Quốc tế

Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine

09:06, 25/02/2022 (GMT+7)

Ngày 24-2, Nga triển khai chiến dịch đặc biệt tại miền đông Ukraine, tuy nhiên tuyên bố không có kế hoạch chiếm đóng lãnh thổ của nước láng giềng. Nhiều quốc gia trên thế giới lập tức phản ứng về động thái của Moscow.

Dòng xe di chuyển khỏi thủ đô Kiev, hướng về phía tây, khu vực gần Ba Lan và có quân đội NATO đồn trú. Ảnh: Getty Images
Dòng xe di chuyển khỏi thủ đô Kiev, hướng về phía tây, khu vực gần Ba Lan và có quân đội NATO đồn trú. Ảnh: Getty Images

Hãng thông tấn TASS cho biết, sáng 24-2 (giờ Việt Nam), phát biểu trên truyền hình quốc gia Nga, Tổng thống Vladmir Putin thông báo triển khai chiến dịch đặc biệt nhằm bảo vệ người dân tại Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng tại Donbass.

Ông Putin nói chiến dịch đặc biệt chỉ nhằm “bảo vệ người dân Donbass” và không có ý định xâm phạm lãnh thổ Ukraine.

Tổng thống Putin lý giải, NATO đã sử dụng Ukraine làm “con rối” để đe dọa Nga về mặt quân sự. Chính phủ Nga phải hành động ngay lập tức nhằm “phi quân sự hóa” quốc gia láng giềng và bảo đảm không có cuộc tấn công nào nhằm vào Nga trong tương lai theo các điều kiện của NATO. “Bất kỳ nỗ lực nào của nước ngoài nhằm can thiệp vào hành động của Nga sẽ dẫn đến hậu quả mà họ chưa từng thấy”, ông cảnh báo. Tuyên bố của Tổng thống Putin khép lại những suy đoán về động thái tiếp theo của Nga sau nhiều ngày triển khai hàng trăm ngàn binh sĩ tại khu vực biên giới và công nhận độc lập của hai vùng lãnh thổ ly khai ở đông Ukraine hôm 21-2.

Trước diễn biến leo thang tại Ukraine, giá dầu đã tăng vọt lên 100 USD/thùng và giá vàng thế giới cũng tăng cao kỷ lục lên 1.928 USD/ounce.

Ukraine cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga

Truyền thông quốc tế đưa tin, Ukraine cho biết, chiến sự xảy ra với họ trên tất cả các mặt trận từ 3 hướng biên giới gồm thông qua Nga, Belarus và bán đảo Crimea. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định không tấn công các thành phố và họ đang sử dụng vũ khí chính xác, không tạo ra mối đe dọa cho dân thường. Song, có nhiều thông tin khác nhau về mức độ thương vong và thiệt hại của hai phía.

Theo Reuters, tiếng còi báo động các cuộc không kích và nhiều tiếng nổ đã vang lên tại Kiev. Một số người dân trú ẩn tại các ga tàu điện ngầm, một số người khác nhanh chóng lái xe riêng hoặc lên xe buýt rời thủ đô và tiến về phía tây, cách xa khu vực biên giới với Nga.

Chiều 24-2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Liên bang Nga và ban bố thiết quân luật khắp cả nước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cho rằng, động thái tấn công vào “các thành phố Ukraine yên bình” của Nga là “hành động chiến tranh”.

Hội đồng bảo an LHQ họp khẩn

Báo New York Times dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án hành động của Nga nhằm vào Ukraine là “cuộc tấn công vô cớ và phi lý”. Dự kiến người đứng đầu Nhà Trắng sẽ có bài phát biểu trong ngày 24-2 (giờ Washington) về bước đi của Mỹ, trong đó có việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga, sau cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) triệu phiên họp khẩn theo đề nghị của Ukraine và có sự ủng hộ của các nước phương Tây. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đề nghị Tổng thống Putin đưa quân đội Nga ở đông Ukraine trở về nước. Theo ông Guterres, trong lúc thế giới đang trên đà thoát khỏi đại dịch Covid-19, nhiều nước phát triển cần có không gian để phục hồi, điều này sẽ trở nên khó khăn khi giá dầu tăng cao, việc ngừng xuất khẩu lúa mì từ Ukraine, lãi suất tăng mạnh do bất ổn tại các thị trường quốc tế. Vì vậy, ông kêu gọi Tổng thống Putin ngừng chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Thế giới phản ứng

Ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng tiến hành họp khẩn. NATO tuyên bố đã tăng cường triển khai các lực lượng phòng thủ ở cả trên bộ lẫn trên không đến khu vực sườn phía đông, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Hội đồng châu Âu nhóm họp bất thường nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine và áp dụng các biện pháp trừng phạt tiếp theo với Nga. Trong lúc đó, AFP cho hay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định sẽ phối hợp với các đồng minh để nỗ lực chấm dứt xung đột. Ngoại trưởng Anh Liz Truss triệu Đại sứ Nga để yêu cầu giải thích về quyết định triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt. Các nước thành viên NATO gồm Ba Lan, Estonia, Latvia và Lithuania đã kích hoạt Điều 4 của Hiệp ước NATO để khởi động các cuộc tham vấn trong liên minh trước những mối lo ngại về an ninh. Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho rằng, việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đại diện cho “mối đe dọa với toàn bộ châu Âu”.

Nhiều nước khác cũng có phản ứng. Moldova đóng cửa không phận từ 12 giờ ngày 24-2, tất cả các chuyến bay sẽ chuyển hướng sang sân bay khác. Belarus đóng cửa một phần không phận dành cho máy bay dân dụng. Slovakia điều 1.500 binh sĩ tới khu vực biên giới giáp với Ukraine để hỗ trợ người tị nạn, đồng thời chuẩn bị tăng số trạm kiểm soát tại vùng biên giới.

Hãng tin Kyodo dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết Tokyo sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế để phản ứng lại động thái của Moscow.

PHÚC NGUYÊN

Không có hãng hàng không Việt Nam bay qua khu vực căng thẳng

Ngày 24-2, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam có duy nhất Vietnam Airlines đang khai thác đường bay đến Moscow (Nga). Tuy nhiên, Vietnam Airlines cho hay, từ rất lâu, hãng này đã lập kế hoạch bay chỉ qua lãnh thổ Nga và Tây Âu chứ không bay qua Belarus và Ukraine. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các đường bay quốc tế mà các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác không bị ảnh hưởng trong lúc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

VIETNAMPLUS

Trung Quốc kêu gọi kiềm chế

Theo Chinadaily, ngày 24-2, Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine kiềm chế, đồng thời cáo buộc Mỹ “châm dầu vào lửa” trong lúc xảy ra căng thẳng.

Trong cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc kéo dài hơn 90 phút, bà Hoa Xuân Oánh - người phát ngôn kiêm Trợ lý Ngoại trưởng - đã tránh hơn 11 câu hỏi đề cập hành động của Nga ở Ukraine. Quan chức này cho biết, Trung Quốc sẽ bắt đầu nhập khẩu lúa mì của Nga, một động thái có thể giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.

THIÊN BÌNH

.