Nói "không" với đồ nhựa

.

Chile là quốc gia mới nhất chính thức nói “không” với đồ nhựa một lần. Từ ngày 13-2, quốc gia Nam Mỹ này áp dụng luật mới quản lý các sản phẩm đồ nhựa dùng một lần như chai lọ, ly tách, ống hút… vốn gây nguy hại cho môi trường.

Rác thải nhựa trên biển vẫn đang là chuyện đau đầu với nhiều quốc gia. Ảnh: FT
Rác thải nhựa trên biển vẫn đang là chuyện đau đầu với nhiều quốc gia. Ảnh: FT

Luật về đồ nhựa dùng một lần, được ban hành vào tháng 8 năm ngoái, là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Chile nhằm tăng cường tái chế, giảm dần rồi tiến tới chấm dứt hoàn toàn rác nhựa. Luật mới cấm dùng đồ nhựa một lần tại các cơ sở phục vụ ăn uống và cả các dịch vụ giao đồ ăn tận nơi.

3 năm để thay đổi

“Luật này giúp chúng tôi giảm hơn 23.000 tấn nhựa mỗi năm, đồ nhựa dùng một lần và sẽ mang lại lợi ích vô cùng lớn lao cho môi trường”, Thứ trưởng Bộ Môi trường Marcelo Fernandez của Chile nói với hãng tin Reuters.

Dù theo luật mới, một số đồ nhựa bị cấm dùng ngay lập tức, nhưng luật cho thời hạn 3 năm để các nhà hàng, quán cà phê, các điểm tổ chức sự kiện thích ứng và tìm giải pháp thay thế. Đối với hoạt động giao hàng, các cơ sở kinh doanh này có thể giao các sản phẩm dùng một lần làm bằng vật liệu không phải nhựa; còn thực phẩm chế biến sẵn có thể được đựng trong vật liệu nhựa, nhưng toàn bộ hoặc một phần của vật liệu đó phải được sản xuất từ các nguồn tài nguyên tái tạo và có thể phân hủy được.

Không kể Mexico, tính theo đầu người, Chile là nước thải ra số rác nhựa nhiều hơn bất cứ quốc gia nào nói tiếng Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha ở châu Mỹ Latinh, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018. Đến nay, Chile được coi là nước đi đầu về môi trường tại khu vực châu Mỹ Latinh nhờ chiến lược sử dụng năng lượng tái tạo và xây dựng các công viên quốc gia. Quyết tâm từ bỏ rác thải nhựa của Chile có thể nhìn thấy qua mức phạt nghiêm khắc đặt ra trong luật mới. Theo đó, với mỗi sản phẩm không tuân thủ quy định, mức phạt dao động từ 54.878 - 274.390 USD tùy vi phạm. Với các siêu thị không tuân thủ quy định về cách thức đóng gói có thể tái sử dụng, mỗi ngày vi phạm bị phạt từ 54.878 - 1.097.560 USD.

Nỗ lực của Liên Hợp Quốc

Cuộc họp do Đại hội đồng môi trường Liên Hợp Quốc tổ chức từ ngày 28-2 đến 2-3 ở thủ đô Nairobi của Kenya sẽ quyết định lộ trình hành động của toàn cầu về rác nhựa. Đại diện chính phủ các nước sẽ thảo luận về một hiệp định toàn cầu đầu tiên để giải quyết rác nhựa.

Nếu đạt được đồng thuận, Đại hội đồng có thể đi tới quyết định thành lập một ủy ban đàm phán liên chính phủ để làm đơn vị trung gian trong việc thiết lập thỏa thuận buộc mọi quốc gia phải chấm dứt xả rác thải nhựa ra đại dương. Việc này có thể đạt được qua các mục tiêu quốc gia và các kế hoạch cắt giảm, tái chế và quản lý.

Theo những số liệu chưa đầy đủ về rác nhựa trên biển, chỉ tính riêng ở các bề mặt nước đã trôi nổi khoảng 51.000 tỷ mảnh rác nhựa. Ô nhiễm rác nhựa đe dọa cuộc sống của các sinh vật biển do chúng ăn phải hay vướng vào. Trong khi đó, chưa thể đánh giá hết nguy cơ với con người khi ăn phải đồ hải sản nhiễm độc từ rác nhựa.

Hầu hết rác nhựa đều từ sông cuốn ra biển. Cũng cần phải nói thêm là ô nhiễm rác nhựa không phải chỉ nghiêm trọng ở môi trường nước. Người ta đã tìm thấy rác nhựa, hạt vi nhựa ở mọi ngõ ngách trên trái đất, từ Bắc Cực tới đỉnh Everest.

Mặc dù các giải pháp công nghệ dọn sạch rác nhựa đã chứng minh thành công, các nỗ lực chấm dứt sử dụng đồ nhựa một lần cũng ngày càng phổ biến hơn, nhưng thách thức lớn vẫn tồn tại ở khâu sản xuất đồ nhựa một lần. Để giải quyết vấn đề này, chỉ có thể là một thỏa thuận toàn cầu.

Dù vậy, vẫn còn có những quan điểm chia rẽ giữa các nước trong xử lý rác nhựa. Do đó, giới quan sát chưa đặt nhiều kỳ vọng vào quy mô cũng như tầm tham vọng của nội dung bản hiệp định tương lai ở Nairobi.

TRẦN ĐẮC LUÂN (theo Reuters, Then24, Chinadialogueocean)

;
;
.
.
.
.
.