Quốc tế
Quan hệ Nga - phương Tây thêm căng thẳng
Nhiều quốc gia khuyến cáo công dân nhanh chóng rời Ukraine hoặc hạn chế đến nước này do lo ngại tình hình an ninh có thể xấu đi nếu xảy ra xung đột quân sự giữa Moscow và Kiev.
Các nước châu Âu nỗ lực thúc đẩy ngoại giao với Nga để xoa xịu căng thẳng liên quan Ukraine. TRONG ẢNH: Ngoại trưởng Anh Liz Truss (trái) gặp gỡ người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại Moscow ngày 10-2. Ảnh: AP |
Hãng tin AP cho biết, Mỹ, Anh, Đức đã có kế hoạch sơ tán nhân viên ngoại giao tại Ukraine. Chiều 12-2, các chuyến bay thương mại đầu tiên chở các công dân Anh sơ tán khỏi Ukraine đã hạ cánh xuống xứ sở sương mù. London cũng sẽ rút các cố vấn quân sự Anh đang có mặt tại Ukraine về nước.
Nhiều quốc gia khác như Bỉ, Phần Lan, Latvia, Hà Lan, Estonia, Nhật Bản, New Zealand cũng kêu gọi công dân ngay lập tức rời Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) vẫn sẽ duy trì phái bộ ngoại giao châu Âu ở thủ đô Kiev của Ukraine nhưng yêu cầu những nhân sự không trọng yếu rời Ukraine và tạm thời chuyển đến làm việc từ xa tại các quốc gia châu Âu lân cận.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Úc ngày 13-2 thông báo tạm ngừng hoạt động tại Đại sứ quán tại Kiev, chuyển các hoạt động đến một văn phòng tạm thời ở thành phố Lviv ở miền tây Ukraine, cách biên giới với Ba Lan khoảng 70km.
Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây càng thêm căng thẳng khi Mỹ và các đồng minh cáo buộc Moscow rầm rộ điều hơn 100.000 binh sĩ đến biên giới Ukraine để chuẩn bị tấn công quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ này. Đêm 11-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các nhà lãnh đạo phương Tây rằng, Nga sẽ bắt đầu một cuộc tấn công sớm nhất là vào ngày 16-2. Tuy nhiên, chưa có cơ sở nào cho thấy thông tin tình báo mà ông Biden đưa ra là chính xác.
Tổng thống Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ vào sáng 12-2. Song, các quan chức chính phủ Mỹ nói rằng, cuộc điện đàm không mang lại bất kỳ thay đổi lớn nào cho thế bế tắc liên quan khủng hoảng Ukraine.
Nhà Trắng cho hay, ông Biden cảnh báo Mỹ sẽ “đáp trả một cách dứt khoát, buộc Nga phải trả giá đắt và nhanh chóng” nếu Moscow xâm lược Ukraine. “Trong khi Mỹ vẫn sẵn sàng tham gia hoạt động ngoại giao, phối hợp toàn diện với các đồng minh và đối tác của chúng tôi, chúng tôi cũng sẵn sàng cho những kịch bản khác”, ông Biden nói.
Các nỗ lực ngoại giao đều bế tắc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến ngoại giao con thoi đến Moscow và Kiev nhằm xoa dịu tình hình nhưng bất thành. Chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Anh Liz Truss cũng không mang lại tín hiệu lạc quan. Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ tới Kiev vào ngày 14-2, sau đó sẽ tới Moscow. Tại Berlin (Đức) hôm 10-2, với sự tham gia của cả Pháp và Đức, các quan chức Nga và Ukraine cũng không đạt được thỏa thuận để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Về phía Nga, cả hai lần họp báo chung với Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và Tổng thống Pháp Macron tại Moscow, Tổng thống Putin đều nhắc đến kịch bản không mong muốn của Nga là Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông Putin từng nói rằng, các quan chức phương Tây coi kịch bản này là viễn cảnh xa vời, nhưng đó lại là mối đe dọa hiện hữu với Moscow. Nếu Mỹ và châu Âu muốn tránh nguy cơ của một cuộc xung đột quân sự tốn kém (và có thể gây thương vong) với Nga, thì khả năng Ukraine trở thành thành viên của NATO phải được loại trừ vĩnh viễn. Nga không chỉ yêu cầu chấm dứt mở rộng NATO mà còn yêu cầu rút các lực lượng NATO đã triển khai về mức trước năm 1997.
Hãng tin AP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, ngoại giao vẫn để ngỏ nhằm kết thúc căng thẳng với Nga. “Con đường ngoại giao vẫn để ngỏ. Cách mà Moscow thể hiện rằng nước này muốn theo đuổi con đường đó rất đơn giản. Nga nên giảm làm leo thang căng thẳng”, ông Blinken nói. Song, theo các nhà quan sát, Điện Kremlin tiếp tục khiến phương Tây phải suy đoán về các bước đi tiếp theo của Moscow và Mỹ phải cân nhắc các lựa chọn nghiêm túc để đối phó với cuộc khủng hoảng này.
VĨNH AN