OPEC trước một quyết định khó khăn

.

Khi ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ, Washington đã hối thúc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác (OPEC+) giảm sản lượng vào năm 2020, trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm mạnh và đe dọa ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ. OPEC+ đã đồng ý cắt giảm khoảng 10 triệu thùng dầu/ngày, tương đương khoảng 10% nguồn cung của toàn cầu. Đây được xem là con số cắt giảm sản lượng dầu mỏ kỷ lục.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi nhu cầu tăng trở lại nhanh hơn dự kiến, OPEC+ chịu áp lực từ một số quốc gia tiêu thụ lượng dầu lớn, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, yêu cầu tăng sản lượng hơn nữa nhằm kiềm chế giá dầu đang tăng cao.

Riêng Mỹ thúc giục OPEC+ cung ứng thêm từ 600.000 - 800.000 thùng/ngày, cho rằng tình trạng giá dầu cao như hiện nay là do OPEC chậm tăng hạn ngạch sản xuất, không đủ giải tỏa “cơn khát” dầu của các nền kinh tế, gây cản trở phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19, và cảnh báo sẽ có đòn đáp trả.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là OPEC sẽ đáp ứng như thế nào về tăng sản lượng trước đòi hỏi của Mỹ và các nước tiêu thụ sản lượng dầu lớn?

Thực tế, OPEC+ đã rút lại quyết định giảm nguồn cung đưa ra từ năm 2020, nghĩa là không cắt giảm khoảng 10 triệu thùng dầu/ngày. Nhưng động thái này vẫn chưa đủ đối với Mỹ, nước đang than phiền về tình trạng giá dầu liên tục ở mức cao trong gần 3 năm qua cản trở nền kinh tế thế giới. OPEC+ lên kế hoạch mỗi tháng tăng sản lượng dần dần thêm 400.000 thùng/ngày để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung vào năm 2022 nếu tăng quá nhanh sản lượng dầu.

Với vai trò là tổ chức đa phương giúp bảo đảm nguồn cung dầu mỏ cho thế giới, OPEC+ đang hướng tới việc cân bằng thị trường năng lượng toàn cầu dài hạn và tránh tái diễn kịch bản dư thừa dầu mỏ như từng xảy ra vào hồi tháng 3-2020, thời điểm Covid-19 bùng phát.

OPEC lưu ý sự biến động về nhu cầu năng lượng theo mùa vào các quý cuối năm cũng như quý đầu mỗi năm và nhu cầu năng lượng của các nước Liên minh châu Âu (EU) có dấu hiệu sụt giảm trong tháng 10 vừa qua. Diễn biến Covid-19 khó lường với sự lây lan của biến thể Delta, đặc biệt là tại châu Âu, cũng là yếu tố mà OPEC+ cân nhắc tới.

Báo cáo tháng 11 của OPEC vẫn giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2022 ở mức khoảng 4,2 triệu thùng/ngày. Theo đó, nhu cầu dầu trong năm 2022 có thể đạt 100,6 triệu thùng/ngày, cao hơn 0,5 triệu thùng so với năm 2019. Các nước châu Âu thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ có mức tiêu thụ cao hơn, trong khi nhu cầu dầu của Mỹ sẽ chậm lại… Đặc biệt, nếu các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 vào cuối tháng này dẫn đến một thỏa thuận dỡ bỏ các lệnh trừng phạt thì lượng dầu thô có thể chảy vào thị trường nhiều hơn.

Đó là những yếu tố để OPEC+ dự kiến gặp gỡ vào ngày 2-12 nhằm thảo luận và đưa ra quyết định chính thức về việc có tăng sản xuất dầu lên 400.000 thùng/ngày vào tháng 1-2022 hay không.

Một thực tế đặt ra là OPEC+ hiện nay khó có thể đạt được mục tiêu gia tăng với sản lượng dầu đó. Trước đây, vào các thời điểm giá dầu quá thấp, các nhà sản xuất nhỏ trong OPEC ở châu Phi và một số nhà sản xuất dầu lớn hơn ở vùng Vịnh có thể tăng sản lượng nhiều hơn mức mà OPEC đặt ra. Nhưng hiện tại, vì những tác động của Covid-19 cùng với vấn đề môi trường nên chỉ có 3 thành viên của OPEC là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Iraq có đủ năng lực để tăng nhanh nguồn cung.

Không thể thuyết phục OPEC+ “bơm” thêm dầu nhanh chóng và phải đối mặt với tỷ lệ ủng hộ thấp trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ vào năm 2022, Tổng thống Joe Biden đã đề nghị Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng kết hợp mở kho dầu dự trữ. Ông Biden đã thảo luận vấn đề này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa hai nước hôm 16-11 vừa qua. Động thái này đồng nghĩa với lần mở kho dự trữ dầu thô lớn nhất từ các nền kinh tế ngoài sự bảo hộ của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Giới quan sát cho rằng, dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát tại nhiều nơi, trong khi thị trường không ngừng biến động đặt các nước OPEC+ vào thế khó. OPEC+ lo ngại việc giá dầu tăng quá “nóng” có thể kìm hãm đà phục hồi mong manh của kinh tế thế giới, từ đó làm giảm nhu cầu dầu, song cũng lo sợ những diễn biến tiêu cực mới trong cuộc chiến chống đại dịch. Việc bảo đảm sự cân bằng thị trường giá dầu, nhưng cũng tránh làm đứt gãy đà phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ là những yếu tố để OPEC+ đặt lên bàn cân với một quyết định vô cùng khó khăn vào ngày 2-12 tới.

T.M

;
;
.
.
.
.
.