Quốc tế
Còn nhiều biến thể xuất hiện sau Omicron
Các nhà khoa học cảnh báo Omicron có thể không phải là biến thể đáng lo ngại cuối cùng của SARS-CoV-2 trong lúc số ca nhiễm mới trên toàn cầu tăng mạnh.
Các lô vắc-xin ngừa Covid-19 được đưa đến thủ đô Abidjan của Côte d’Ivoire thông qua chương trình COVAX. Chương trình này đã phân phối 1 tỷ liều vắc-xin cho 144 quốc gia/vùng lãnh thổ. Ảnh: AP |
Hãng tin AP cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận kỷ lục 15 triệu ca nhiễm Covid-19 trong tuần từ ngày 3-1 đến 9-1, tăng 55% so với tuần trước đó. Trong 24 giờ từ ngày 15-1 đến 16-1, toàn thế giới ghi nhận hơn 2,3 triệu ca nhiễm mới, trong đó Mỹ có số ca nhiễm mới cao nhất với hơn 382.600 ca. Số ca nhiễm mới tại Mỹ và châu Âu hiện chiếm hơn 1/2 tổng số ca được ghi nhận mỗi ngày trên toàn thế giới do sự lây lan của biến thể Omicron.
Theo trang thống kê worldometers, tính đến ngày 16-1, thế giới có 327 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 5,5 triệu ca tử vong và 266,5 triệu ca hồi phục.
Hãng tin AP dẫn lời các nhà khoa học cho rằng, mỗi người nhiễm Covid-19 đều tạo cơ hội cho SARS-CoV-2 đột biến. Omicron có lợi thế hơn so với những biến chủng trước đây khi nó lây lan nhanh hơn dù biến thể này xuất hiện trong cộng đồng có khả năng miễn dịch tốt hơn nhờ vắc-xin và miễn dịch tự nhiên. Điều đó cho thấy virus có thể tiếp tục đột biến trong cơ thể người.
Các chuyên gia không khẳng định các biến thể tiếp theo sẽ như thế nào hoặc ảnh hưởng ra sao tới diễn biến đại dịch, nhưng không có gì bảo đảm các biến thể tiếp theo sau Omicron sẽ gây bệnh nhẹ hơn hoặc các loại vắc-xin hiện tại sẽ duy trì hiệu quả. “Omicron càng lây lan nhanh thì càng có nhiều cơ hội đột biến, có khả năng dẫn đến nhiều biến thể hơn xuất hiện”, AP dẫn lời nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm Leonardo Martinez tại Đại học Boston (Mỹ) nói.
Cũng theo AP, được phát hiện vào giữa tháng 11-2021, Omicron đến nay lan khắp toàn cầu. Nghiên cứu cho thấy biến thể này có tốc độ lây lan nhanh ít nhất gấp 2 lần so với Delta và ít nhất 4 lần so với chủng virus gốc. Omicron dường như ít có nguy cơ gây bệnh nặng hơn so với Delta, làm dấy lên hy vọng biến thể mới này sẽ khởi đầu cho xu hướng virus trở nên nhẹ hơn, có thể được xem như cúm mùa. Một số nhà khoa học còn cho rằng, Omicron có thể đánh dấu sự kết thúc của Covid-19. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm kết thúc đại dịch.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng khuyến cáo sẽ là sai lầm khi xem Omicron là biến thể nhẹ, bởi đây vẫn là biến thể nguy hiểm, nhất là đối với những người chưa được tiêm chủng. Theo đó, vắc-xin ngừa Covid-19 vẫn là vũ khí mạnh mẽ của con người và việc tiêm mũi tăng cường sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ bị bệnh nặng, nhập viện và tử vong. Mới đây, ông Tedros nói rằng, việc bảo vệ con người khỏi các biến thể trong tương lai phụ thuộc vào việc chấm dứt tình trạng mất cân bằng vắc-xin ngừa Covid-19. Mục tiêu của WHO là 70% người dân ở mọi quốc gia sẽ được tiêm chủng vào tháng 7-2022. Song, hiện có hàng chục quốc gia có chưa đến 1/4 dân số được tiêm vắc-xin đầy đủ.
Tính đến ngày 15-1, chương trình COVAX - cơ chế chia sẻ vắc-xin ngừa Covid-19 toàn cầu - đã phân phối 1 tỷ liều vắc-xin tới 144 quốc gia/vùng lãnh thổ. Dữ liệu của WHO cho thấy, 67% dân số ở các nước giàu có đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi tỷ lệ này ở các nước nghèo chỉ là 5%.
Hiện Mỹ siết chặt quy định tiêm vắc-xin trong lúc 40 bang ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao. Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng, tiêm vắc-xin không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của công dân. Chính phủ Pháp đang gia tăng các biện pháp hạn chế đối với những người không tiêm vắc-xin (trừ những trường hợp đặc biệt) và tiến tới áp dụng hộ chiếu vắc-xin. Ý đã ban hành quy định bắt buộc tiêm vắc-xin đối với những người trên 50 tuổi.
VĨNH AN