Nga đặt "lằn ranh đỏ" với Mỹ và NATO

.

Ngày 17-12, Nga chính thức công bố bản dự thảo gồm 8 điểm về an ninh mà dư luận đánh giá rằng Moscow đã chính thức đặt lên bàn của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) những đề xuất mà nước này mô tả là nỗ lực nhằm biến một “kịch bản quân sự” tiềm tàng thành một “tiến trình chính trị”.

Nội dung bản dự thảo yêu cầu NATO không cho phép Ukraine gia nhập; không tổ chức các cuộc tập trận ở Ukraine, Đông Âu và các nước vùng Caucasus nếu không có sự chấp thuận của Nga. Moscow cũng yêu cầu NATO rút toàn bộ quân đội hoặc vũ khí được triển khai tới các quốc gia tham gia liên minh sau năm 1997, bao gồm Estonia, Lithuania, Latvia và các nước vùng Balkan.

Theo các nhà quan sát, sở dĩ Nga đưa ra tuyên bố 8 điểm không chỉ đơn thuần do tình hình bất ổn ở Ukraine gần đây, mà còn xâu chuỗi các hành động của Mỹ và NATO kể từ những năm 1990 đến nay.

Trước khi Liên Xô tan rã, trong các cuộc gặp với Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, Tổng thống Mỹ George H.W. Bush (cha), Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, Thủ tướng Đức Helmut Kohl đều hứa không kết nạp các nước thuộc Hiệp ước Warsaw vào NATO.

Thế nhưng, sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, đến năm 1994, NATO bắt đầu khởi xướng chương trình “Đối tác vì hòa bình” hợp tác với các nước Đông Âu và Liên Xô trước đây. Sau đó, lần lượt các nước Đông Âu như Ba Lan, Cộng hòa Czech, Hungary, Bulgaria, Romania, rồi các nước vùng Baltic thuộc Liên Xô trước đây như Estonia, Lithuania và Latvia chính thức gia nhập NATO. Đến Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2008 tại Romania, NATO lên kế hoạch tiếp nhận Ukraine và Georgia trở thành thành viên của liên minh này trong tương lai.

Sự thất hứa của Mỹ và NATO đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập trong bài phát biểu tại Hội nghị an ninh châu Âu năm 2007. Nga cáo buộc NATO vi phạm nguyên tắc cơ bản của tất cả quốc gia thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) là “không tăng cường an ninh của mình bằng cách hy sinh an ninh của các quốc gia khác”. Phát biểu gần đây của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao OSCE nhấn mạnh Moscow kiên quyết xây dựng “các thỏa thuận loại trừ bất kỳ sự mở rộng nào của NATO về phía đông và việc triển khai các hệ thống vũ khí đe dọa gần lãnh thổ Nga”.

Vì thế, không ngạc nhiên khi trong đề xuất an ninh 8 điểm mà Nga công bố, vấn đề NATO mở rộng được đặt ra đầu tiên và mang tính tiên quyết. Đặc biệt, một mặt Moscow quyết ngăn chặn việc NATO tiếp tục kết nạp thành viên mới là các nước láng giềng, mặt khác khẳng định đó là “nguyên tắc bất biến” phải được đưa vào các văn bản có tính cam kết giữa Nga với NATO.

Nga cũng cảnh báo, việc NATO liên tục tiếp cận và quân sự hóa gần biên giới Nga bằng cơ sở hạ tầng quân sự và nhiều loại vũ khí khác nhau là yếu tố gây mất ổn định châu Âu, có nguy cơ bùng phát một cuộc khủng hoảng mới giống như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 - sự kiện từng đưa Mỹ và Liên Xô đến bờ vực của chiến tranh hạt nhân.

Nga còn cảnh báo nếu các đề xuất nói trên không được chấp nhận, nước này sẽ chuyển sang “chế độ thiết lập chống lại các mối đe dọa”.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, bất kỳ đàm phán an ninh nào với Moscow đều cần phải tính đến các mối quan tâm của NATO, tham chiếu Ukraine và các đối tác khác. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố không chấp nhận “lằn ranh đỏ” của bất kỳ ai về vấn đề Ukraine và ông dự định tiến hành “cuộc trò chuyện dài” với người đồng cấp Putin về vấn đề này để khẳng định quan điểm của Washington.

Ông Biden cũng bác bỏ những tuyên bố của Nga định rõ một “lằn ranh đỏ” khác, cụ thể là thực tế cơ sở hạ tầng của NATO tiếp cận sát gần hơn biên giới Nga và việc triển khai các hệ thống tấn công trên lãnh thổ Ukraine, cũng như vũ khí siêu thanh. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, Moscow không có quyền cho phép ai đó gia nhập NATO. Việc một quốc gia được nhận quy chế thành viên của khối liên minh là do chính các nước NATO quyết định theo nguyên tắc đồng thuận nội khối, chứ không phải Nga.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo Izvestia đã đáp trả: “Các thành viên NATO khẳng định rằng, mỗi quốc gia đều có quyền quyết định một cách độc lập về việc họ bảo đảm an ninh của mình như thế nào, cho đến cả việc tham gia các liên minh quân sự - chính trị. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh: Quyền tự do tham gia các liên minh không thể là tuyệt đối. Nó giống như trong xã hội loài người: Quyền tự do của một cá nhân phải chấm dứt khi nó xâm phạm quyền tự do của người khác”.

Còn ông Konstantin Gavrilov, Trưởng đoàn Nga tại các cuộc đàm phán ở Vienna (Áo) về vấn đề an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí, tuyên bố trên kênh YouTube “Solovies trực tiếp” rằng, NATO và Washington đã hiểu rõ vấn đề, đồng thời khẳng định bất chấp những phát biểu khác nhau từ phía Tổng Thư ký NATO và Bộ Ngoại giao Mỹ, hoàn toàn có cơ hội thúc đẩy đàm phán. Thực tế, các cuộc đàm phán đã bắt đầu, cụ thể là giữa Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov và Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, Jake Sullivan.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.