Quốc tế
Donbass thành điểm nóng, phương Tây "dậy sóng"
Nga chính thức công nhận nền độc lập đối với hai khu vực ly khai ở đông Ukraine (Donetsk và Lugansk). Mỹ và các nước phương Tây coi đây là bước đi vượt “lằn ranh đỏ”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk. Ảnh: AFP |
Cộng hòa Donetsk và Lugansk tự xưng đã phê chuẩn hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Nga, chính thức mở đường để nhận trợ giúp quân sự và tài chính từ Moscow.
Sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin
Trong bài phát biểu gửi tới người dân Nga sau cuộc họp bất thường của Hội đồng An ninh đêm 21-2 (sáng 22-2, giờ Việt Nam), Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố ông đã ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk, hai khu vực ly khai gọi chung là Donbass ở đông Ukraine. “Tôi cho rằng, việc ngay lập tức công nhận độc lập và chủ quyền của “Cộng hòa nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa nhân dân Lugansk” là cần thiết, lẽ ra phải làm từ lâu”, ông Putin nói.
Theo TASS, nhà lãnh đạo Nga yêu cầu “chấm dứt ngay lập tức hành động chiến sự” ở Donbass và trong trường hợp ngược lại, “mọi trách nhiệm liên quan đến chiến sự đổ máu” có thể diễn ra đều thuộc về Kiev. Ông Putin nhấn mạnh: “Nga đã làm tất cả để bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, trong đó có việc đấu tranh để thực hiện các thỏa thuận Minsk nhưng đều vô ích”.
Như vậy, lần đầu tiên Nga tuyên bố không xem Donbass là một phần lãnh thổ của Ukraine. Hãng tin Reuters cho biết, điều đó có thể mở đường cho Moscow công khai gửi quân đội vào Donbass với lý do là đồng minh bảo vệ Donbass trước Ukraine. Hơn nữa, theo dự thảo bảo vệ biên giới hai nước cộng hòa tự xưng, Nga có quyền xây dựng các căn cứ quân sự ở Donbass; các bên không được tham gia bất kỳ khối hoặc liên minh nào chống lại bên còn lại và không cho phép lãnh thổ của họ được sử dụng để phát động các cuộc tấn công chống lại nhau…
Người dân ở Donetsk và Lugansk đã đổ xuống đường, bày tỏ niềm vui về sắc lệnh của Tổng thống Putin. Căng thẳng leo thang trong những ngày qua giữa các lực lượng Ukraine và hai khu vực ly khai này với các cuộc pháo kích dữ dội. Các quan chức hàng đầu của hai nước cộng hòa tự xưng cáo buộc sự leo thang giống như màn khởi đầu cho một cuộc tấn công toàn diện của Ukraine. Tuy nhiên, Kiev khẳng định không có kế hoạch chiếm các khu vực ly khai bằng vũ lực. Giờ đây, Tổng thống Putin đã ra lệnh cho quân đội Nga hoạt động như “những người gìn giữ hòa bình” ở Donbass. Tuy nhiên, bước đi này có thể làm tăng nguy cơ xung đột quân sự tổng lực giữa Nga với Ukraine ở dọc khu vực biên giới.
Nga sẵn sàng đối thoại
Việc Nga chính thức công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk làm sụp đổ các thỏa thuận hòa bình Minsk vốn được Bộ Tứ Normandy (gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức) ký kết năm 2014-2015 nhằm chấm dứt chiến sự ở đông Ukraine. Các thỏa thuận này chưa từng được triển khai đầy đủ nên giao tranh vẫn diễn ra suốt gần 8 năm qua. Song, thỏa thuận Minsk vẫn được tất cả các bên liên quan, trong đó có Nga, xem là cơ hội tốt nhất để tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề ở đông Ukraine. Vì vậy, Mỹ và phương Tây cho rằng, việc Nga công nhận Donbass là sự leo thang nghiêm trọng.
Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga bởi Moscow đã vượt “lằn ranh đỏ”. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Linda Thomas Greenfield nói rằng, Washington sẽ công bố lệnh trừng phạt Nga ngay trong ngày 22-2 (giờ Mỹ) sau khi tham khảo ý kiến đồng minh. Chính phủ Anh triệu tập phiên họp Hội đồng An ninh quốc phòng gấp vào sáng sớm 22-2 nhằm hoàn thiện chi tiết các lệnh trừng phạt. Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng nhóm họp chiều 22-2. Các quan chức EU cho biết, khi xem xét các lệnh trừng phạt đối với Nga cần cân nhắc mức độ và quy mô phù hợp với các diễn biến hiện nay. Các quốc gia ở Baltic hay Đông Âu muốn EU ngay lập tức áp dụng toàn bộ gói trừng phạt lớn nhưng các nước lớn như Pháp và Đức muốn liên minh 27 thành viên hành động thận trọng do lo ngại việc trừng phạt quy mô lớn đưa ra quá sớm sẽ càng khiến tình hình ở Ukraine leo thang nguy hiểm hơn.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, ông sẽ xem xét yêu cầu cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga. Cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ cũng diễn ra trong ngày 22-2 theo yêu cầu của trưởng phái đoàn Ukraine, cùng đại diện Mỹ và 6 quốc gia khác, với những màn “khẩu chiến” gay gắt.
Về phía Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định: Ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất, Moscow vẫn sẵn sàng đối thoại và luôn ủng hộ biện pháp ngoại giao. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ gặp gỡ người đồng cấp Antony Blinken vào ngày 24-2 tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm tìm cách tháo gỡ căng thẳng liên quan Ukraine.
Điều gì sẽ xảy ra?
Cuộc xung đột nổ ra vào năm 2014 sau khi lực lượng nổi dậy do Nga hậu thuẫn chiếm giữ các tòa nhà chính phủ ở đông Ukraine. Hai khu vực ly khai Donetsk và Lugansk đã tách khỏi sự kiểm soát của chính phủ Kiev ngay trong năm 2014 (cũng là thời điểm bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga) và tự xưng là các nước cộng hòa nhân dân độc lập. Tuy nhiên, lúc đó, các nước cộng hòa tự xưng này không được chính phủ nào công nhận, kể cả Nga.
Dù vậy, trong gần 8 năm qua, Nga đã cấp hộ chiếu và quy chế công dân cho khoảng 800.000 người nói tiếng Nga ở Donbass. Cả Donetsk lẫn Luhansk đã từ bỏ đồng tiền hryvnia của Ukraine và sử dụng đồng tiền rúp của Nga. Các trường học địa phương cũng theo chương trình giảng dạy quốc gia Nga thay vì Ukraine.
Nhiều câu hỏi được đặt ra về các động thái tiếp theo của Tổng thống Putin và phương Tây. Mỹ chỉ trích việc quân đội Nga đến Donbass trong những ngày tới trên danh nghĩa “lực lượng gìn giữ hòa bình” là điều vô nghĩa bởi lực lượng Nga đã có mặt ở khu vực này từ năm 2014. Còn Nga lý giải rằng, công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk vì tình hình leo thang căng thẳng ở khu vực Donbass do Ukraine gây ra có thể dẫn đến vô số thương vong.
Một vấn đề khác là châu Âu đang rơi vào thế khó. Nếu áp đặt trừng phạt Nga, “lục địa già” sẽ mất nguồn cung dầu mỏ và khí đốt. Năm 2020, EU nhập khẩu 35% lượng khí đốt từ Nga. Năm 2021, tỷ trọng nhập khẩu khí đốt từ Nga vào EU là hơn 42%. Đó là chưa kể EU còn nhập khẩu một nửa lượng than từ Nga.
Đức đã ngừng phê duyệt dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) dài 1.230km. Nord Stream 2 không đi qua Ukraine và kết nối trực tiếp Nga với Đức. Chưa rõ Nga sẽ có động thái như thế nào khi dự án này bị “đóng băng”, nhưng châu Âu sẽ gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung năng lượng cho các doanh nghiệp và các hộ gia đình trong mùa đông.
PHÚC NGUYÊN
Trung Quốc kêu gọi kiềm chế và đối thoại Báo Chinadaily cho biết, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken ngày 22-2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng, Bắc Kinh bày tỏ quan ngại về tình hình hiện nay ở Ukraine. Bình luận về việc Nga chính thức công nhận độc lập đối với Donetsk và Lugansk, ông Vương Nghị nhận định những thay đổi này liên quan đến sự thất bại trong việc thực hiện Thỏa thuận hòa bình Minsk năm 2014-2015. Trong tuyên bố tại cuộc họp khẩn của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Đại sứ Trung Quốc Zhang Jun kêu gọi các bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng. Vị quan chức ngoại giao này nhấn mạnh tất cả các vấn đề nên được giải quyết thông qua ngoại giao và trên cơ sở bình đẳng. THƯ LÊ |