Quốc tế
Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu
Sau khi hỏa hoạn bùng lên tại Zaporizhzhia - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu và được dập tắt khoảng hơn 4 tiếng sau đó, chính quyền Ukraine xác nhận Nga đã kiểm soát nhà máy này.
Vị trí nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine. Đồ họa: CNN |
Dư luận thế giới thực sự lo lắng sau khi đám cháy bùng lên tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine lúc rạng sáng 4-3. Cả Tổng thống Mỹ, Tổng thống Ukraine và Ngoại trưởng Ukraine đều kêu gọi dừng bắn ngay lập tức để lực lượng ứng phó tình huống khẩn cấp có thể dập đám cháy. Thật may, đám cháy đã được kiểm soát và không xảy ra tình huống rò rỉ phóng xạ nào, theo thông báo của cơ quan quản lý nhà máy điện hạt nhân Ukraine.
Không rò rỉ phóng xạ, không thương vong
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, ngay khi xảy ra hỏa hoạn, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo Ukraine và cơ quan quản lý hạt nhân nước này về tình huống được mô tả là “nghiêm trọng” tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
IAEA cho hay, cơ quan quản lý hạt nhân Ukraine báo cáo chưa ghi nhận sự thay đổi nào trong mức độ phóng xạ tại khu vực có nhà máy Zaporizhzhia. Hỏa hoạn không gây ảnh hưởng tới các thiết bị “thiết yếu” và đội ngũ nhân sự tại nhà máy điện cố gắng thực hiện các biện pháp giảm nhẹ thiệt hại.
Báo The Guardian dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết đã triển khai công việc của nhóm phản ứng sự cố hạt nhân của đơn vị do bà quản lý. Bà Granholm nhắc lại rằng chưa phát hiện dấu hiệu tăng phóng xạ, đồng thời khẳng định “các lò phản ứng được bảo vệ bằng những cấu trúc che chắn vững chãi và các lò này sẽ được dừng hoạt động một cách an toàn”, như thông tin bà viết trên Twitter.
Khoảng 4 tiếng sau khi xảy ra sự cố, nhiều hãng truyền thông, trong đó có CNN, dẫn nguồn tin từ chính quyền Ukraine cho biết, đám cháy đã được dập tắt và mức độ phóng xạ ở khu vực xung quanh vẫn ở mức bình thường. Phía Ukraine cũng xác nhận không xảy ra thương vong nào.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi “châu Âu phải thức tỉnh ngay” vì theo ông: “Nếu xảy ra một vụ nổ sẽ là sự chấm hết với tất cả châu Âu, sự chấm hết của châu Âu, cuộc sơ tán của châu Âu”. Theo, đó nhà lãnh đạo Ukraine tiếp tục kêu gọi châu Âu giúp nước này ngăn chặn lực lượng Nga.
Bộ Quốc phòng Nga quy trách nhiệm vụ tấn công ở khu vực có nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là do những kẻ phá hoại Ukraine, gọi đây là một hành động khiêu khích. Trong khi đó, Tổng thống Zelensky cáo buộc Nga đã cố tình nhắm vào các cơ sở hạ tầng và các khu dân cư của Ukraine.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hối thúc các bên cần bảo đảm an toàn của các cơ sở hạt nhân tại Ukraine. Tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh ngày 4-3, người phát ngôn Bộ này, ông Uông Văn Bân, kêu gọi kiềm chế, tránh gia tăng căng thẳng.
Mỹ - Nga thiết lập đường dây nóng quân sự
Lầu Năm Góc đã thiết lập một đường dây nóng với Bộ Quốc phòng Nga để phòng ngừa “sự tính toán sai, các biến cố quân sự và leo thang căng thẳng” trong khu vực khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đang được triển khai tại Ukraine. Thông tin này được một quan chức Mỹ tiết lộ với hãng tin Reuters ngày 3-3. Mỹ cho biết, mặc dù nước này không có binh sĩ tại Ukraine, nhưng Washington và các đồng minh tại châu Âu thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều lo ngại giao tranh có thể lan rộng, trong đó bao gồm cả các tình huống tai nạn ngoài ý muốn. Đến ngày 4-3, Mỹ và các đồng minh đã rót hàng triệu USD tài trợ vũ khí cho lực lượng vũ trang Ukraine.
Quân đội Mỹ từng thiết lập thành công các đường dây nóng trước đây với phía Nga. Đường dây nóng vừa được thiết lập giữa quân đội hai nước Mỹ - Nga là nỗ lực mới nhất nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai quốc gia đối thủ.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn truyền thông Nga và nước ngoài ngày 3-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow luôn trong tâm thế sẵn sàng đối thoại. Tuy nhiên, các cuộc đối thoại phải dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lợi ích lẫn nhau.
Vòng đàm phán thứ hai giữa Nga và Ukraine đã kết thúc vào đêm 3-3 mà chưa có kết quả đột phá nào ngoài việc hai bên thống nhất tạo ra các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường khỏi giao tranh ở Ukraine. Kết quả của lần đàm phán thứ hai là… sẽ có thêm nhiều vòng đàm phán khác.
Moldova xin gia nhập EU Hãng tin Reuters cho biết, ngày 3-3, Tổng thống Moldova Maia Sandu đã ký đơn chính thức xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) sau khi Ukraine và Georgia có động thái tương tự. |
TRẦN ĐẮC LUÂN