 75%.
Ca mắc mới tại Pháp cao nhất kể từ cuối tháng 8
Ngày 18-11, Pháp ghi nhận trên 20.000 ca mắc mới Covid-19. Đây là mức cao nhất tại quốc gia châu Âu này tính từ ngày 25/8 đến nay trong bối cảnh làn sóng dịch lần thứ 5 đang hoành hành phức tạp với tốc độ lây nhiễm tăng nhanh.
Bộ Y tế Pháp thông báo với 20.366 ca mới, tổng số ca hiện tăng lên thành 7,35 triệu ca. Số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày qua vượt ngưỡng 12.400 ca. Trong khi đó, số ca mới tính trên 100.000 dân trong một tuần đã tăng lên tới 129 ca, cho dù vẫn thấp hơn các quốc gia láng giềng như Đức, Anh và Bỉ - nơi ghi nhận tỷ lệ cao hơn nhiều lần.
Ngoài ra, ngày thứ 2 liên tiếp Pháp ghi nhận số bệnh nhân Covid-19 nhập viện tăng hơn 10% so với tuần trước, lên mức 7.663 ca. Số bệnh nhân nặng phải điều trị tích cực ICU tăng lên tới 1.300 ca.
Bộ Y tế Pháp cho biết thêm tổng số ca tử vong tại nước này hiện vượt mức 118.000 ca sau khi ghi nhận thêm 56 ca không qua khỏi.
Người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cùng ngày nêu rõ nước này đang chịu tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 5, song ở thời điểm hiện tại chưa có thêm biện pháp nghiêm ngặt nào được bổ sung vào chương trình phòng dịch hiện nay. Chính phủ kỳ vọng tỷ lệ tiêm phòng cao sẽ hạn chế được các trường hợp phải nhập viện.
Đức khuyến nghị tiêm mũi thứ ba cho tất cả người trưởng thành
Ngày 18-11, Ủy ban thường trực tiêm chủng quốc gia Đức (Stiko) đã khuyến nghị tiêm liều tăng cường vắc-xin ngừa Covid-19 cho tất cả những người từ 18 tuổi trở lên. Khuyến nghị này được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới theo ngày Đức đã tăng lên mức cao kỷ lục mới.
Theo STIKO, chính phủ nên sử dụng vắc-xin được sản xuất theo công nghệ mRNA cho chương trình tiêm liều thứ ba này và liều tăng cường nên tiêm cách mũi thứ hai 6 tháng. Tuy nhiên, thời gian chờ giữa liều thứ hai và thứ ba có thể được rút ngắn là 5 tháng tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI) cho biết ngày 18-11, Đức ghi nhận 64.164 ca nhiễm mới. Trong 24 giờ qua, nước này cũng có thêm 261 ca tử vong vì dịch Covid-19. Hiện tổng số ca bệnh tại Đức tăng lên 5.233.821 ca, trong đó 99.169 người không qua khỏi.
Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 trong ngày cao nhất từ trước đến nay
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 15-11-2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Ngày 18-11 Hàn Quốc ghi nhận 3.292 ca mắc mới Covid-19, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này, nâng tổng số ca lên 406.065 ca.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết trong đó có tới 3.272 ca lây nhiễm cộng đồng. Số ca mắc mới tăng mạnh trong bối cảnh chính phủ nước này nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội và thực hiện kế hoạch "Sống chung với Covid-19".
Ngoài ra, theo KDCA, với thêm 29 ca không qua khỏi trong 24 giờ qua, tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại Hàn Quốc tăng lên thành 3.187 ca. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân Covid-19 nặng hiện chỉ còn 506 ca, giảm 16 ca so với mức cao nhất (522 ca) trong ngày 17-11 vừa qua.
Số liệu của KDCA cho thấy đã có tổng cộng 42,11 triệu người, tương đương 82% dân số Hàn Quốc, hoàn tất tiêm vắc-xin mũi đầu tiên và 40,31 triệu người, tương đương 78,5%, đã được tiêm chủng đầy đủ.
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, tính đến ngày 16/11, tỷ lệ người nước ngoài ở Hàn Quốc hoàn tất tiêm chủng là 72,2%. Tỷ lệ ca mắc Covid-19 là người nước ngoài trên số ca nhiễm phát sinh giảm từ 21,7% (ngày 13-10) xuống còn 6,2% (ngày 16-11).
Sri Lanka triển khai tiêm mũi vắc-xin tăng cường cho người từ 60 tuổi trở lên
Giới chức y tế Sri Lanka đã bắt đầu mở rộng việc tiêm mũi vắc-xin tăng cường cho nhóm đối tượng từ 60 tuổi trở lên tại các tỉnh miền Tây và Nam nước này và tại huyện Anuradhapura và Ampara.
Loại vắc-xin dùng để tiêm tăng cường là vắc-xin của hãng Pfizer cho dù hai mũi tiêm trước là của bất kỳ hãng nào. Chiến dịch tiêm đại trà trước đó của Sri Lanka đã sử dụng vắc-xin Sputnik của Nga, các vắc-xin của hãng Sinopharm (Trung Quốc), Moderna và Pfizer (Mỹ) và AstraZeneca của Anh.
Giới chức y tế Sri Lanka cho biết những người trên 60 tuổi sẽ tiêm mũi vắc-xin tăng cường sau 3 tháng kể từ khi tiêm mũi thứ hai.
Trước đó, Sri Lanka đã tiến hành tiêm mũi vắc-xin tăng cường cho các nhân viên y tế trên tuyến đầu, trong đó có các nhân viên thuộc lực lượng an ninh, với hơn 120.000 người đã được tiêm đến nay.
Đến nay, Sri Lanka ghi nhận trên 554.000 ca mắc Covid-19, trong đó có trên 14.000 ca tử vong.
Tốc độ tiêm chủng cho trẻ em ở Mỹ cao gấp 3 lần so với người lớn
Theo số liệu từ Nhà Trắng, kể từ khi nhà chức trách Mỹ đầu tháng 11 này phê duyệt tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi ở nước này, đến nay khoảng 10 % trong số trẻ em độ tuổi này tại Mỹ đã được tiêm một mũi vắc-xin. Theo đó, tốc độ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ em ở Mỹ nhanh gấp hơn 3 lần so với tốc độ tiêm cho người lớn khi bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng.
Ngày 17-11, điều phối viên Covid-19 của Nhà Trắng Jeff Zients cho biết ít nhất 2,6 triệu trong số khoảng 28 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 tại Mỹ đã được tiêm một mũi vắc-xin. Trong tuần trước, Mỹ đã triển khai tiêm 1,7 triệu liều vắc-xin cho lứa tuổi này - tốc độ nhanh gấp đôi so với tuần đầu tiên triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em sau khi được phê duyệt.
Điều phối viên Jeff Zients cho biết hiện có 30.000 địa điểm tiêm chủng cho trẻ em trên khắp nước Mỹ, tăng so với 20.000 địa điểm trong tuần trước. Chính quyền Tổng thống Joe Biden tin rằng tiến độ tiêm chủng cho trẻ em sẽ tăng tốc trong những ngày tới.
Dự kiến, những trẻ em tiêm mũi vắc-xin đầu tiên trong tuần này sẽ hoàn thành tiêm chủng vào trước lễ Giáng sinh, căn cứ thời gian giữa hai mũi tiêm là 3 tuần.
Theo Báo Tin tức