Châu Âu xoay xở ứng phó khủng hoảng trong khu vực

.

Ngày 24-3, các hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại thủ đô Brussels (Bỉ) với nội dung trọng tâm xoay quanh cuộc xung đột tại Ukraine.

..
Phần lớn dầu và khí đốt của châu Âu được nhập khẩu từ Nga. Ảnh: Bloomberg

EU dự thảo kế hoạch dự phòng nguồn cung khí đốt

Ngày 24-3, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết EU đang đánh giá các kịch bản, trong đó có việc ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga vào mùa đông tới. Đây là một phần trong kế hoạch dự phòng cho tình huống gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga.

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu, ông Dombrovskis nêu rõ EU đang đánh giá lại các kịch bản gián đoạn toàn bộ hoặc một phần nguồn cung khí đốt từ Nga vào mùa đông tới nhằm giúp các nước thành viên điều chỉnh các kế hoạch dự phòng nguồn cung khí đốt trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu và châu Âu nói riêng đang trải qua thời kỳ hỗn loạn.

Trước đó, ngày 23-3, EU đề xuất dự thảo luật yêu cầu kho chứa khí đốt tự nhiên phải được lấp đầy tối thiểu 80% trước khi mùa đông tới, trong khi giá năng lượng có khả năng tăng vọt do ảnh hưởng từ căng thẳng Nga và Ukraine. Một nhóm công tác đặc biệt sẽ được thành lập chịu trách nhiệm liên hệ chặt chẽ với các quốc gia và những nhân tố chính trong lĩnh vực này nhằm điều hành việc mua khí đốt và xác nhận việc lưu trữ, qua đó tăng cường sự phối hợp, giúp đa dạng hóa nguồn cung của EU. Để kế hoạch trên được thông qua, cần có sự nhất trí của Nghị viện châu Âu và được các nước thành viên EU đồng ý.

Mối quan ngại về an ninh năng lượng tại “lục địa già” tiếp tục gia tăng sau khi Nga phát đi thông báo nước này sẽ chỉ chấp thuận thanh toán bằng đồng ruble cho các hợp đồng chuyển khí đốt tới “những nước không thân thiện,” trong đó có tất cả các nước thành viên EU. Yêu cầu thực sự này tiếp tục tạo những khó khăn mới cho những người mua khí đốt Nga, vốn chủ yếu là khách hàng châu Âu. Châu Âu nhập khẩu khoảng 40% khí đốt từ Nga, chi trả các hóa đơn trị giá 200 - 800 triệu euro/ngày (880 triệu USD/ngày) bằng đồng euro và USD.

Nga - Ukraine thiết lập hành lang nhân đạo

Ngày 24-3, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết nước này đã đạt được thỏa thuận với Nga về việc thiết lập 7 hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường khỏi các thị trấn và thành phố của Ukraine.

Theo thỏa thuận, những dân thường Ukraine muốn sơ tán khỏi thành phố Mariupol có thể tìm kiếm phương tiện di chuyển tại thành phố Berdyansk ở gần đó. Song, Nga không cho phép tạo hành lang an toàn đến hoặc đi từ trung tâm thành phố cảng phía nam Mariupol. Hiện còn 100.000 thường dân vẫn ở lại thành phố.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thể hiện vai trò làm trung gian hòa giải xoa dịu căng thẳng giữa Nga và Ukraine, mang lại nền hòa bình cho khu vực. Ankara kêu gọi các bên xung đột tại Ukraine nỗ lực hơn nữa để thiết lập lệnh ngừng bắn, đồng thời cam kết tiếp tục các hoạt động “hòa giải và tạo thuận lợi” giữa hai bên.

Đáng chú ý, NATO có khả năng bác khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine theo đề xuất của Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tại hội nghị thượng đỉnh lần này. Tổng thư ký Jens Stoltenberg tuyên bố, NATO sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ về chính trị, tài chính, vật chất và nhân đạo cho Ukraine nhưng liên minh quân sự này “không phải một phần của cuộc xung đột” và sẽ không điều quân đến Ukraine. Bên cạnh đó, NATO cũng tiếp tục loại trừ khả năng thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine để tránh khủng hoảng leo thang.

THƯ LÊ - TTXVN

;
;
.
.
.
.
.