"Cuộc chiến cấm vận" nảy sinh từ xung đột

.

Cuộc xung đột vũ trang giữa Nga với Ukraine đến ngày 10-3 đã bước sang ngày thứ 15. Trải qua chừng đó ngày, những diễn biến trên chiến trường đủ cho thấy đây là cuộc xung đột vũ trang lớn nhất ở châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Đáng chú ý, cuộc xung đột này không chỉ đẩy hai quốc gia láng giềng vào vòng xoáy súng đạn, mà còn làm nảy sinh “cuộc chiến cấm vận” không kém phần khốc liệt trên mặt trận kinh tế ở châu Âu và lan rộng ra trên phạm vi toàn cầu, trong đó nổi lên 2 lĩnh vực chủ chốt: tài chính - ngân hàng và năng lượng.

Một là, lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 2-3 đã loại 7 ngân hàng của Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Trước đó, ngày 26-2, EU, Mỹ, Anh và Canada quyết định chặn một số ngân hàng nhất định của Nga khỏi SWIFT - hệ thống thanh toán được hơn 11.000 tổ chức tài chính ở hơn 200 quốc gia sử dụng.

Giới phân tích cho rằng, dù các thể chế tài chính của Nga hiện có khả năng đối phó với các lệnh trừng phạt tốt hơn hồi năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, nhưng quy mô chưa từng có và sự phối kết hợp của các biện pháp trừng phạt lần này sẽ tác động mạnh đến Moscow.

Cổ phiếu của Sberbank và VTB đã giảm mạnh trước khi giới chức Nga ngừng hoạt động giao dịch để ngăn chặn các dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường nước này. Chứng chỉ lưu ký của Sberbank tại London đã giảm hơn 90% trong ngày 2-3. Giá trị đồng ruble Nga sụt giảm hơn 30% so với đồng USD và đang duy trì quanh mức 100 ruble đổi 1 USD. Ngân hàng Trung ương Nga đã buộc phải tăng lượng tiền cung ứng cho các máy rút tiền ATM sau khi nhu cầu tiền mặt đạt mức cao nhất kể từ tháng 3-2020.

Nga có khoảng 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối - một kho dự trữ tiết kiệm lớn được tích lũy từ giá dầu và khí đốt tăng cao, đủ để trang trải cho hàng hóa nhập khẩu trong gần hai năm. Tuy nhiên, vì phần lớn lượng dự trữ ngoại hối này được lưu trữ bằng ngoại tệ như đồng USD, euro và đồng bảng Anh cũng như vàng, nên lệnh cấm của phương Tây đối với giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga đã hạn chế Moscow tiếp cận tiền mặt.

Ngoài ra, Nga cũng ban hành một loạt biện pháp cứng rắn để chặn dòng ngoại tệ chảy ra nước ngoài hay các nhà đầu tư, kinh doanh rút khỏi nước này.

Hai là, năng lượng.

Để gây sức ép lên Nga, phương Tây đang tính tới việc chặn nguồn dầu mỏ và khí đốt. Ngày 8-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Chính phủ Anh sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay. Ủy ban châu Âu công bố kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt mà EU nhập khẩu từ Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Moscow “trước năm 2030”.

Đây là bài toán khá hóc búa với Mỹ và các đồng minh. Hiện nay, Nga chiếm vị trí đáng kể trên thị trường năng lượng thế giới; trong khi đối với châu Âu, Nga chiếm tới 40% thị phần. Những ngày gần đây, khi Mỹ và các đồng minh tính toán cấm vận dầu mỏ của Nga, ngay lập tức giá dầu mỏ “phi ngựa” lên gần 140 USD/thùng, mức cao nhất kể từ 14 năm qua. Khí đốt cũng tăng lên gần 4.000 USD/1.000m3.

Cuộc chiến trừng phạt tài chính, ngân hàng và năng lượng của phương Tây nhằm vào Nga có tác động ngược lại đối với các bên liên quan. Trong khi Nga ra sức chống chịu sức ép kinh tế do các lệnh trừng phạt, phương Tây cũng đối mặt với những hậu quả nặng nề như: giá năng lượng “phi mã”, thậm chí thiếu nguồn cung nghiêm trọng dẫn tới lạm phát, kinh tế suy thoái, hàng loạt lĩnh vực sản xuất khác bị đình trệ và đời sống người dân bị đe dọa… Nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Hay việc hai bên tung ra chiến dịch “cấm bay” đã đánh gục ngành hàng không thế giới đang trong tình trạng cố vực dậy sau đại dịch Covid-19. Các tuyến vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển cũng bị gián đoạn vì lệnh cấm vận.

Có thể nói, “cuộc chiến cấm vận” tài chính, ngân hàng và năng lượng nảy sinh từ xung đột Nga - Ukraine đẩy cả thế giới đứng trước những tác động vô cùng sâu sắc. Vấn đề cấp bách hiện nay là các bên liên quan nhanh chóng tìm các giải pháp để chấm dứt xung đột, phục hồi nền kinh tế thế giới sau gần hơn 2 năm bị đại dịch Covid-19 làm chao đảo nghiêm trọng.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.