Giá điện tại châu Âu đã leo lên mức cao kỉ lục, sau khi Pháp – nước thường đi đầu về xuất khẩu điện tại khu vực, phải đối mặt với một mùa đông khan hiếm điện, buộc nhiều ngành công nghiệp nặng tại khu vực phải hoạt động cầm chừng.
Khói hơi bốc lên từ nhà máy nhiệt điện Niederaussem ở Đức. Ảnh: Getty Images |
Giá điện cung ứng tới tay khách hàng vào đầu năm 2022 đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại ở Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Pháp, do đối mặt với tình cảnh dừng một lò phản ứng hạt nhân ở các nhiều nhà máy điện, sẽ phải tìm nguồn nhập khẩu thay vì xuất khẩu điện sang các nước láng giềng.
Tình hình thiếu hụt điện năng nghiêm trọng tới mức một số nhà máy đã phải cắt giảm sản lượng, thậm chí ngừng sản xuất. Aluminium Dunkerque Industries France, nhà máy luyện nhôm hàng đầu của châu Âu, đã giảm sản lượng trong 2 tuần qua. Công ty kinh doanh đa kim loại toàn cầu Nyrstar của Tập đoàn Trafigura sẽ tạm dừng sản xuất kẽm tại Pháp vào đầu tháng 1-2022. Nhà máy sản xuất phân bón Azomures của Romania cũng đã phải tạm thời ngưng hoạt động.
Pháp mặc dù thường là nước xuất khẩu điện nhưng đang tăng cường nhập khẩu điện và thậm chí đốt dầu làm nhiên liệu. Cuộc khủng hoảng điện xảy ra sau khi Electricite de France SA (EDF) cho biết họ sẽ ngừng hoạt động 4 lò phản ứng hạt nhân chiếm 10% công suất của quốc gia, làm căng thẳng các lưới điện vốn đang phải đối phó với thời tiết lạnh giá.
Đến đầu tháng 1, khoảng 30% sản lượng điện hạt nhân của Pháp sẽ bị ngắt khỏi hệ thống, đẩy ngành sản xuất điện của nước này phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt, than đá và kể cả dầu mỏ. Theo thông tin từ Mạng lưới các nhà khai thác hệ thống truyền tải của châu Âu (Entsoe), tổng cộng có 6 nhóm máy chạy bằng dầu bắt đầu được sử dụng tại Pháp vào hôm 21-12.
Giá điện tại Đức đã vọt lên ngưỡng 527 USD/Mw-giờ, sau khi có mức tăng 25% trong đầu tuần qua. Giá tăng trong bối cảnh giá khí đốt có xu hướng bớt căng thẳng hơn. Nguồn cung ứng điện tại Đức cũng đang gặp khó, do nguồn năng lượng điện gió, điện mặt trời bị hạn chế bởi tính mùa vụ theo năm, trong khi nguồn khí đốt từ Nga bị cắt giảm.
Giới chuyên gia nhận định tình hình có thể còn tệ hơn trong thời gian tới. "Nếu có thêm sự gián đoạn nguồn cung hoặc thời tiết quá lạnh giá trong quý I/2022, về cơ bản nhiều nhà máy sẽ phải đóng cửa. Đó là cách duy nhất có thể thực hiện vì chính phủ không thể để người dân chết cóng trong bóng tối”- Anne-Sophie Corbeau, một học giả nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia, cho biết.
Theo baotintuc.vn