G20 cam kết chống biến đổi khí hậu

.

Các nhà lãnh đạo nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã đạt thỏa thuận về ứng phó với tình trạng ấm lên toàn cầu dù những cam kết này chưa mạnh mẽ.

Các nhà lãnh đạo G20 ở Rome (Ý) ngày 31-10. Ảnh: AP
Các nhà lãnh đạo G20 ở Rome (Ý) ngày 31-10. Ảnh: AP

Hãng tin AP cho biết, hội nghị thượng đỉnh G20 khép lại ở Rome (Ý) vào ngày 31-10 (giờ địa phương) với cam kết khống chế mức tăng nhiệt độ Trái đất ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. G20 cho rằng, có thể đạt được mục tiêu này, nhưng các tuyên bố không đặt ra thời hạn rõ ràng cho việc đưa mức phát thải ròng về bằng 0, chỉ đề cập chung chung là vào “trước hoặc khoảng giữa thế kỷ này”; đồng thời không có thời hạn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, cũng không có thời hạn cuối cùng kết thúc việc trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch.

Trong khi đó, khống chế mức tăng nhiệt độ Trái đất ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp là mục tiêu lý tưởng nhất của Thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2015, nghĩa là thế giới phải giảm 50% mức phát thải ròng vào năm 2030 và đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Kể từ cuộc Cách mạng công nghiệp, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,1 độ C và yêu cầu đặt ra là phải cắt giảm khí thải nghiêm ngặt mới giữ được mức tăng ở ngưỡng 1,5 độ C.

Việc G20 lần đầu tiên ủng hộ mục tiêu giữ Trái đất không nóng thêm quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp là bước tiến lớn. Từ năm 2015 đến nay, G20 tồn tại nhiều bất đồng khi các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Úc… vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050. Trong khi đó, Trung Quốc, Nga và Saudi Arabia đặt mục tiêu này đến năm 2060; các nhà lãnh đạo của 3 nước này đã không có mặt ở Rome.

Thủ tướng Ý Mario Draghi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đánh giá hội nghị thượng đỉnh G20 đã thành công. Tuy nhiên, theo AP, kết quả của diễn đàn này ở Rome làm các nhà hoạt động khí hậu, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres và Thủ tướng Anh Boris Johnson thất vọng. Nhà lãnh đạo Anh gọi các cam kết của G20 chỉ là “những nhỏ giọt trong một đại dương đang ấm nóng lên nhanh”. Ông Johnson xác nhận cam kết là “quá mơ hồ” và những cam kết hiện có là “không đủ”.

Tổng Thư ký Guterres cũng cho rằng, kết quả như vậy vẫn chưa đủ. “Trong khi tôi hoan nghênh cam kết của G20 đối với các giải pháp toàn cầu, tôi rời Rome với những hy vọng dang dở, nhưng ít nhất chúng không bị chôn vùi”, ông Guterres viết trên Twitter. Giờ đây, ông Guterres đặt kỳ vọng vào hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) khai mạc ở thành phố Glasgow của Scotland (Vương quốc Anh).

Lượng phát thải carbon của các nước G20 chiếm gần 80% lượng phát thải toàn cầu. Vì vậy, Anh kỳ vọng G20 sẽ có tiếng nói mạnh mẽ ở COP26. Các nhà hoạt động môi trường và các nhà khoa học cũng mô tả COP26 là “cơ hội tốt nhất cuối cùng” của thế giới để thực hiện mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015.
Giám đốc cấp cao Friederike Roder tại nhóm Công dân toàn cầu chống đói nghèo, nói với AFP rằng hội nghị thượng đỉnh G20 đã đưa ra “các cam kết nửa vời hơn là hành động cụ thể”. Sự kiện ở Rome được cho là sẽ tạo đà cho sự thành công của COP26. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó cho rằng, vẫn còn quá sớm để loại bỏ khả năng thành công của diễn đàn khí hậu tại Glasgow, nghĩa là có thể hy vọng vào sự đột phá ở COP26.

Thế giới trải qua 7 năm nóng nhất
Theo AFP, báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) được công bố vào đúng ngày 31-10, thời điểm khai mạc hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở thành phố Glasgow của Scotland (Vương quốc Anh) cho biết, các hiện tượng thời tiết cực đoan, gồm các đợt nắng nóng và lũ lụt nghiêm trọng đã xảy ra thường xuyên hơn. Từ năm 2015 đến nay, thế giới đã trải qua 7 năm liền nóng nhất trong lịch sử. Năm 2021 có khả năng là năm tiếp theo trong 7 năm liên tiếp nóng nhất được ghi nhận.

HOÀNG DƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.