Quốc tế
Thế giới tuần qua: Omicron 'phủ bóng đen' Giáng sinh; Nga-Trung mở thượng đỉnh trực tuyến
Hai sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua là việc nhiều quốc gia thắt chặt kiểm soát để ngăn Covid-19 lan rộng và Nga - Trung Quốc tìm cách củng cố quan hệ khi căng thẳng với Mỹ ngày càng leo thang.
Dịch Covid-19 diễn biến xấu tại nhiều nơi
Khi Giáng sinh và Năm mới chỉ còn tính bằng ngày, biến thể Omicron tiếp tục lây lan với tốc độ chưa từng thấy, khiến hàng loạt quốc gia phải đau đầu tìm biện pháp đối phó.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối tháng 11 đang tiếp tục gây hoang mang dư luận. Đây Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London (ICL) vừa công bố kết quả cho thấy nguy cơ tái nhiễm biến thể Omicron cao gấp 5 lần so với biến thể Delta và chưa thể khẳng định biến chủng này gây bệnh nhẹ hơn so với Delta.
Cảnh vắng vẻ tại một chợ Giáng sinh ở Paris, Pháp, ngày 9-12-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Hãng Reuters đưa tin trước tình hình đang xấu đi với số ca nhiễm đang tăng nhanh khắp “điểm nóng” châu Âu, các nhà chức trách đã khẩn trương điều chỉnh các biện pháp kiểm soát cũng như cân nhắc hủy bỏ tổ chức lễ hội cuối năm. Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu đã kêu gọi người dân thận trọng trong mùa lễ hội này khi châu Âu hiện đang phải đối phó với hai biến thể có khả năng lây nhiễm cao là Delta và Omicron, có nguy cơ tổn hại hệ thống y tế vốn đã bị quá tải.
Điển hình, theo báo cáo của Bộ Y tế Đan Mạch ngày 17-12, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 11.194 ca nhiễm mới Covid-19 - mức tăng cao nhất trong 24 giờ từ đầu dịch tới nay. Đáng ngại là 20% số ca mắc mới này được xác định nhiễm biến thể Omicron. Kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào ngày 28-11, Đan Mạch đã ghi nhận tổng cộng 11.559 ca nhiễm biến thể này. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã đề xuất một số biện pháp như đóng cửa rạp chiếu phim, rạp hát và sân khấu ca nhạc, cấm bán đồ uống có cồn sau 22h hàng ngày cũng như kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại Toronto, Canada, ngày 12-12-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo truyền thông Canada, Ban cố vấn khoa học của tỉnh Ontario về Covid-19 ngày 16-12 đã kêu gọi chính quyền tỉnh đông dân nhất quốc gia này ngay lập tức triển khai các biện pháp y tế công cộng nghiêm ngặt để ứng phó với xu hướng gia tăng các ca nhiễm biến thể Omicron. Mô hình dịch bệnh mới nhất của Ban cố vấn trên cho thấy, nếu không áp dụng các biện pháp "ngắt mạch" để giảm khoảng 50% các mối liên hệ xã hội, chỉ riêng chiến dịch tiêm mũi tăng cường sẽ không đủ sức để ngăn số ca nhiễm mới vọt hơn 10.000 ca mỗi ngày vào cuối năm 2021.
Tại Mỹ, với số ca nhập viện do mắc Covid-19 đang gia tăng trong bối cảnh dịp nghỉ lễ cuối năm bắt đầu sôi động, giới chuyên gia kêu gọi người dân thực hiện đầy đủ biện pháp phòng ngừa. Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky hôm 17-12 dự báo Omicron sẽ trở thành biến thể phổ biến nhất ở quốc gia này trong vài tuần tới.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới bệnh viện ở Coral Gables gần Miami, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hiện nay các ca mắc biến thể Omicron đã được ghi nhận tại ít nhất 39 bang của Mỹ, kể cả ở những người đã tiêm đủ vaccine hoặc tiêm mũi tăng cường, nhưng chỉ gây ra những triệu chứng nhẹ. Điều này buộc Nhà Trắng phải triển khai chiến lược chống dịch đa tầng, trong đó quy định đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách xã hội, tuân thủ các biện pháp vệ sinh, tăng cường tiêm chủng trong nước và đẩy mạnh tài trợ vaccine cho quốc gia khác.
Sau khi phát hiện những ca nhiễm Omicron đầu tiên, giới chức Trung Quốc mới đây đã khuyến khích người lao động không nên về quê trong dịp Tết Nguyên đán. Đây là năm thứ hai liên tiếp Trung Quốc đưa ra lời kêu gọi này nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Một huyện ở Trương Gia Khẩu thuộc tỉnh Hà Bắc đã kêu gọi công nhân viên chức nhà nước “làm gương” bằng cách tổ chức nghỉ Tết tại địa phương thay vì về quê.
Ngày 16-12, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi người dân kiềm chế đi du lịch nước ngoài sau khi ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên được phát hiện ở quốc gia Đông Nam Á này. Ông cũng yêu cầu các quan chức nhà nước không đi du lịch các nước khác, ít nhất là cho đến khi tình hình lắng xuống.
Bệnh nhân Covid-19 chờ được tiếp nhận tại bệnh viện ở Surabaya, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia thông báo cấm tổ chức các sự kiện đón Năm Mới quy mô lớn tại nước này. Quyết định trên được đưa ra sau khi Malaysia ghi nhận thêm ca thứ 2 nhiễm biến thể Omicron và ít nhất 18 người khác nghi nhiễm.
Nga - Trung Quốc tăng cường quan hệ
Hôm 15-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến để thảo luận về mối quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và hai quốc gia này tiếp tục leo thang.
Theo hãng tin AP, trong phần phát biểu mở đầu, hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Tập Cận Bình đều ca ngợi nền tảng quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh. Ông chủ Điện Kremlin tuyên bố Nga - Trung Quốc chính là ví dụ điển hình về hợp quốc tác xuyên quốc gia vào thế kỷ 21 và thành công này một phần là do họ có chung nguyên tắc không can thiệp vào công việc của nhau. Hai nguyên thủ cam kết sẽ gặp trực tiếp tại Bắc Kinh vào tháng 2 năm sau nhân sự kiện khai mạc Thế vận hội mùa Đông 2022.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 15-12-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông Tập Cận Bình đã bày tỏ hy vọng sẽ có những trao đổi sâu hơn với Tổng thống Putin về quan hệ song phương cùng các vấn đề quốc tế, đồng thời đạt được nhiều sự đồng thuận hơn. Chủ tịch Trung Quốc cũng nhấn mạnh thể thao chính là cầu nối để tăng cường hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Putin phát biểu tại hội nghị trực tuyến: “Tôi mong rằng chúng ta sau cùng sẽ có thể gặp mặt trực tiếp. Chúng ta sẽ tổ chức hội nghị trước khi dự lễ khai mạc Olympic mùa Đông”. Nhà lãnh đạo Nga cũng gửi lời cảm ơn Chủ tịch Trung Quốc đã mời ông dự sự kiện thể thao trên.
Ông Putin nói: "Tôi muốn chỉ ra rằng chúng tôi luôn ủng hộ lẫn nhau trong hợp tác thể thao quốc tế, cũng như lập trường chống lại các nỗ lực chính trị hóa thể thao và Phong trào Olympic". Ông Putin tin tưởng rằng Olympic Bắc Kinh 2022 sẽ được tổ chức tốt nhất có thể.
Đáp lại, ông Tập Cận Bình cho hay bản thân rất mong đợi sự kiện "cùng nhau tham dự Thế vận hội Mùa đông" và sẵn sàng làm việc với Tổng thống Putin vì một tương lai chung để mở ra một chương mới trong quan hệ Trung - Nga thời hậu Covid-19.
Ngoài ra, ông Putin lưu ý Moskva và Bắc Kinh sẽ kỷ niệm năm 2022 và 2023 là Năm hợp tác thể dục và thể thao giữa Nga và Trung Quốc.
Các trao đổi thiện chí giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu Nga - Mỹ xảy ra khi Mỹ và một số nước đồng minh đang sử dụng “vấn đề nhân quyền” làm lý do để chính trị hóa Olympic Bắc Kinh cũng như phát động phong trào “tẩy chay ngoại giao” trong khi vẫn cử vận động viên nước họ đến thi đấu.
Thời báo Hoàn cầu trích dẫn nhận định của giới phân tích cho rằng Moskva và Bắc Kinh sẽ còn sát cánh hơn để đối phó với những áp lực và mối đe dọa ngày càng tăng từ phương Tây, nhằm nhấn mạnh rằng Washington và các nước theo sau sẽ bị cô lập trong cộng đồng quốc tế.
Những năm gần đây, Nga và Trung Quốc đã thắt chặt quan hệ song phương nhằm đối phó với mối quan hệ ngày càng gập ghềnh với Mỹ.
Trong khi Mỹ duy trì cảnh giác với các đối thủ hàng đầu, Trung Quốc và Nga vẫn đoàn kết trong việc củng cố các lợi ích kinh tế chung. Tổng thống Putin cho hay tính từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay, thương mại giữa hai nước đã tăng 31% lên 123 tỷ USD. Bên cạnh đó, hai nước đang triển khai một số dự án chung quy mô lớn trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ cao.
Theo Báo Tin tức