Covid-19 tới 6h sáng 12-3: Trung Quốc phong tỏa thành phố 9 triệu dân; Ca tử vong ở Hàn Quốc cao kỷ lục

.

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,6 triệu ca mắc Covid-19 và trên 5.100 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 454,7 triệu ca, trong đó trên 6,05 triệu ca tử vong.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức ngày 28/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Berlin, Đức ngày 28-1-2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (282.987 ca), Đức (245.342 ca) và Anh (72.828 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (777 ca), Nga (674 ca) và Brazil (409 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 81,1 triệu ca mắc Covid-19 và trên 992.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 42,9 triệu ca mắc và trên 515.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 29,3 triệu ca mắc và trên 654.000 ca tử vong.

Nhân viên làm việc tại phòng thí nghiệm nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 tại trường đại học Oxford, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên làm việc tại phòng thí nghiệm nghiên cứu vắc-xin ngừa Covid-19 tại trường đại học Oxford, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh biến thể Omicron vẫn lan mạnh, các nhà khoa học đã phát hiện ra một biến thể lai giữa Delta và Omicron tại Anh và giới chuyên gia cảnh báo không nên xem nhẹ biến thể này. Biến thể lai được gọi là "Deltacron", được cho là có nguồn gốc từ Pháp.

Tuy nhiên, giới khoa học chưa rõ mức độ nghiêm trọng của biến thể lai này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết sẽ theo dõi và thảo luận sau khi nghiên cứu kỹ về biến thể này. Hiện chưa có dữ liệu rõ ràng chứng tỏ Deltacron lây lan mạnh hơn các biến thể trước đó.

Các chuyên gia kêu gọi cần thận trọng theo dõi biến thể lai này, cảnh báo nguy cơ biến thể lai này làm giảm miễn dịch ở người cao tuổi. Tiến sĩ Stephen Griffin, nhà nghiên cứu về virus tại Đại học Leeds, cho biết Deltacron có vẻ chưa trở thành biến thể phổ biến, nhưng có thể đây chỉ là sự khởi đầu rất chậm với ít ca mắc, trước khi biến thể này đủ mạnh để nhân rộng.

Trung Quốc phong toả thành phố 9 triệu dân

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm (Đông Bắc Trung Quốc) đã ban bố lệnh phong toả từ ngày 11-3 trong nỗ lực kiềm chế ổ dịch Covid-19 mới bùng phát trong bối cảnh tổng số ca nhiễm theo ngày trên cả nước lên mức cao nhất trong vòng 2 năm qua.

Theo quy định mới, một người chỉ được phép ra khỏi nhà 2 ngày-lần để mua nhu yếu phẩm. Chính quyền thành phố cũng cho biết sẽ tiến hành xét nghiệm đại trà.

Do biến thể Omicron lây nhanh, số ca mắc Covid-19 theo ngày ở Trung Quốc trong tuần qua đã vượt mức 1.000 ca, lần đầu tiên kể từ khi bùng phát dịch năm 2020, đặc biệt đáng chú ý nếu so với mức chưa đến 100 ca-ngày của trước đó 3 tuần. Theo số liệu cập nhật chính thức đầu ngày 11-3, trong vòng 24 giờ Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 1.369 ca mắc tại hơn một chục tỉnh trên cả nước.

Cũng trong ngày 11-3, thành phố Thượng Hải đã yêu cầu đóng cửa trường học và chuyển sang chế độ học tập từ xa.

Số ca tử vong tại Hàn Quốc tăng cao kỷ lục

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. THX/TTXVN
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Seoul, Hàn Quốc. THX/TTXVN

Tại Hàn Quốc, sau hai ngày số ca mắc mới vượt mốc 300.000 ca, ngày 11-3, Hàn Quốc đã ghi nhận 282.987 ca lây nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua. Tuy số ca mắc giảm, song số ca tử vong tăng ở mức cao kỷ lục với 229 ca.

Phát biểu tại cuộc họp với nhóm chuyên trách ứng phó với đại dịch Covid-19, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum nhận định trong thời gian này, ưu tiên hàng đầu của chính phủ là giảm số ca bệnh nặng và tử vong. Để đạt được mục tiêu nói trên, Hàn Quốc cần đảm bảo có đủ giường bệnh và sử dụng hiệu quả nhất số giường bệnh này.

Theo Thủ tướng Kim Boo-kyum, Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch rà soát lại hệ thống điều trị bệnh nhân Covid-19 hiện có nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả nhất các nguồn lực y tế vốn đang khan hiếm. Nhiều khả năng, từ tuần tới, các bệnh nhân Covid-19 với triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại các bệnh viện đa khoa. Ông cũng cho biết thêm các cơ quan y tế sẽ chính thức công nhận kết quả test nhanh Covid-19.

Lào đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 thứ ba

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Viêng Chăn, Lào, ngày 21/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho trẻ em tại Viêng Chăn, Lào, ngày 21-2-2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ủy ban Quốc gia Lào về phòng chống Covid-19 ngày 11-3 cho biết nước này đang phải đối mặt với làn sóng bùng phát dịch thứ 3 trong bối cảnh biến thể Omicron lan rộng.

Theo ủy ban trên, mặc dù số ca mắc Covid-19 tại Lào trong thời gian qua ở mức khá thấp, đôi khi dưới 200 ca-ngày, tuy nhiên sự gia tăng số các ca nhiễm biến chủng Omicron, đặc biệt là tại thủ đô Viêng Chăn, có thể khiến Lào phải đối mặt với làn sóng bùng phát dịch mới.

Giới chức y tế Lào cho biết quá trình lấy mẫu ngẫu nhiên ở thủ đô Viêng Chăn cho thấy, có tới 9-10 bệnh nhân được xác định là nhiễm biến thể Omicron.

Theo Ủy ban Quốc gia Lào về phòng chống Covid-19, mặc dù số ca tử vong do biến thể Omicron thường ít hơn so với biến thể khác, nhưng chủng Omicron vẫn nguy hiểm đối với những người trên 60 tuổi hoặc những người có bệnh lý nền.

Giới chức y tế Lào cho rằng do sự phát triển của dịch vụ xét nghiệm và chăm sóc tại nhà, số ca bệnh thông báo chính thức hàng ngày của Lào có thể không phản ánh đúng thực tế do nhiều người dân không thông báo với chính quyền khi bị dương tính mà thường tự chữa trị ở nhà.

Liên quan tới tình hình Covid-19 tại Lào, Bộ Y tế nước này cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 413 ca mắc mới Covid-19 và 3 ca tử vong. Tính tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 145.507 ca mắc Covid-19, trong đó có 640 ca tử vong.

Thái Lan đẩy mạnh tiêm chủng cho người cao tuổi trước Tết Songkran

Người dân đợi tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân đợi tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan sẽ triển khai một chiến dịch tiêm chủng cho người cao tuổi vào cuối tháng 3 này để ngăn chặn sự gia tăng số ca mắc Covid-19 trong dịp Tết cổ truyền Songkran vào giữa tháng 4 tới.

Trợ lý phát ngôn viên Trung tâm Xử lý tình hình Covid-19 (CCSA) Sumanee Wacharasin chiều 10-3 cho biết các nhà chức trách sẽ huy động các nguồn lực để khuyến khích những người trên 60 tuổi tiêm liều vắc-xin tăng cường để duy trì khả năng miễn dịch cao trước kỳ nghỉ Songkran, còn gọi là Lễ hội té nước.

Bà Sumanee cho biết thêm chiến dịch nói trên sẽ diễn ra từ 21-31-3, với mục tiêu là khoảng 70% người cao tuổi được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Ủy ban về bệnh truyền nhiễm ở tất cả các tỉnh phải xây dựng kế hoạch chủ động để kiểm tra những người chưa được tiêm mũi nhắc lại và yêu cầu người dân nhanh chóng tiêm phòng.

Số liệu của Bộ Y tế Thái Lan cho thấy nước này có 12 triệu người cao tuổi và chỉ 4 triệu người trong số đó, tương đương 31%, được tiêm liều vắc-xin thứ 3 tính đến ngày 9-3. Chiến dịch tiêm chủng cho người cao tuổi trên toàn quốc nhằm ngăn chặn việc có thêm nhiều ca tử vong liên quan đến Covid-19 ở người cao tuổi, vì các thành viên trong gia đình sẽ về nhà đoàn tụ trong dịp Songkran.

Người dân tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

 Hiện người cao tuổi chiếm phần lớn các trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19 tại Thái Lan, trong khi bệnh nhân không qua khỏi tại nước này đã tăng lên mức cao mới kể từ khi làn sóng lây nhiễm Omicron bùng phát trong năm nay. Ngày 10-3, Thái Lan ghi nhận 74 ca tử vong do Covid-19, mức cao kỷ lục kể từ đầu năm nay, trong đó 73% từ 60 tuổi trở lên.

Về tình hình Covid-19 ở Thái Lan, nước này sáng 11-3 ghi nhận thêm 24.792 ca nhiễm mới cùng 63 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ khi dịch bùng phát vào đầu năm 2020 tới nay lên 3.136.649 ca, trong đó có 23.575 người không qua khỏi.

Trước đó, ngày 9-3, giới chức y tế Thái Lan đã thông qua kế hoạch 4 bước chuyển sang giai đoạn coi Covid-19 là bệnh đặc hữu từ ngày 1-7. Giới chức Thái Lan nhấn mạnh rằng để đạt đến giai đoạn xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, tỷ lệ tử vong vì bệnh này không được vượt quá 0,1%. Hiện tại, tỷ lệ này là gần 0,2%.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ sửa đổi cách ghi nhận các trường hợp tử vong do Covid-19 sau khi phát hiện có tới 30% số bệnh nhân Covid-19 tử vong do các bệnh nền nghiêm trọng như ung thư. Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul cho biết Bộ sẽ tiến hành sửa đổi để xác định chính xác hơn nguyên nhân tử vong liên quan đến Covid-19.

Số ca mắc mới Covid-19 tại Pháp tăng trở lại

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ quan Y tế quốc gia Pháp ngày 11-3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 72.339 ca mắc mới Covid-19 trong 24h qua, tăng mạnh so với con số những ngày trước đó.

Tuy nhiên, số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt trong 24h qua giảm so với con số của Thứ Năm tuần trước, trong khi tổng số bệnh nhân đang phải nằm trong các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) đã giảm từ 2.231 xuống còn 1.928 trong thời gian này. Số bệnh nhân phải nhập viện cũng giảm từ 23.175 xuống còn 21.287 kể từ Thứ Năm tuần trước.

Cùng ngày, Viện Pasteur đã công bố đánh giá về tình hình Covid-19 tại khu vực đô thị Pháp, theo đó dự báo tỉ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi Pháp dỡ bỏ các hạn chế y tế phòng dịch vào ngày 14-3 sắp tới có thể tăng từ 50% đến 130% so với những tháng trước đó trong năm nay. Viện Pasteur nhận định số ca mắc mới hàng ngày có thể vượt qua 100.000 ca trong tháng Ba.

Trước đó, Chính phủ Pháp thông báo đến ngày 14-3, Pháp sẽ không bắt buộc phải đeo khẩu trang tại các khu vực trong nhà, ngoại trừ trên các phương tiện công cộng và các cơ sở y tế. Người dân cũng không cần phải trình chứng nhận đã tiêm vắc-xin tại hầu hết các địa điểm công cộng trong nhà, ngoại trừ bệnh viện, nhà dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc.

Mỹ: Đeo khẩu trang giúp giảm 72% số ca mắc tại trường học

Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại trường học ở Miami, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại trường học ở Miami, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nghiên cứu do Viện Y tế Quốc gia của Mỹ (NIH) tài trợ, những trường học bắt buộc đeo khẩu trang trong làn sóng dịch bệnh do biến thể Delta có số ca lây nhiễm tại trường ít hơn 72% so với những trường áp dụng chủ trương đeo khẩu trang trong một số trường hợp nhất định hoặc trên cơ sở tự nguyện. Nghiên cứu đã được đăng trên chuyên trang y khoa news-medical.net.

Nghiên cứu có sự tham gia của hơn 1,1 triệu học sinh và hơn 157.000 nhân viên giáo dục trực tiếp đến trường tại các trường ở 9 bang. Nghiên cứu được thực hiện trong thời gian Delta còn là biến thể chủ đạo và không thu thập dữ liệu tại các trường yêu cầu đeo khẩu trang để ngăn sự lây lan của biến thể Omicron.

Các tác giả cũng nhấn mạnh rằng việc đeo khẩu trang vẫn là biện pháp phòng ngừa quan trọng vào những thời điểm tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng ở mức cao với sự xuất hiện của những biến thể có khả năng lan nhanh, chẳng hạn như Omicron.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ gần đây đã cập nhật quy định đeo khẩu trang và các biện pháp phòng ngừa khác, khi đánh giá mức độ lây lan Covid-19 trong cộng đồng. CDC đã khuyến nghị đeo khẩu trang trong không gian kín ở những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao trong cộng đồng và đưa ra những biện pháp phòng dịch tương tự cho môi trường học đường.

Trong nghiên cứu này, phần lớn các ca mắc Covid-19 trong học sinh và nhân viên các trường là lây nhiễm trong cộng đồng và chỉ khoảng 10% số ca là nhiễm từ trường học. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong 100 ca lây nhiễm trong cộng đồng, có khoảng 7,3 ca lây nhiễm tại trường ở những học khu bắt buộc đeo khẩu trang, trong khi có tới 26,4 ca lây nhiễm tại trường ở những học khu cho phép tùy ý lựa chọn đeo khẩu trang.

Như vậy, những học khu không bắt đeo khẩu trang có tỷ lệ mắc Covid-19 tại trường cao gấp 3,6 lần so với những nơi việc đeo khẩu trang là bắt buộc ở trường học. Các số liệu này cũng cho thấy so với những học khu không bắt đeo khẩu trang, quy định bắt buộc đeo đã góp phần giảm 72% số ca mắc Covid-19 tại trường học.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.