Đường vào NATO còn xa với Ukraine

.

Đến nay, các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn chưa nhất trí về việc kết nạp Ukraine dù mối quan hệ giữa Kiev với liên minh quân sự này đang trở nên gần gũi hơn.

Các nhà lãnh đạo NATO trong cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 6 năm nay. Một trong những vấn đề trọng tâm được bàn thảo là giải pháp để NATO hỗ trợ Ukraine cả về quân sự mà không làm gia tăng căng thẳng với Nga. Ảnh: CBC.ca
Các nhà lãnh đạo NATO trong cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 6 năm nay. Một trong những vấn đề trọng tâm được bàn thảo là giải pháp để NATO hỗ trợ Ukraine cả về quân sự mà không làm gia tăng căng thẳng với Nga. Ảnh: CBC.ca

Việc Ukraine trở thành thành viên NATO sẽ là “lằn ranh đỏ” với Nga. Điện Kremlin đã phát đi thông điệp này sau cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 16-6. Cuối tháng 10 vừa qua, hãng tin RIA của Nga dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao nước này, ông Andrei Rudenko, cảnh báo NATO sẽ đối mặt với các hậu quả nếu có bất cứ động thái nào xúc tiến lộ trình phê duyệt tư cách thành viên cho Ukraine.

Mục tiêu chiến lược của Ukraine

Quan hệ giữa NATO và Ukraine được khởi động từ đầu những năm 1990, kể từ đó tới nay đã tiến triển thành một trong những quan hệ đáng chú ý nhất của NATO. Từ năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea, mối quan hệ giữa NATO và Ukraine được tăng cường ở một số lĩnh vực trọng yếu.

Hai năm trước, Ukraine đã đưa lộ trình trở thành thành viên toàn diện của NATO thành một phần trong nội dung hiến pháp của nước này. Chiến lược an ninh quốc gia của Ukraine cũng bao gồm kế hoạch hành động trở thành thành viên NATO.

Thực tế cho thấy Ukraine tỏ rõ thái độ sốt ruột khi lộ trình gia nhập NATO dường như không có tiến triển đáng kể. Ngày 14-6 vừa qua, khi NATO nhóm họp tại Brussels (Bỉ) với mục tiêu cải thiện quan hệ xuyên Đại Tây Dương, Ukraine không vui vì không được mời tham dự. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba bày tỏ thất vọng rất lớn, cho rằng đó là minh chứng cho thấy NATO không coi trọng nguyện vọng gia nhập khối của Kiev.

Cũng trong ngày 14-6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, ông cần một câu trả lời rõ ràng “có” hay “không” từ Tổng thống Biden về việc mở đường để Kiev gia nhập NATO. Tuy nhiên, Washington vẫn cho rằng Kiev cần phải quét sạch nạn tham nhũng trong nước và đáp ứng các tiêu chuẩn khác trước khi có thể là thành viên NATO.

Nhiều rào cản với Ukraine

Ông Valeriy Chaly, cựu Đại sứ Ukraine tại Mỹ, Chủ tịch Ban Quản trị tại Trung tâm Truyền thông của Ukraine (UCMC), hồi đầu năm nay nhấn mạnh việc gia nhập NATO là lộ trình chính sách đối ngoại chiến lược của Ukraine. “Hiến pháp (của Ukraine - PV) đã tạo ra khung hành động rõ ràng cho chiến lược gia nhập NATO trong tương lai. Dù vậy, cần nhớ rằng trong quá trình này còn rất nhiều việc phải làm, và đó là nhiệm vụ của Ukraine”, ông Chaly chia sẻ trên trang web của UCMC.

Rào cản lớn nhất chính là sự phản đối của Nga. Thực tế, Moscow luôn cảnh giác trước các nguy cơ an ninh có thể phát sinh từ sườn biên giới phía tây nam, giáp Ukraine của họ. Moscow thấy rõ những hiểm họa tiềm ẩn từ mối quan hệ gắn bó giữa Ukraine và phương Tây.

Trong một hội nghị tại thành phố Sochi (Nga) ngày 21-10, Tổng thống Putin nói: “Việc trở thành thành viên chính thức của Ukraine tại NATO có lẽ không xảy ra, nhưng cũng không nhất thiết phải là thành viên NATO thì mới có thể triển khai hạ tầng quân sự của Anh, Mỹ trên lãnh thổ Ukraine. Và đây thực sự là mối đe dọa với Nga. Chúng tôi biết rõ điều đó”.

Ukraine cũng sẽ phải thuyết phục được các nước thành viên NATO đang chần chừ không muốn ủng hộ họ gia nhập liên minh. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhắc lại nguyên tắc đồng thuận của khối này như một thông điệp rõ ràng với Ukraine về việc không thể thúc đẩy nhanh tiến trình gia nhập. “Để đồng ý với kế hoạch hành động trở thành thành viên, quý vị cần sự đồng thuận của 30 đồng minh”, ông Stoltenberg phát biểu hồi tháng 6 tại hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels.

Ngày 14-11, phát biểu trên kênh HBO, ông Stoltenberg cho biết, quan hệ đối tác của NATO với Ukraine đang trở nên gần gũi hơn nhưng các thành viên vẫn chưa đạt sự đồng thuận về việc cho Kiev trở thành thành viên đầy đủ của liên minh này.

Kể từ khi thành lập năm 1949, NATO đã 8 lần bổ sung thành viên mới. Hiện tổ chức này có tổng cộng 30 thành viên. Bắc Macedonia là thành viên thứ 30, gia nhập vào tháng 4-2020.

ĐẮC LUÂN (Tổng hợp từ NATO, RFERL, Bloomberg)

;
;
.
.
.
.
.