Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triệu tập cuộc họp khẩn tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 26-11 về biến thể B.1.1.529 của SARS-CoV-2 được phát hiện ở Nam Phi.
Hãng tin Reuters dẫn lời bà Maria Van Kerkhove, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của WHO về Covid-19 cho biết, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc chưa biết nhiều thông tin về biến thể B.1.1.529. “Điều chúng tôi biết là biến thể này có nhiều đột biến. Khi một biến thể có nhiều đột biến thì có thể tác động lên cách virus hành xử”, bà Kerkhove nói.
Theo đó, cuộc họp của WHO bàn về mức độ nguy hiểm của biến thể mới, tác dụng của thuốc điều trị và các vắc-xin hiện có đối với biến thể này. Bà Kerkhove lý giải, nhóm nghiên cứu sự tiến hóa của virus sẽ thảo luận xem đó là một biến thể đáng quan tâm hay đáng lo ngại, sau đó WHO sẽ đặt tên Hy Lạp cho biến thể này.
Nam Phi đã xác nhận khoảng 100 mẫu xét nghiệm có biến thể B.1.1.529 với tâm dịch ở tỉnh Gauteng. Giới khoa học Nam Phi cũng phát hiện 32 đột biến trong gai protein của B.1.1.529. Nhà khoa học người Nam Phi Tulio de Oliveira cho biết, việc B.1.1.529 có nhiều đột biến có thể làm giảm mức độ hiệu quả của vắc-xin ngừa Covid-19 và gia tăng khả năng lây nhiễm.
Biến thể B.1.1.529 còn được phát hiện ở Botswana và Hong Kong (Trung Quốc) trong số những du khách đến từ Nam Phi. Israel ngày 26-11 ghi nhận trường hợp đầu tiên tại nước này nhiễm biến thể B.1.1.529, đó là một công dân trở về từ Malawi (đông nam châu Phi). Vấn đề đặt ra, theo các nhà khoa học, là B.1.1.529 có thể tránh được phản ứng miễn dịch của cơ thể và có khả năng lây nhiễm cao. Song, ông Oliveira cho rằng, còn quá sớm để kết luận về tác động của B.1.1.529 đối với vắc-xin ngừa Covid-19.
Trong khi đó, GS. Ewan Birney, Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm sinh học phân tử châu Âu cho biết, với kinh nghiệm cũng như hiểu biết về các biến thể Alpha và Delta, việc hành động sớm tốt hơn nhiều so với hành động muộn.
Nhiều quốc gia đã lập tức hành động. Israel đưa một loạt quốc gia ở nam châu Phi vào diện “cảnh báo đỏ” gồm: Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Aswatini. Những người nước ngoài đến từ 7 quốc gia này không được phép nhập cảnh vào Israel. Người dân Israel trở về từ 7 quốc gia châu Phi nói trên phải cách ly tại cơ sở được chỉ định trong 7 ngày, ngay cả khi đã được tiêm đầy đủ vắc-xin ngừa Covid-19.
Ở khu vực châu Âu, Reuters cho hay, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen muốn phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên để tạm dừng các chuyến bay từ phía nam châu Phi. Từ ngày 26-11, Anh cấm các chuyến bay đến từ Nam Phi và các nước láng giềng ở “lục địa đen”, đồng thời yêu cầu du khách Anh trở về từ các quốc gia này phải cách ly. Cũng từ ngày 26-11, Đức tạm ngừng đón khách ở phía nam châu Phi.
Singapore và Nhật Bản siết chặt kiểm soát nhập cảnh với du khách đến từ một số nước châu Phi. Ấn Độ khuyến cáo tất cả các bang về việc kiểm tra và sàng lọc nghiêm ngặt du khách quốc tế đến từ Nam Phi và các quốc gia khác được xem là “có nguy cơ”.
Theo báo cáo của WHO, các điểm nóng Covid-19 đang được ghi nhận ở hầu hết các khu vực, nhất là châu Âu. Đức hiện là quốc gia mới nhất vượt mốc 100.000 ca tử vong do Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát. Hãng tin AP dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại họp báo ở Berlin cho biết, ngày 25-11 là “ngày vô cùng buồn” khi nước này ghi nhận thêm hơn 350 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số người chết vượt mốc 100.000. Số ca nhiễm trong ngày tại Đức cũng chạm mức kỷ lục mới là gần 76.000. Theo trang thống kê worldmeters, tính đến chiều 26-11, nền kinh tế lớn nhất EU có hơn 5,6 triệu ca nhiễm và 100.790 ca tử vong.
BÌNH YÊN - THƯ LÊ