Quốc tế

Covid-19 tới 6 giờ sáng 1-3: Thế giới xấp xỉ 6 triệu ca tử vong; Dự báo mới về đại dịch hậu Omicron

08:17, 01/03/2022 (GMT+7)

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.104.884 trường hợp mắc Covid-19 và 4.026 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu vượt 436 triệu ca, trong đó trên 5,97 triệu người không qua khỏi.

Nhân viên y tế chuẩn bị vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho người dân tại Dhaka, Bangladesh, ngày 26/2/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế chuẩn bị vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm cho người dân tại Dhaka, Bangladesh, ngày 26-2-2022. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 1-3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới 436.961.418 ca, trong đó có 5.972.657 người tử vong.

Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch Covid-19 đảo chiều. Dù vậy, sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh bắt đầu giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh “nóng nhất” nằm ở châu Âu-châu Á khi dịch tái bùng phát, số ca mắc mới vẫn cao ở nhiều nước thuộc châu lục này. Song ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 136.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với xấp xỉ 700 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 367 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 63 triệu ca và trên 75.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 28-2, thế giới có 92 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 68 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 28-2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 192.784 ca mắc mới Covid-19 và 473 ca tử vong.

Trong ngày 28-2, Việt Nam có số ca mắc mới (trên 80.000 ca) cao nhất khu vực va thứ hai châu Á, trong khi Indonesia ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (262 ca).

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 23/2/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 23-2-2022. Ảnh: THX/TTXVN

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì Covid-19 là Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam.

Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á tăng mạnh số ca mắc bệnh. Hiện đã có ít nhất 9 thành viên ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tuy vậy, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Điểm nóng này hạ nhiệt nhanh chóng trong vài tháng trước, song những ngày qua dịch bệnh đang leo thang trở lại khi số ca mắc mới tăng vọt. 

Cũng từ ngày 1-3, các quy định phòng chống dịch tại thủ đô Manila (Philippines) và 38 tỉnh khác sẽ chuyển sang mức cảnh báo số 1, mức thấp nhất trong thang 5 mức, cho phép thêm các hoạt động kinh tế bình thường trở lại.

Việc hạ thấp mức cảnh báo dịch Covid-19 được đưa ra 2 tuần sau khi Philippines cho phép du khách đã tiêm đủ liều vắc-xin từ 157 nước và khu vực có thỏa thuận miễn thị thực với nước này nhập cảnh, sau gần 2 năm áp đặt lệnh cấm nhập cảnh do dịch. Theo các hướng dẫn được cập nhật, những du khách đã được tiêm vắc-xin đủ liều có thể đến các khu vực có cảnh báo cấp 1. Số ca mắc mới tại Philippines xuống mức dưới 2.000 ca kể từ ngày 19-2, trong bối cảnh làn sóng dịch do biến thể Omicron đã lên mức đỉnh hồi giữa tháng 1 và đã giảm sau đó.

Philippines đã ghi nhận 4 làn sóng Covid-19 kể từ khi dịch bắt đầu tháng 1-2020. Bộ Y tế Philippines ngày 28-2 ghi nhận 951 ca mắc mới Covid-19, mức thấp nhất kể từ ngày 29-12-2021, theo đó, tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á này tăng lên 3.661.997.    

Ngày 28-2, số ca mắc Covid-19 mới tại Brunei lần đầu tiên vượt 4.000 ca/ngày (4.095 ca). Trước khi tăng lên con số kỷ lục này, số ca mắc mới tại Brunei trong 6 ngày trước đó liên tục vượt 3.000 ca/ngày.

Trong khi đó, giới chức y tế Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cho biết không loại trừ khả năng áp dụng phong tỏa toàn thành phố trong tháng 3 tới khi tiến hành chiến dịch xét nghiệm toàn diện bắt buộc sàng lọc Covid-19. Trước đó, Trưởng Đặc khu, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết chính quyền chưa xem xét áp đặt phong tỏa.

Tuy nhiên, phát biểu với phóng viên ngày 28-2, bà Sophia Chan, người đứng đầu cơ quan y tế Hong Kong, cho biết từ góc độ y tế cộng đồng, để việc xét nghiệm toàn diện đạt được hiệu quả tốt nhất thì nhà chức trách cần áp đặt hạn chế hoạt động đi lại ở mức độ nào đó. Để giảm đi lại, người dân cần ở trong nhà và tránh ra ngoài khi không thực sự cần thiết.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Hong Kong đang chật vật khống chế làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng nhất từ trước tới nay do biến thể Omicron lây lan nhanh. Theo kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc (CCTV), ngày 28-2 Hong Kong có thể ghi nhận kỷ lục 34.446 ca mắc mới. 

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay Hong Kong ghi nhận hơn 600 ca tử vong. Số ca tử vong đang tăng mạnh với 83 ca ghi nhận ngày 27-2, hơn 300 ca tử vong đã được ghi nhận trong tuần qua, chủ yếu là những người chưa tiêm phòng.

Giới chức Hong Kong cho biết 91% các ca tử vong ghi nhận trong làn sóng dịch lần này là người chưa tiêm phòng đầy dủ. Dù thời gian gần đây chiến dịch tiêm phòng đang được tăng tốc nhưng hiện tỷ lệ người già chưa được tiêm phòng còn khá cao.

Nhiều người do dự đi tiêm vì sợ tác dụng phụ của vắc-xin và chủ quan tin vào kết quả phòng dịch năm 2021. Các chuyên gia y tế dự báo số người tử vong vì Covid-19 tại Hong Kong có thể lên đến 3.200 người vào giữa tháng 5 tới.

Chính quyền Hong Kong vẫn theo đuổi chính sách “zero Covid”, theo đó áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để đưa số ca mắc trong cộng đồng về 0. Đến nay, Hong Kong đã ghi nhận tổng cộng hơn 171.000 ca mắc, trong đó có khoảng 160.000 ca ghi nhận từ đầu tháng 2 này trong làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra.

Hiện tỷ lệ tử vong trong 7 ngày tại Hong Kong là 8/1 triệu dân. Phần lớn người tử vong là người già, trong bối cảnh virus đang tấn công mạnh các trại dưỡng lão ở thành phố dân cư đông đúc này. Trong ngày 28-2, lực lượng phòng chống dịch Covid-19 từ Trung Quốc đại lục đã tới Hong Kong hỗ trợ khu hành chính đặc biệt này ứng phó với dịch Covid-19.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Tokyo, Nhật Bản ngày 1/2/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 vào bệnh viện ở Tokyo, Nhật Bản ngày 1-2-2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tiếp xu hướng giảm nhưng tốc độ giảm khá chậm, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc gia hạn các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở 10 tỉnh thành, trong đó có thủ đô Tokyo. Theo dự kiến, Thủ tướng  Kishida Fumio sẽ trao đổi với thống đốc các tỉnh, thành đó để tìm hiểu về tình hình dịch bệnh và tham vấn với các chuyên gia y tế trước khi đưa ra quyết định gia hạn các biện pháp phòng dịch trọng điểm thêm khoảng 2 tuần trước thời điểm các biện pháp này hết hạn vào ngày 6-3 tới.

Trước đó, Thủ tướng Kishida đã nói rằng Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch trọng điểm trước thời hạn nếu số ca lây nhiễm biến thể Omicron tiếp tục giảm.

Nhìn chung, tình dịch bệnh tại hầu hết các nước trên thế giới đều đang theo chiều hướng tích cực khi số ca nhiễm mới không ngừng giảm mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số nước, đặc biệt khu vực châu Á đang chứng kiến số ca nhiễm mới gia tăng do sự lây lan của biến thể Omicron.

Tại những nước có tình hình dịch bệnh thuyên giảm như Mỹ, bang New York quyết định chấm dứt quy định đeo khẩu trang tại các trường học và cơ sở chăm sóc trẻ em từ ngày 2-3. Các quy định mới được đưa ra sau khi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 25-2 đã nới lỏng hướng dẫn về việc đeo khẩu trang trong nhà trên hầu hết cả nước.

Hướng dẫn mới nhất cơ quan này liên quan đến môi trường học đường khuyến nghị chỉ nên đeo khẩu trang ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao, thay vì sử dụng biện pháp phòng dịch này ở mọi nơi.

Thị trưởng New York Eric Adams ngày 27-2 cho biết thành phố sẽ dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang học đường vào ngày 7-3 nếu không có "đột biến" trong các ca Covid-19 từ nay đến ngày 4-3.

Tại châu Đại dương, New Zealand bắt đầu dỡ bỏ quy định cách ly bắt buộc tại các khách sạn đối với công dân trở về từ nước ngoài. Đây là lần đầu tiên sau gần 2 năm, người New Zeland từ nước ngoài về nước mà không cần phải cách ly bắt buộc tại các khách sạn, vừa tốn kém vừa thiếu chỗ.

Theo kế hoạch ban đầu, người trở về vẫn phải tự cách ly, tuy nhiên, trong phát biểu mới bà Adern cho biết sẽ không có yêu cầu này. Bên cạnh đó, Thủ tướng New Zealand cũng thông báo sẽ đẩy nhanh quá trình mở trở lại biên giới với mọi du khách, nhưng chưa công bố thời gian cụ thể. Bà Adern cho biết hiện nay biến thể Omicron đã lan rộng trong cộng đồng nên việc hạn chế tại biện giới không còn phát huy nhiều tác dụng như trước, do đó việc dỡ bỏ hạn chế sẽ được đẩy nhanh.

Trong khi đó, nước láng giềng Australia ngày 28-2 ghi nhận hơn 15.000 ca mắc mới Covid-19 và 12 ca tử vong. Trong tuần qua, mỗi ngày Australia ghi nhận trung bình 23.082 ca mắc mới. Hiện nước này có 1.995 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, trong đó có 137 người trong khu điều trị đặc biệt.

Trong đó, bang Tây Australia (WA) ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay trong bối cảnh bang này chuẩn bị mở cửa trở lại. WA ghi nhận 1.136 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ 4 liên tiếp số ca mắc mới vượt mức 1.000 ca/ngày. Hiện bang này ghi nhận tổng cộng 5.540 ca mắc. WA vẫn duy trì một số biện pháp ngăn chặn đi lại với các bang khác và mới chỉ bắt đầu nới lỏng các hạn chế ở ranh giới với các bang từ tuần trước.

Theo kế hoạch, bang này sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 3-3. Ngoài ra, vùng Nothern Territory của Australia chuẩn bị dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc trong vài ngày tới, giống như các bang khác như New South Wales, Victoria và Vùng Thủ đô (Australia Capital Territory).

Được xác định lần đầu tiên vào tháng 11-2021, biến thể Omicron nhanh chóng khiến số ca mắc trên toàn cầu  tăng thêm 3 triệu ca/ngày, với khoảng 1/5 số ca ghi nhận ở Mỹ. Tuần qua, các thành phố như New York, Boston, Washington ở Mỹ đều đã ghi nhận dịch bệnh có chiều hướng giảm, sau những diễn biến lắng dịu tại Anh và Nam Phi.

Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ tập hợp các dự báo cho thấy làn sóng dịch tại Mỹ sẽ lên đỉnh trong 2 tuần tới, với số ca mắc mới lên tới 800.000 ca/ngày trước khi giảm mạnh và số ca tử vong cũng lên mức 3.000 ca/ngày vào tháng 2, gần gấp đôi mức hiện nay.

Có thể nói, trong 3 tháng Omicron đã định nghĩa lại đáng kể về một làn sóng dịch bệnh nguy hiểm kể cả khi đã có sẵn các loại vắc-xin. Tình hình này càng làm dấy lên những hoài nghi về điều gì sẽ xảy ra sau Omicron.

Người dân tại quảng trường Piazza del Popolo ở Rome, Italy, ngày 11/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân tại quảng trường Piazza del Popolo ở Rome, Italy, ngày 11-2-2022. Ảnh: THX/TTXVN

Có khả năng Omicron sẽ chỉ là một biến thể mới giống như những biến thể khác gây ra các làn sóng dịch bệnh trong một đại dịch có thể còn kéo dài. Dù vậy, đến nay, hầu hết các nhà khoa học nhất trí rằng sự xuất hiện của Omicron là một bước ngoặt trong tiến trình đại dịch xảy ra.

Theo nhà miễn dịch học Shane Crotty, từ viện miễn dịch La Jolla, biến thể này có tới 50 đột biến, với khả năng lây lan rất nhanh và linh hoạt hơn rất nhiều so với những gì từng được biết. Đó là điều đáng lo ngại và khiến giới khoa học phải cảnh giác hơn trước khả năng biến đổi tiếp theo của virus này. Omicron có tới 32 đột biến trên gai protein dùng để xâm nhập vào tế bào vật chủ, gấp 3 lần so với các biến thể trước đó.

Thực tế rằng một virus có thể thay đổi tới mức này và tiếp tục có khả năng lây nhiễm vượt trội chính là điều khiến giới khoa học lo ngại và mở rộng nghiên cứu. Theo chuyên gia Scotty, việc Omicron có nhiều đột biến một cách bất thường và đột biến dẫn tới khả năng hoạt động rất hiệu quả là điều khiến giới khoa học lo ngại rằng trong tương lai virus sẽ tiếp tục biến đổi khó lường.

Theo Báo Tin tức

.