Đức, Pháp, Ai Cập và Jordan đang nỗ lực thực hiện các biện pháp tăng cường xây dựng lòng tin với mục đích cải thiện điều kiện sống của người dân Palestine và hướng tới việc nối lại các cuộc đàm phán.
Xung đột giữa người Palestine và người định cư Israel ở khu vực Sheikh Jarrah thuộc Đông Jerusalem ngày 13-2-2022. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Ngoại trưởng các nước Đức, Pháp, Ai Cập và Jordan ngày 19-2 đã gặp nhau bên lề Hội nghị An ninh Munich (MSC) tại Munich để tiếp tục phối hợp, thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông hướng tới một nền hòa bình công bằng, toàn diện và lâu dài dựa trên nền tảng giải pháp hai nhà nước.
Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp cho biết Ngoại trưởng Đức, Pháp, Ai Cập và Jordan tái khẳng định quyết tâm ủng hộ mọi nỗ lực hướng tới một nền hòa bình công bằng, lâu dài và toàn diện, tôn trọng các quyền hợp pháp của tất cả các bên dựa trên giải pháp hai nhà nước phù hợp với luật pháp quốc tế, các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc và các thỏa thuận đã đạt được, bao gồm cả Sáng kiến Hòa bình Arab.
Các nước này bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng căng thẳng trên thực địa, kêu gọi các bên khẩn trương nối lại đàm phán nghiêm túc và hiệu quả dưới hình thức đàm phán trực tiếp hoặc thông qua sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.
Các nước trên đang nỗ lực thực hiện các biện pháp tăng cường xây dựng lòng tin với mục đích cải thiện điều kiện sống của người dân Palestine và hướng tới việc nối lại các cuộc đàm phán hiệu quả.
Bên cạnh đó, các nước này cũng kêu gọi các bên kiềm chế mọi hành động đơn phương phá hoại giải pháp hai nhà nước và triển vọng của một nền hòa bình công bằng và lâu dài, đặc biệt là việc xây dựng và mở rộng các khu định cư, tịch thu đất đai và ép buộc người Palestine rời khỏi nhà cửa của họ cũng như bất kỳ hình thức bạo lực và thù hận nào.
Các ngoại trưởng cũng tái khẳng định sự cần thiết phải duy trì hiện trạng cũ và hợp pháp của các thánh địa ở Jerusalem; nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA) cũng như tầm quan trọng của việc cung cấp hỗ trợ về chính trị và tài chính cần thiết để cơ quan này tiếp tục các sứ mệnh cũng như cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người tị nạn.
Các nước này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các hiệp ước hòa bình giữa các nước Arab và Israel góp phần giải quyết xung đột Israel-Palestine trên cơ sở giải pháp hai nhà nước nhằm đạt được một nền hòa bình toàn diện và lâu dài.
Ngoài ra, các nước trên cũng sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các bên để mở ra triển vọng nối lại tiến trình chính trị tin cậy, khẳng định việc thiết lập một nền hòa bình công bằng và lâu dài là mục tiêu chiến lược, vì lợi ích của tất cả các bên và có ý nghĩa sống còn đối với an ninh và ổn định trong khu vực.
Theo TTXVN/Vietnam+