Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhấn mạnh chống đại dịch Covid-19 và bảo đảm quốc phòng là những ưu tiên hàng đầu của chính phủ.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu tại Hạ viện ngày 17-1. Ảnh: Reuters |
Hãng tin AP cho biết, trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp Hạ viện kéo dài 150 ngày, bắt đầu từ ngày 17-1, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhấn mạnh: “Tôi nguyện dốc hết sức lực và tâm trí để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống virus Corona”. Ông kêu gọi người dân hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua “khủng hoảng quốc gia” trong lúc Covid-19 đang lan rộng khắp Nhật Bản, nhất là ở các đô thị lớn.
Tokyo là “điểm nóng” dịch bệnh
Ngày 16-1, thủ đô Tokyo của Nhật Bản ghi nhận hơn 4.100 ca nhiễm mới, vượt mốc kỷ lục 4.051 ca hôm 14-1. Chính quyền thủ đô Tokyo dự báo số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày có thể tăng lên khoảng 10.000 ca vào tuần này. Chính quyền thành phố cũng đã nâng mức cảnh báo về dịch bệnh lên cấp độ 2 trên thang cảnh báo gồm 4 độ.
Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự gia tăng đột biến các ca nhiễm mới ở Nhật Bản là do biến thể Omicron, nhất là tại các khu vực có căn cứ quân sự của Mỹ. Giờ đây, Thủ tướng Kishida nhắc lại kế hoạch duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, cấm hầu hết những người nước ngoài nhập cảnh cho đến cuối tháng 2, đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 và củng cố hệ thống y tế để hỗ trợ ngày càng nhiều bệnh nhân được điều trị ở nhà.
Theo AP, ông Kishida thúc giục các công ty làm việc từ xa, các trường học sử dụng cách thức học trực tuyến linh hoạt. Chiến dịch tiêm mũi vắc-xin tăng cường được triển khai ở Nhật Bản từ tháng 12-2021 dành cho nhân viên y tế và hiện chưa đến 1% người dân nước này đã tiêm liều bổ sung, thấp hơn nhiều so với 53% tại Anh và 24% tại Mỹ, theo dữ liệu của Our World in Data tại Đại học Oxford (Anh) và AP. Thời gian gần đây, Nhật Bản cũng giảm khoảng cách giữa mũi 2 và mũi 3 đối với người cao tuổi từ 8 tháng còn 6 tháng.
Lãnh đạo Nhật - Mỹ dự kiến hội đàm trực tuyến
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Kishida cho biết, chính phủ sẽ xem xét lại chính sách quốc phòng, trong đó cân nhắc phát triển năng lực tấn công phủ đầu. “Tôi quyết tâm bảo vệ sinh mạng và cuộc sống thường nhật của người dân”, AP dẫn lời ông Kishida nói, đồng thời cho rằng tình hình ở khu vực “ngày càng nghiêm trọng và phức tạp”.
Thủ tướng Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến có cuộc hội đàm trực tuyến vào ngày 21-1 tới trong lúc hai nhà lãnh đạo đang thúc đẩy mối quan hệ song phương. Ông Kishida mô tả liên minh Nhật - Mỹ là “nền tảng của các chính sách ngoại giao và an ninh của Nhật Bản”.
Phát biểu tại Hạ viện ngày 17-1, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cũng cho biết, ưu tiên của Tokyo gồm tăng cường liên minh Nhật - Mỹ, nâng cấp năng lực phòng thủ nhằm bảo đảm hòa bình tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. “Liên minh Nhật - Mỹ là nền tảng của hòa bình và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông Hayashi nhấn mạnh. Theo đó, để thực hiện hóa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Nhật Bản sẽ đẩy mạnh nỗ lực thông qua việc phối hợp với các đồng minh và các đối tác, bao gồm Úc, Ấn Độ, các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước châu Âu.
Trong quan hệ với Trung Quốc, theo Ngoại trưởng Hayashi, Nhật Bản sẽ nỗ lực thiết lập mối quan hệ song phương mang tính xây dựng và ổn định thông qua hợp tác giải quyết các thách thức chung trong bối cảnh năm nay đánh dấu 50 năm hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Song, ông Hayashi chỉ trích việc Trung Quốc “đơn phương thay đổi” hiện trạng Biển Hoa Đông và khẳng định Tokyo sẽ có “cách tiếp cận bình tĩnh và kiên quyết” về vấn đề này.
Đối với Triều Tiên, Ngoại trưởng Hayash nhấn mạnh: Nhật Bản sẽ thúc đẩy giải pháp về các vấn đề như phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và việc công dân Nhật bị bắt cóc trước đây.
BÌNH YÊN