Mỹ muốn đàm phán với Triều Tiên

.

Mỹ cho rằng, đối thoại và ngoại giao là phương thức hiệu quả nhất giúp phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Một tên lửa được Triều Tiên phóng trong tháng 1-2022. Ảnh: Reuters
Một tên lửa được Triều Tiên phóng trong tháng 1-2022. Ảnh: Reuters

Hết tên lửa siêu vượt âm rồi đến tên lửa hành trình, Triều Tiên bắt đầu năm 2022 với hàng loạt vụ thử vũ khí, thậm chí ở mức dày đặc nhất. 5 vụ phóng diễn ra trong vòng 3 tuần là những màn “phô trương sức mạnh” của Triều Tiên nhằm chuyển tải thông điệp quân sự và chính trị, trong bối cảnh tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bế tắc.

Triều Tiên chuẩn bị các sự kiện quan trọng 

Bình Nhưỡng chưa đưa ra tuyên bố nào về vụ phóng thứ 5 diễn ra ngày 25-1, được cho là phóng 2 tên lửa hành trình. Việc phóng tên lửa hành trình không trực tiếp vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên, nhưng cũng làm các nước láng giềng như Hàn Quốc và Nhật Bản đứng ngồi không yên. Theo chuyên gia Lee Sang-min tại Viện Phân tích quốc phòng Hàn Quốc, tên lửa hành trình chậm hơn tên lửa đạn đạo nên ít mang tính đe dọa hơn, nhưng chúng có thể tấn công mục tiêu với độ chính xác cao. Chuyên gia này cho rằng, Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển tên lửa hành trình.

Các vụ phóng tên lửa diễn ra trong lúc Triều Tiên chuẩn bị kỷ niệm 80 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Jong-il, cha của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong tháng 2; và 110 năm ngày sinh của người sáng lập nước Triều Tiên Kim Nhật Thành, tức ông nội của ông Kim Jong-un, vào tháng 4 tới. Hãng thông tấn AFP dẫn lời ông Cheong Seong-chang tại Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên ở Viện Sejong cho rằng, việc kỷ niệm ngày sinh của cha và ông nội bằng một sự kiện phù hợp là vô cùng quan trọng về mặt chính trị đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. “Đối với các lễ kỷ niệm quan trọng như thế, Triều Tiên thích tổ chức diễu binh nhằm phô diễn các vũ khí mới”, ông Cheong Seong-chang nói.

“Ngoại giao là con đường tốt nhất”

Sau vụ phóng thứ 5 của Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định Washington không có ý định thù địch với Bình Nhưỡng; đồng thời cho rằng đối thoại và ngoại giao là phương thức hiệu quả nhất giúp phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. “Chúng tôi để ngỏ ngoại giao”, ông Price nói.

Ngày 24-1, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cũng nhấn mạnh, Mỹ kêu gọi Triều Tiên chấm dứt các hành động khiêu khích và trở lại bàn đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp tránh leo thang căng thẳng. Lầu Năm Góc đang theo đuổi chủ trương “ngoại giao là con đường tốt nhất” để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa.

Từ năm 2017, Triều Tiên không thử các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và không thử hạt nhân, cũng như tạm dừng các vụ phóng những loại vũ khí khác khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump gặp gỡ nhau 3 lần.

Thế nhưng, đàm phán Mỹ - Triều bế tắc kể từ năm 2019. Lần cuối cùng Bình Nhưỡng thử nhiều vũ khí cũng là vào một tháng trong năm 2019. Hiện nước này chưa hồi đáp các đề nghị đàm phán được Washington đưa ra.

Cuối tuần qua, Triều Tiên ám chỉ việc nối lại thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, đồng thời cho biết họ sẽ xem xét khởi động lại “tất cả các hoạt động tạm thời bị đình chỉ”.

Các nhà phân tích cho rằng, loạt vụ phóng nói trên có thể nằm trong kế hoạch tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia, như lời kêu gọi của ông Kim Jong-un tại Đại hội lần thứ VIII đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 1-2021. Triều Tiên vốn xem việc Mỹ dỡ bỏ “chính sách thù địch” đối với nước này là chìa khóa then chốt để tái khởi động đàm phán hạt nhân.

Với việc phóng hàng loạt vũ khí trong tháng 1-2022, Triều Tiên có thể muốn gây ra căng thẳng địa chính trị, thúc đẩy Mỹ đưa ra chiến lược mới đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, theo AFP, bà Jenny Town - nhà phân tích tại Trung tâm Stimson (Mỹ) không lạc quan về khả năng nối lại đàm phán Mỹ - Triều.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.