Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 937.390 trường hợp mắc Covid-19 và 2.173 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu vượt 470 triệu ca, trong đó trên 6 triệu người không qua khỏi.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, ngày 19-3-2022. Ảnh: THX/ TTXVN |
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 21-3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới 470.579.965 ca, trong đó có 6.099.742 người tử vong.
Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi Covid-19 như một loại bệnh đặc hữu.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 406 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 57 triệu ca và trên 62.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 20-3, thế giới có 68 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới.
Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 334.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 430 ca. Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng vọt, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 20-3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng số ca bệnh trên 24 triệu trường hợp và 395.012 ca tử vong. Trong ngày 20-3, Việt Nam có số ca mắc mới (trên 150.000 ca) cao nhất khu vực ASEAN, trong khi Indonesia cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (218 ca).
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì Covid-19 là Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á tăng mạnh số ca mắc bệnh. Tất cả các nước thành viên ASEAN đều ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tuy vậy, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao.
Về phần mình, Malaysia cũng chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại biên giới an toàn từ ngày 1-4 tới bằng việc khuyến nghị du khách trước khi nhập cảnh cần thực hiện 3 quy định tránh cảnh ùn tắc tại các cửa khẩu quốc tế.
Thứ nhất, du khách nhập cảnh phải tải ứng dụng MySejahtera xuống điện thoại di động; Thứ hai, tải kết quả xét nghiệm RT-PCR trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành và điền vào các tờ khai trước khi nhập cảnh. Sau khi hoàn thiện những tờ khai này, du khách sẽ nhận được “Thẻ du lịch” trên ứng dụng MySejahtera và có thể lên máy bay.
Theo Bộ trưởng Khairy, với 2 biện pháp bắt buộc như trên, du khách sẽ làm tiết kiệm thời gian làm thủ tục nhập cảnh từ 30-45 phút so với 60 phút so với trước đây.
Tại Jakarta, một cuộc khảo sát huyết thanh được thực hiện từ tháng 11 đến tháng 12-2021 cho thấy 86,6% người Indonesia trên 1 tuổi có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Cuộc khảo sát trên do Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Indonesia (FKM UI), phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Viện nghiên cứu sinh học phân tử Eijkman và Phòng xét nghiệm Prodia tiến hành. Cuộc khảo sát đã phân tích 9.541 mẫu huyết thanh tại 514 phường thuộc các khu vực đô thị lớn của Indonesia, cũng như 10.960 mẫu huyết thanh tại 580 làng nông thôn.
Số liệu thống kê của chính phủ Indonesia cho thấy tính đến ngày 18-3, 194,4 triệu người ở nước này đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19, trong đó 153,5 triệu người được tiêm hai liều và 16 triệu người được tiêm ba liều. đã phát động chương trình tiêm chủng toàn quốc ngừa Covid-19 vào tháng 1-2021 với mục tiêu cung cấp vaccine cho 208,2 triệu người trong tổng số hơn 270 triệu dân.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 tới bệnh viện tại Coral Gables, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện ghi nhận hơn 169,9 triệu ca mắc và hơn 1,7 triệu ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với hơn 132,2 triệu ca mắc và hơn 1,3 triệu ca tử vong. Các con số tương tự của khu vực Bắc Mỹ là hơn 96 triệu ca mắc, trong đó có 1,4 triệu ca tử vong, và ở Nam Mỹ là hơn 55,6 triệu ca và hơn 1,2 triệu ca.
Với hơn 81 triệu ca mắc và 997.845 ca tử vong, Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới vì dịch Covid-19. Nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết tỷ lệ người trưởng thành gốc Phi tại nước này nhập viện do dại dịch Covid-19 cao gấp gần 4 lần so với người da trắng trong thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 hồi mùa Đông vừa qua.
Theo CDC, tỷ lệ nhập viện của người gốc Phi là tỷ lệ cao nhất trong số bất kỳ nhóm chủng tộc và sắc tộc nào trong thời kỳ đại dịch Covid-19. CDC cũng lưu ý trong nghiên cứu của mình việc loại bỏ các rào cản đối với việc tiếp cận tiêm chủng ở những người có tỷ lệ nhập viện cao hơn do Covid-19, bao gồm cả người gốc Phi như một ưu tiên y tế công cộng cấp bách.
Ấn Độ đứng thứ hai thế giới về số ca nhiễm, với hơn 43 triệu ca, gần bằng một nửa của Mỹ. Trong khi đó, Brazil đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong, với 657.157 ca, nhiều hơn Ấn Độ hơn 100.000 ca.
"Deltacron" và "Omicron tàng hình" là 2 biến thể phụ mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đang nổi lên và gây nhiều lo ngại. Tờ Independent (Anh) cho biết con số toàn cầu về số ca nhiễm Deltacron vẫn chưa được làm rõ. Bước đầu mới xác định khoảng 30 ca tại Anh, khoảng 20 ca tại Mỹ, một số ca tại Pháp (nơi lần đầu phát hiện biến thể phụ này) cũng như tại Hà Lan và Đan Mạch. Với Omicron tàng hình, con số rõ ràng hơn.
Tại Anh, biến thể phụ này chiếm tới 57% trong 27.000 ca mới ghi nhận ở tuần cuối của tháng 2. Tại Mỹ, Omicron tàng hình chiếm khoảng 23,1% tổng số ca. Làn sóng dịch tại Trung Quốc đại lục, Hong Kong (Trung Quốc) và Hàn Quốc được cho là do cả Omicron lẫn Omicron tàng hình. Những hy vọng rằng đại dịch Covid-19 đang đến hồi kết đã bị dội một gáo nước lạnh với những thống kê mới nhất.
Số ca mắc mới tại Anh tiếp tục tăng. Trung Quốc đại lục phải chứng kiến làn sóng dịch mới nghiêm trọng. Hàn Quốc ghi nhận số ca mới cao kỷ lục. Châu Phi có số ca mới tăng tới 14%. Những biến thể phụ mới xuất hiện như Omicron tàng hình bị cho là yếu tố thúc đẩy tình trạng trên.
Ngày 20-3, Trung Quốc đã phong tỏa thêm một thành phố 4,5 triệu dân do dịch lây lan. Cụ thể, lệnh ở trong nhà đã được ban bố đối với hàng triệu người dân ở thành phố Cát Lâm (Đông Bắc nước này) trong nỗ lực ứng phó với đợt bùng phát dịch Covid-19 lớn nhất trong 2 năm qua.
Quyết định trên sẽ có hiệu lực trong 3 ngày từ đêm 20-3. Trong ngày 20-3, hơn 4.000 ca mắc mới đã ược ghi nhận trên cả nước, trong đó 2/3 là ở tỉnh Cát Lâm, giáp ranh với Nga và Triều Tiên. Thủ phủ tỉnh này, thành phố Trường Xuân ngày 19-3 cũng đã thông báo siết chặt các biện pháp hạn chế trong 3 ngày.
Từ 11-3, 9 triệu dân của Trường Xuân chỉ được phép ra ngoài 2 ngày/lần để mua lương thực. Các biện pháp mới chỉ cho phép nhân viên y tế và nhân viên phòng dịch rời khỏi nhà.
Ngày 20-3, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết đã có những tiến bộ tích cực trong việc phát triển các vaccine đơn trị và đa trị chống lại biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Những nghiên cứu tiền lâm sàng với một số loại vaccine trên đã hoàn tất và đang trong tiến trình đăng ký để thử nghiệm lâm sàng.
Theo NHC, nghiên cứu cho thấy biến thể Omicron không hoàn toàn né tránh được các vaccine hiện nay. Vaccine vẫn hiệu quả trong giảm nguy cơ nhập viện, bệnh trở nặng hay tử vong do biến thể Omicron gây ra. Mũi tiêm tăng cường cũng hiệu quả trong việc giảm nguy cơ lây nhiễm đột phá bởi biến thể Omicron.
Tuy nhiên, hòa vào xu thế sống chung an toàn với đại dịch, Algeria và Tanzania đã nới lỏng các điều kiện nhập cảnh kể từ ngày 20/3. Cụ thể, hành khách chỉ cần xuất trình thẻ chứng nhận tiêm vaccine phòng Covid-19 (tiêm đủ 2 liều) chưa quá 9 tháng là có thể nhập cảnh Algeria.
Yêu cầu xét nghiệm tại sân bay cũng được bãi bỏ. Đây được xem là điều kiện thuận lợi nhất kể từ khi nước này áp dụng các biện pháp ngăn chặn đại dịch kể từ tháng 3-2020 đến nay. Theo tuyên bố của Thủ tướng Aïmene Benabderrahmane, các biện pháp nới lỏng này được áp dụng cho cả đường hàng không, đường bộ và đường biển trên toàn lãnh thổ Algeria. Tuy nhiên, nếu hành khách chưa tiêm vaccine phải cung cấp xét nghiệm RT-PCR âm tính không quá 72 giờ trước khi khởi hành.
Tương tự, giới chức Y tế Tanzania cũng đã công bố hướng dẫn đi lại mới, trong đó hành khách đã tiêm vaccine đầy đủ, trong đó có cả người Tanzania, sẽ được miễn xét nghiệm Covid-19 khi nhập cảnh. Hành khách sẽ chỉ phải trình chứng nhận tiêm phòng có mã QR xác nhận khi đến nhập cảnh.
Hướng dẫn mới có hiệu lực từ ngày 17-3, áp dụng với hành khách đã được tiêm những loại vaccine mà Chính phủ Tanzania và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép. Những người chưa tiêm đủ hoặc không đủ điều kiện tiêm phòng phải có chứng nhận xét nghiệm PCR hoặc acid nucelic âm tính có mã QR xác nhận trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.
Nhóm này nếu không có kết quả xét nghiệm thì khi nhập cảnh sẽ phải thực hiện xét nghiệm PCR tự trả phí (100 USD) và tự cách ly đợi kết quả. Hành khách trung chuyển qua Tanzania không phải đáp ứng những điều kiện này trừ khi có yêu cầu đặc biệt.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, Giám đốc Quỹ Dân số của Liên hợp quốc (UNFPA) tại Mỹ Latinh và Caribe Harold Robinson mới đây nhận định đại dịch Covid-19 đã kéo lùi các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục trong khu vực này trở lại 30 năm trước.
Ông Robinson lí giải tình trạng này là do nhiều quốc gia đã hạn chế các dịch vụ nói trên trong thời đại dịch, trong khi các tổ chức hoạt động vì quyền của phụ nữ buộc phải chuyển nguồn lực sang các lĩnh vực y tế khác. Điều này đã tác động “rất nghiêm trọng” đến các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục, góp phần làm gia tăng các trường hợp mang thai ngoài ý muốn, trong đó có hàng nghìn người mẹ chưa đến tuổi trưởng thành.
Theo số liệu của UNFPA, năm ngoái, gần 12 triệu phụ nữ tại 115 quốc gia không được tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, gây ra 1,4 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn. Theo ông Robinson, đại dịch Covid-19 đã khoét sâu bất bình đẳng ở Mỹ Latinh, vốn nằm trong số những khu vực có khoảng cách chênh lệch lớn nhất trên thế giới. Trong thời gian xảy ra đại dịch, nạn nhân lớn nhất của bất bình đẳng chính là những nhóm dễ tổn thương nhất, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái.
Theo Báo Tin tức