Khi nói đến cách mạng công nghiệp 4.0, người ta nói về trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ lượng tử, big data, internet vạn vật IOL, siêu máy tính, xe tự hành, máy bay không người lái, sự kết hợp giữa robot và internet trong môi trường sản xuất, công nghệ sinh học, năng lượng sạch, thành phố thông minh…
Hầu hết các nước như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ… đều đầu tư rất lớn cho AI. Mỗi quốc gia đều hiểu rõ khi nắm bắt được xu hướng của các công nghệ tiên tiến, họ có thể làm chủ được những công nghệ đó và chắc chắn làm chủ cuộc chơi cả về kinh tế lẫn quốc phòng - an ninh ở khu vực cũng như toàn cầu.
Đặc biệt, trong cuộc đua công nghệ này, thế giới chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Về đầu tư nguồn lực cho khoa học công nghệ, Mỹ được đánh giá là cao nhất thế giới với nguồn kinh phí 460,6 tỷ USD, đứng thứ hai là Trung Quốc với 439 tỷ USD, còn nếu tính theo tỷ lệ phần trăm đầu tư/GDP thì Đức hiện đứng số 1 thế giới với 3,09%.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy Mỹ dẫn đầu trong các lĩnh vực chính như đầu tư vào khởi nghiệp và tài trợ nghiên cứu - phát triển. Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua kế hoạch đầu tư 172 tỷ USD, trong đó 52 tỷ USD dùng để khuyến khích sản xuất bán dẫn trên đất Mỹ; 120 tỷ USD dành cho nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ bản lề như trí tuệ nhân tạo, lượng tử, phát triển mạng 5G, 6G… - những lĩnh vực đang cạnh tranh căng thẳng nhất giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong dự toán ngân sách năm 2021, chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đề xuất mức tăng lớn trong chi tiêu phục vụ cho nghiên cứu và phát triển AI, khoa học thông tin lượng tử… Chính phủ của ông Trump lúc đó muốn Quốc hội tăng gấp đôi chi tiêu cho việc nghiên cứu và phát triển AI từ 973 triệu USD lên gần 2 tỷ USD vào năm 2022 và tăng gấp đôi chi tiêu cho khoa học thông tin lượng tử lên tới 860 triệu USD trong vòng 2 năm. Ngân sách sẽ bảo đảm để Mỹ tiếp tục dẫn đầu thế giới về các công nghệ quan trọng như AI và lượng tử, bởi Washington xác định rõ sức mạnh kinh tế và an ninh quốc gia phụ thuộc chính vào hai lĩnh vực khoa học quan trọng này.
Về bằng sáng chế, theo thống kê của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố vào tháng 8-2019, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1978, Mỹ đánh mất vị thế dẫn đầu về số lượng bằng sáng chế và các phát minh mới. Năm 2019, Trung Quốc đã nộp 58.000 bằng sáng chế (trong đó có hơn 30.000 bằng sáng chế về AI, tăng 52,4% so với năm trước đó), trong khi Mỹ có 57.840 bằng.
Trung Quốc cũng đã tìm cách khai thác tiềm năng của dữ liệu để chuyển đổi nền kinh tế. Một số công ty nghiên cứu dự đoán Trung Quốc sẽ sở hữu 1/3 dữ liệu của thế giới vào năm 2025.
Về phát triển các máy tính lượng tử, các chuyên gia cho rằng, điện toán lượng tử có thể có tác động lớn đến quốc phòng - an ninh, chăm sóc sức khỏe, truyền thông, dịch vụ tài chính, giao thông vận tải, trí tuệ nhân tạo, dự báo thời tiết và các lĩnh vực khác. Theo ước tính của công ty tư vấn quản lý Boston Consulting Group, điện toán lượng tử có thể tạo ra giá trị hằng năm lên tới 850 tỷ USD vào năm 2040, và cuộc chiến để tạo đòn bẩy cho thị trường khổng lồ trong tương lai đã bắt đầu.
Hiện nay, nhiều tên tuổi lớn của Mỹ như Google, Microsoft, IBM… đều đã cho ra mắt các siêu máy tính lượng tử. Mỹ còn hợp tác với Nhật và Đức để sản xuất 2 máy tính lượng tử bên ngoài nước Mỹ.
Máy tính lượng tử của Trung Quốc chưa bằng Mỹ về mặt hiệu suất nhưng Bắc Kinh cũng đã đạt được nhiều bước tiến trong một số lĩnh vực siêu máy tính và số liệu về máy tính lượng tử vẫn còn nhiều bí mật. Năm 2020, Trung Quốc phát triển thành công 214/500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Số siêu máy tính ra đời tại Mỹ trong năm 2020 là 113 chiếc.
Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại MI6 của Anh Richard Moore ngày 30-11 cảnh báo, những đối thủ của phương Tây như Trung Quốc và Nga đang chạy đua nắm quyền khống chế lĩnh vực AI theo cách có thể cách mạng hóa vấn đề địa chính trị trong thập niên tới. Theo ông Moore, công nghệ lượng tử, kỹ thuật sinh học, những nguồn dữ liệu khổng lồ và các lợi thế về sức mạnh điện toán đã gây ra mối đe dọa mà phương Tây cần phải giải quyết.
Có thể nói, cuộc chiến nắm quyền khống chế công nghệ hiện đại bậc nhất đang ngày càng trở nên khốc liệt không chỉ đối với hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc, mà còn diễn ra trên quy mô toàn cầu.
TUYẾT MINH