Covid-19 tới 6 giờ ngày 16-12: Nhiều nước tiêm mũi tăng cường, siết phòng dịch; Biến thể Omicron đe dọa làm tăng ca tử vong ở châu Âu

.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 651.163 trường hợp mắc Covid-19 và 7.110 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu vượt 272 triệu ca, trong đó trên 5,3 triệu người không qua khỏi.

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 6-4-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 6-4-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 16-12 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19  trên toàn cầu trên 272.385.927 ca, trong đó có 5.344.167 người tử vong.

Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đang đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch tái bùng phát dịch bệnh với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong đang có xu hướng tăng trở lại, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới, biến thể Omicron dự kiến sẽ chiếm chủ đạo số ca mắc tại châu Âu trong tháng tới.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 100.000 ca), đồng thời cũng có có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 1.300 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 244 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 22 triệu ca và trên 89.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 15-12, thế giới có 122 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 102 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Với tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero Covid-19” sang “sống chung với Covid-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Ljubljana, Slovenia, ngày 14-12-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Ljubljana, Slovenia, ngày 14-12-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Châu Âu đang là điểm nóng của dịch Covid-19 với hơn 50% số ca mắc Covid-19 toàn cầu tập trung tại châu lục này. Cùng với đó, sự lây lan của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang trở thành thách thức lớn đối với khu vực này, đặc biệt tại Anh. Số ca mắc biến thể mới tại châu Á cũng đang tăng nhanh.

Tại Trung Quốc, trong đợt bùng phát dịch mới nhất, thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, từ ngày 7-12 đến tối 14-12 đã ghi nhận 171 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng và một ca không có triệu chứng. Giới chức sở tại đã truy vết được 9.419 trường hợp tiếp xúc gần (F1) và 10.254 trường hợp F2 (những người tiếp xúc với F1). Tất cả các trường hợp này đều đã được cách ly nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Hàn Quốc ngày 15-12 ghi nhận số ca mắc mới (7.850 ca) và số ca nguy kịch (964 ca) cao chưa từng thấy kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Số ca mắc mới hằng ngày tại Hàn Quốc dao động trong khoảng 4.000-7.000 ca kể từ đầu tháng 12 này, sau khi nước này bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 1-11.

Ngoài ra, với thêm 70 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong tại Hàn Quốc hiện tăng lên 4.456 ca trong tổng số 536.495 ca mắc. Hàn Quốc ghi nhận thêm 9 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, nâng tổng số ca mắc biến thể này tại Hàn Quốc lên là 128 ca.Trước tình hình trên, giới chức y tế đang cân nhắc giảm số người tối đa trong các cuộc tụ tập cá nhân và khôi phục lệnh giới nghiêm đối với các cơ sở kinh doanh.

Chính phủ Nhật Bản sẽ triển khai cấp chứng nhận tiêm vắc-xin phòng Covid-19 từ ngày 20/12. Có hai loại chứng nhận, một loại sử dụng trong nước và một loại sử dụng ở nước ngoài. Chứng nhận này sẽ bao gồm các thông tin tên, ngày tháng năm sinh của người được cấp chứng nhận, loại vắc-xin đã tiêm và ngày tiêm.

Các chứng nhận tiêm chủng chủ yếu được sử dụng để làm thủ tục xuất nhập cảnh trong và ngoài nước, hoặc khi tham gia các sự kiện, đến nhà hàng, quán bar trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp.

Australia đã mở cửa biên giới đối với người lao động nhập cư có tay nghề cao và sinh viên nước ngoài đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, sau gần 2 năm áp dụng lệnh cấm nhập cảnh. Kế hoạch mở cửa biên giới trở lại nói trên của Australia đã bị hoãn 2 tuần sau khi giới chức y tế nước này cho rằng cần thời gian để tìm hiểu thêm về biến thể mới Omicron.

Người dân di chuyển trên phố ở Seoul, Hàn Quốc ngày 1-12-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân di chuyển trên phố ở Seoul, Hàn Quốc ngày 1-12-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Australia cũng đã bãi bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với người đến từ 8 quốc gia miền Nam châu Phi, bao gồm Nam Phi, Lesotho, Zimbabwe, Botswana, Namibia, Mozambique, Malawi và Eswatini sau khi nhận thấy lệnh cấm không còn cần thiết do biến thể Omicron đã được phát hiện tại hàng chục quốc gia trên thế giới. Đến nay Australia đã ghi nhận tổng cộng khoảng 235.500 ca mắc, trong đó 2.117 ca tử vong

WHO thông báo trong tuần qua, số ca mắc mới Covid-19 tại châu Phi tăng ở mức cao nhất trong năm nay, ở mức 83%, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức thấp. Số ca mắc mới Covid-19 tại châu Phi đang tăng gấp đôi sau mỗi 5 ngày - khung thời gian ngắn nhất được báo cáo trong năm nay. Số ca mắc mới gia tăng đột biến chủ yếu là do sự lây lan của biến thể Delta và Omicron.

Theo WHO, tính đến ngày 13-12, chỉ có 20 quốc gia châu Phi đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho ít nhất 10% dân số. Với tốc độ tiêm chủng hiện nay, ước tính phải đến tháng 5-2022, châu Phi mới có thể đạt tỷ lệ bao phủ tiêm chủng 40% và đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% dân số vào tháng 8-2024.

Tại châu Âu, giới chức y tế liên bang và các vùng của Đức đã nhất trí miễn yêu cầu xét nghiệm trước khi vào các cơ sở giải trí đối với những người đã tiêm mũi tăng cường. Quyết định trên được cho là nhằm khuyến khích người dân tiêm liều tăng cường và giảm tải công tác xét nghiệm.

Tuy nhiên, nhà chức trách sẽ vẫn yêu cầu phải có xét nghiệm âm tính mới được vào bệnh viện và các nhà dưỡng lão, nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương. Khoảng 69,9% dân số Đức đã tiêm 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 và 23,8% đã tiêm mũi tăng cường.

Pháp bắt đầu áp đặt các quy định mới nhằm siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có việc bắt buộc những người trên 65 tuổi sẽ phải tiêm liều vắc-xin tăng cường, nếu không muốn “thẻ y tế” của họ mất hiệu lực. Thẻ này thực chất là một mã QR được cài trên thiết bị di động, trong đó thể hiện các dữ liệu cho thấy chủ nhân của chúng đã được tiêm chủng đầy đủ hay chưa, có mắc Covid-19 thời gian gần đây hoặc kết quả xét nghiệm ra sao với virus SARS-CoV-2.

Người dân Pháp phải xuất trình thẻ này khi tới các nhà hàng, quán cà phê, đi tàu giữa các thành phố hoặc tới các địa điểm văn hóa như rạp chiếu phim hay viện bảo tàng. Hiện Pháp – một trong những quốc gia có biện pháp chống dịch mạnh mẽ nhất châu Âu – đã thực hiện gần 16 triệu mũi tiêm tăng cường và tự tin sẽ đạt mục tiêu 20 triệu mũi tiêm tăng cường vắc-xin trước lễ Giáng sinh sắp tới.

Italy đã siết chặt quy định nhập cảnh đối với du khách từ các nước khác thuộc EU, theo đó yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh và yêu cầu cách ly 5 ngày đối với những người chưa tiêm chủng. Trước đó, các du khách từ EU tới Italy phải xuất trình bằng chứng đã tiêm phòng, giấy chứng nhận âm tính hoặc đã hồi phục sau khi mắc Covid-19 thời gian gần đây. Các quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 16-12 đến ngày 31-1-2022.

Ngày 15-12, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo, biến thể Omicron có khả năng làm tăng số ca nhập viên và tử vong tại châu Âu, đồng thời có thể là tác nhân chính gây ra các ca nhiễm mới tại châu Âu vào tháng 1 hoặc tháng 2-2022.

ECDC cho rằng, ngay cả khi biến thể Omicron gây ra bệnh lý ít nghiêm trọng hơn, nhưng nó sẽ nhanh chóng gây ra các ca bệnh theo cấp số nhân, từ đó dẫn tới mức độ nhập viện và tử vong cao hơn.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 vào bệnh viên ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 vào bệnh viên ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một cảnh báo nghiêm khắc đối với châu Âu, báo cáo đánh giá rủi ro nhanh mới nhất của ECDC đã hối thúc các chính phủ châu Âu thực hiện hành động khẩn cấp để làm chậm sự lây lan của chủng Omicron vốn rất dễ lây lan, lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi và Botswana vào tháng 11-2021. ECDC đánh giá xác suất lây lan của Omicron là “rất cao” và nguy cơ tổng thể mà nó gây ra cho sức khỏe cộng đồng ở châu Âu là “rất cao”.

Giám đốc ECDC, bà Andrea Ammon nhấn mạnh tiêm chủng vẫn là chìa khóa để giảm tác động của biến thể Omicron và Delta, vốn là biến thể phổ biến trong khu vực.

Tại châu Mỹ, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Mỹ đã chạm dấu mốc buồn khi số ca tử vong tại nước này đã vượt ngưỡng 800.000 ca. Cụ thể, tính đến 18h22’ ngày 14-12 theo giờ địa phương (6h22’ sáng 15-12 theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn nước Mỹ đã vượt 50,2 triệu ca, trong khi tổng số ca tử vong là 800.266 ca.

Ý hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19, với số ca mắc và tử vong cao nhất thế giới, lần lượt chiếm hơn 18% và 15% trong tổng số ca mắc và ca tử vong trên toàn cầu. Ít nhất 31 bang tại Mỹ đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron kể từ khi ca đầu tiên được phát hiện tại bang California hôm 1-12 vừa qua.

Người dân trên phố ở Sao Paulo, Brazil ngày 10-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân trên phố ở Sao Paulo, Brazil ngày 10-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 15-12, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) bày tỏ lo ngại châu Mỹ có thể "bị bỏ lại phía sau" trong cuộc chiến chống Covid-19, đồng thời kêu gọi các quốc gia và công ty trong khu vực hợp tác chặt chẽ để đảm bảo quyền tiếp cận các phương pháp điều trị mới cho châu lục này.

PAHO đã nhiều lần cảnh báo rằng các nước nghèo nhất ở Mỹ Latinh và Caribe sẽ tụt hậu so với các nước giàu nhất trong cuộc chiến chống Covid-19 và sự chậm trễ sẽ khiến những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất đối mặt rủi ro.

Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, Giám đốc PAHO Carissa Etienne nhấn mạnh: “Khi các phương pháp điều trị mới đạt được sự chấp thuận cuối cùng, các quốc gia và công ty phải làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng tất cả những người có thể hưởng lợi từ những phương pháp này đều có thể được tiếp cận kịp thời, với mức giá mà các quốc gia của chúng ta có thể chi trả”.

Giám đốc PAHO kêu gọi các công ty dược phẩm thiện chí và chia sẻ công khai những công nghệ và nguồn lực liên quan với tất cả các quốc gia để châu Mỹ không bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống Covid-19.

Liên quan đến diễn biến của đại dịch Covid-19 trong khu vực, bà Etienne đánh giá tình hình dịch bệnh năm 2021 đang tồi tệ hơn với số ca mắc mới và tử vong do virus SARS-CoV-2 cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 15-12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 21.304 ca mắc mới Covid-19 và 437 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã trên 14.464.100 trường hợp và 298.239 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua chứng kiến xu thế hạ nhiệt tại nhiều nước. Số ca tử vong nhìn chung tiếp tục giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Song diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhất là Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 9 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì Covid-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam.

Trước sự xuất hiện của biến thể virus mới được coi là siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách từ các quốc gia ở phía Nam châu Phi và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện biến thể này cũng đã xuất hiện tại một số nước ASEAN như Campuchia.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng vài tuần qua, điểm nóng này tiếp tục hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm xuống mức 1 con số.

Việt Nam ngày 15-12 tiếp tục dẫn đầu Đông Nam Á với trên 15.500 ca mắc mới và 283 ca tử vong. Số ca tử vong trong ngày của Việt Nam cũng ở mức đứng đầu châu Á trong 24 giờ qua.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 1-12-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 1-12-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 15-12 ghi nhận thêm trên 3.300 ca bệnh mới và 29 người tử vong.

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 8 bệnh nhân mới và 3 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đã mở cửa lại đất nước, song sự xuất hiện của ca nhiễm Omicron đầu tiên đang khiến nhà chức trách nước này quan ngại.

Trong khi đó, số ca mắc mới tại Lào vẫn tăng cao mấy ngày qua, với trên 1.200 trường hợp trong ngày 15-12 và 6 ca tử vong. Singapore cũng ghi nhận hàng trăm ca bệnh và 3 ca tử vong vì Covid-19. Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 10-10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca Covid-19 mới.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.