Quốc tế
Tình hình Ukraine vẫn nóng
Rốt cuộc thì không có cuộc tấn công quân sự của Nga nhằm vào Ukraine trong ngày 16-2 như giới chức và truyền thông phương Tây cảnh báo nhưng cuộc khủng hoảng vẫn chưa có hồi kết khi Moscow và Washington cứ liên tục chỉ trích nhau.
Hình ảnh do Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 17-2 cho thấy các máy bay chiến đấu của Nga và Belarus tham gia tập trận ở Belarus. Ảnh: AP |
Hãng tin AP cho biết, phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 17-2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Nga triển khai hơn 150.000 quân gần biên giới Ukraine, đồng thời nói rằng Mỹ và các đồng minh không thấy Moscow rút quân mà thay vào đó “đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine trong những ngày tới”.
Ông Blinken cáo buộc Nga tạo cớ để động binh. Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho hay, Nga thậm chí tăng thêm khoảng 7.000 quân và một vài đơn vị trong số này đã đến nơi tập kết vào ngày 16-2.
Nga tập trận phóng tên lửa hành trình
Theo Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, liên minh quân sự này đang theo dõi xem liệu Nga có thực sự rút quân như tuyên bố hay không. “Chưa thấy bất cứ dấu hiệu giảm căng thẳng nào trên thực địa. Ngược lại, Nga dường như đang tiếp tục tăng lực lượng ở gần biên giới Ukraine”, ông Stoltenberg nói.
Trong khi đó, theo TASS, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mô tả các cáo buộc phương Tây là vô căn cứ. Ông Peskov cho hay, Bộ Quốc phòng Nga đã có lịch trình rõ ràng cho việc rút quân từ khu vực gần biên giới Ukraine về căn cứ thường trực sau khi kết thúc các cuộc tập trận. Bộ Quốc phòng Nga ngày 18-2 thông báo bắt đầu rút thêm xe tăng và các xe bọc thép khác ra khỏi các khu vực gần biên giới Ukraine.
Trong những văn bản trả lời các đề xuất của Mỹ về an ninh châu Âu, Nga cũng khẳng định không có kế hoạch tấn công Ukraine và những cảnh báo của phương Tây chỉ nhằm gây sức ép, phớt lờ các đề xuất an ninh của Moscow. “Các lằn ranh đỏ, các lợi ích an ninh cốt lõi của chúng tôi về quyền chủ quyền của Nga nhằm bảo vệ những lợi ích đó vẫn đang bị phớt lờ”, văn bản của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.
Nga còn thông báo sẽ tổ chức cuộc tập trận theo kế hoạch của lực lượng răn đe chiến lược dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Vladimir Putin vào ngày 19-2, trong đó đáng chú ý là các vụ phóng tên lửa hành trình và đạn đạo.
Việc công nhận Lugansk và Donetsk vẫn để ngỏ
Cuộc khủng hoảng liên quan đến Ukraine thêm phức tạp khi phe ly khai thân Nga ở miền đông ngày 17-2 cáo buộc lực lượng chính phủ tấn công lãnh thổ của họ. Quân đội Ukraine bác bỏ cáo buộc này, đồng thời khẳng định chính phe ly khai mới đã nổ súng tấn công họ.
Khu vực Donbass, gồm Donetsk và Lugansk, trở thành điểm nóng giao tranh từ năm 2014 giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai. Lực lượng ly khai trong hai vùng này tự thành lập hai thiết chế chính trị tách biệt khỏi Kiev, gọi là Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa nhân dân Lugansk (LPR). Mới đây, Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) đã thông qua nghị quyết công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk, đồng thời trình Tổng thống Putin xem xét.
Nếu Nga chính thức công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk thì có thể phá vỡ thỏa thuận hòa bình Minsk. Thỏa thuận này được Bộ tứ Normandy (gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức) thống nhất tại thủ đô Minsk của Belarus năm 2015 nhằm khép lại cuộc xung đột ở đông Ukraine. Thỏa thuận vẫn chưa được thực hiện đầy đủ nên giao tranh vẫn diễn ra ở đông Ukraine suốt 7 năm qua.
Ukraine đang yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thảo luận về nỗ lực của Nga trong việc công nhận Donetsk và Lugansk. Rõ ràng, tình hình ở đông Ukraine đang có chiều hướng xấu đi trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây ngày càng leo thang. Trong lúc này, giới quan sát nói nhiều về những động thái khó dự đoán của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hãng thông tấn AFP dẫn lời chuyên gia Andrew Lohsen thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ nhận định: Việc công nhận Donetsk và Lugansk là hai quốc gia độc lập, có chủ quyền có thể mang lại những lợi ích chiến lược cho Nga nhưng cũng kéo theo những rủi ro lớn. Lợi ích chiến lược to lớn là biến những vùng lãnh thổ ở đông Ukraine thành các tiểu quốc gia gần như độc lập do Nga kiểm soát. Song, rủi ro đáng lưu ý là chắc chắn Kiev sẽ càng xích lại gần phương Tây hơn; đồng thời Nga khó đạt các mục tiêu như buộc NATO cam kết ngừng “đông tiến”, rút lại sự hiện diện quân sự của khối ở Trung và Đông Âu, không triển khai vũ khí ở những khu vực gần Nga…
THIÊN BÌNH