Kể từ khi Thế chiến thứ hai và Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, châu Âu vẫn không yên tĩnh mà ngày càng tích tụ nhiều nguy cơ có thể dẫn đến các cuộc xung đột vũ trang bất cứ lúc nào, đe dọa hòa bình, an ninh ở cả lục địa cũng như toàn cầu.
Nhìn lại những diễn biến đó, có mấy điểm đáng chú ý sau đây:
Một là, vấn đề sắc tộc, tôn giáo và vùng lãnh thổ. Với lịch sử tồn tại của mình, châu Âu còn chứa đựng khá nhiều mâu thuẫn, bất đồng về vấn đề sắc tộc - dân tộc và vùng lãnh thổ. Những cát cứ có từ thời Trung cổ, hay sự phân chia chủ quyền sau Thế chiến thứ hai, nhất là khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vẫn còn đó những bất đồng sâu sắc. Kể từ năm 1946 đến nay đã có tới 35 cuộc xung đột vũ trang dưới nhiều dạng khác nhau diễn ra ở châu lục này, điển hình như: nội chiến ở Bắc Ireland năm 1968; cuộc chiến tranh đẫm máu ở Kosovo năm 1999; Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược đảo Cyprus năm 1974; chiến tranh Nagorno-Karabakh năm 1994; chiến tranh giành độc lập Nam Ossetia năm 1992; chiến tranh Chechnya lần thứ hai năm 2009; nội chiến Georgia năm 1993…, cướp đi mạng sống của hàng triệu người, kinh tế nhiều nước chìm sâu trong trì trệ và khủng hoảng.
Về tôn giáo, sự xung đột giữa người Hồi giáo và Thiên chúa giáo ngày càng trở nên sâu sắc. Cùng với vấn đề nhân quyền, hay “quyền tự do ngôn luận” được châu Âu đưa lên hàng đầu đã kích hoạt sự hận thù dẫn đến các cuộc tấn công đẫm máu của những phần tử Hồi giáo cực đoan diễn ra tại Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Bỉ… trong những năm qua làm nhiều người thiệt mạng, cuộc sống của người dân trở nên bất an và đầy lo lắng.
Hai là, vấn đề người di cư. Do tác động các cuộc chiến tranh của Mỹ và các đồng minh phát động ở Afghanistan, Iraq, tiếp đó là Syria để chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), hay lực lượng khủng bố Al-Quaeda… đã đẩy hàng chục triệu người từ Trung Đông, Bắc Phi và Tây Á… tràn vào châu Âu lánh nạn, gây nên “làn sóng” di cư lớn chưa từng có kể từ sau Thế chiến thứ hai kết thúc. Vì thế, châu Âu phải đối mặt với hàng loạt thách thức vô cùng nghiêm trọng để giải quyết người di cư cả về vấn đề nhân đạo, tài chính và an ninh, mà đến nay vẫn còn là gánh nặng đối với nhiều quốc gia.
Ba là, những toan tính địa chính trị. Chiến tranh Lạnh kết thúc, bức tường Berlin sụp đổ, Liên Xô tan rã đã hình thành một cục diện mới ở châu Âu. Tổ chức Hiệp ước Warszawa (Khối Warsaw) giải tán, nhưng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - một đối trọng với Khối Wasawa vẫn còn đó và liên tục mở rộng về phía Đông, thu nhận các nước từng là thành viên của khối này nhằm hình thành một “thế lực” mới như để đối trọng với Nga, vốn là những nước kế thừa di sản đồ sộ của Liên Xô trước đây cả về chính trị, kinh tế và quân sự.
Nói một cách khác, chuyện Đông - Tây tuy không còn bức tường Berlin hữu hình ngăn cách đôi bên, nhưng sự giằng co, thậm chí đối đầu trên nhiều lĩnh vực, trọng tâm là quốc phòng - an ninh và kinh tế giữa NATO với Nga, hoặc giữa Nga với Liên minh châu Âu (EU) từ những năm 1990 đến nay vẫn chưa hề hạ nhiệt.
Những gì đang diễn ra về cuộc tấn công của Nga vào Ukraine chí ít cũng thể hiện bởi những toan tính địa chính trị giữa hai thế lực hùng mạnh là Nga và NATO. Mỗi bên đều có những lý lẽ của riêng mình về vấn đề quốc phòng - an ninh, nhưng suốt mấy thập niên qua không được hóa giải thỏa đáng thông qua sự hợp tác tại Hội đồng Nga - NATO, để rồi bùng phát thành cuộc xung đột vũ trang, càng cho thấy sự tích tụ những nguy cơ dẫn đến chiến tranh ở “lục địa già” ngày càng tăng cao và trở thành hiện hữu.
Bốn là, những tác động tiêu cực nhiều chiều. Châu Âu - nhất là EU lâu nay được xem là lục địa có nền kinh tế phát triển, có đời sống xã hội cao, có tầm ảnh hưởng rộng lớn trên phạm vi toàn cầu. Nhưng một khi lâm vào suy thoái kinh tế trầm trọng, hay vòng xoáy của chiến tranh, mà tâm điểm hiện nay là cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, đẩy châu Âu đứng trước những thách thức nghiêm trọng, hứng chịu nhiều tổn thất nặng nề về kinh tế - xã hội và ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Thậm chí, những diễn biến hiện nay, nếu các bên liên quan xử lý không thỏa đáng có thể bùng phát chiến tranh rộng lớn dẫn đến trật tự thế giới bị thay đổi.
Ở phương diện khác, theo đánh giá của hai nhà phân tích Brian Katulis và Peter Juul trong bài đăng trên The Liberal Patriot số ra ngày 25-2-2022, cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine đã làm châu Âu và thế giới phải đối mặt với các vấn đề: an ninh năng lượng bị đe dọa; nguồn cung lương thực có thể bị đứt gãy; chiến tranh mạng trên quy mô lớn; vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân bị thách thức; nguồn khoáng sản quan trọng bị cắt đứt; di cư toàn cầu và dòng người tị nạn gia tăng nhanh chóng; tăng chi tiêu quốc phòng ở nhiều quốc gia để đối phó với mối đe dọa an ninh; tài chính bị gián đoạn sẽ tác động xấu đến các nền kinh tế nhất là sự phục hồi sau đại dịch…
Thế chiến thứ hai kết thúc, châu Âu phải đứng dậy trong đống đổ nát, hoang tàn do bom đạn để lại. Nhưng do những bất đồng, mâu thuẫn, toan tính nội tại như: tôn giáo, sắc tộc, vùng lãnh thổ và sự tác động từ bên ngoài bởi toan tính địa chính trị giữa các cường quốc làm hố ngăn cách giữa các quốc gia châu Âu vẫn bị chia rẽ trên nhiều phương diện…, thậm chí đi đến các cuộc xung đột vũ trang đẫm máu.
Giờ đây, một khát vọng lớn nhất không chỉ của châu Âu mà cả cộng đồng quốc tế là cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine sớm chấm dứt, hòa bình được lặp lại, để quyền sống của con người được tôn vinh tột đỉnh.
TUYẾT MINH