Ngân hàng trung ương Anh (BoE) ngày 24-3 đã kêu gọi các nhà chức trách trên thế giới tăng cường giám sát tiền điện tử để ngăn chặn lĩnh vực này trở thành một rủi ro đối với sự ổn định tài chính.
Đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Ủy ban Chính sách Tài chính (FPC) của BoE, được giao nhiệm vụ bảo vệ hệ thống tài chính, đã đưa ra kết luận này trong một báo cáo quan trọng về lĩnh vực đầy biến động này.
FPC cho biết cơ quan này sẽ tìm cách đảm bảo giảm thiểu những rủi ro đến từ các thị trường tiền điện tử bằng cách khuyến khích sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan quản lý trong nước và quốc tế.
FPC nêu trong báo cáo rằng việc tăng cường các khuôn khổ pháp lý và thực thi pháp luật cả trong nước và ở cấp độ toàn cầu là cần thiết để ứng phó với sự phát triển ở các thị trường tiền điện tử.
Những lo ngại về tác động của tiền điện tử đã xuất hiện khi lĩnh vực này chứng kiến sự phát triển và được chấp nhận nhanh chóng.
FPC nói thêm rằng rủi ro đối với sự ổn định tài chính sẽ tăng lên khi các loại tiền điện tử được kết nối nhiều hơn với các tổ chức tài chính và thị trường có hệ thống.
Giá trị của tiền điện tử đã tăng gấp 10 lần từ đầu năm 2020 đến tháng 11-2021 và chiếm 0,4% tài sản tài chính toàn cầu. Lĩnh vực tiền điện tử hiện có quy mô thị trường vào khoảng 1.700 tỷ USD.
Bất chấp sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực tiền điện tử, FPC tin rằng những rủi ro trực tiếp từ các tài sản tiền điện tử và DeFi (tài chính phi tập trung) đối với sự ổn định của hệ thống tài chính Vương quốc Anh hiện đang bị hạn chế.
FPC nói thêm những rủi ro có hệ thống do thị trường tiền điện tử gây ra tách biệt với những nguy hiểm mà các nhà đầu tư bán lẻ phải trải qua.
Cơ quan quản lý tài chính Anh (FCA), cơ quan giám sát thị trường nước này, cũng bày tỏ sự quan ngại về lĩnh vực tiền số trong lĩnh vực bán lẻ. Theo một cuộc thăm dò của chính phủ được thực hiện vào tháng 1-2022, 9% người sống ở Anh sở hữu tiền điện tử, con số này tăng gần gấp hai lần so với một năm trước.
Các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới đang chật vật với quy định về tiền kỹ thuật số trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde ngày 22-3 đã bày tỏ lo ngại rằng tiền điện tử có thể được sử dụng để "né” các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Bà cho biết lượng đồng ruble được chuyển đổi thành tài sản tiền điện tử ngày càng tăng khi các lệnh trừng phạt đối với Nga được thắt chặt.
Theo TTXVN