Quốc tế

Mỹ không triển khai quân đội tại Ukraine

08:14, 03/03/2022 (GMT+7)

Trong Thông điệp liên bang, Tổng thống Joe Biden nhắc lại rằng, Mỹ sẽ không triển khai quân đội đến Ukraine sau chiến dịch quân sự của Nga, quân đội Mỹ đến châu Âu không phải để chiến đấu ở Ukraine, mà để bảo vệ các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp liên bang đầu tiên trước Quốc hội. Ảnh: Getty Images
Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp liên bang đầu tiên trước Quốc hội. Ảnh: Getty Images

Hãng tin AP cho biết, đọc Thông điệp liên bang đầu tiên trước Quốc hội Mỹ tối 1-3 (sáng 2-3, giờ Việt Nam), Tổng thống Joe Biden đề cập những chính sách ưu tiên cả về đối nội lẫn đối ngoại - những vấn đề mà nước Mỹ đang đối mặt.

Không ngoài dự đoán, ông Biden nói về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Ông khẳng định Mỹ sẽ không triển khai quân đội đến Ukraine sau chiến dịch quân sự của Nga; Washington đã huy động lực lượng mặt đất, phi đội không quân, triển khai tàu để bảo vệ các nước NATO gồm Ba Lan, Romania, Latvia, Lithuania và Estonia. Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh: Mỹ tuân thủ nguyên tắc Điều 5 của NATO, nghĩa là bất kỳ cuộc tấn công nào vào một quốc gia NATO cũng có thể coi là cuộc tấn công vào tất cả các thành viên còn lại. Theo đó, Mỹ và các đồng minh sẽ “bảo vệ lãnh thổ của các nước NATO bằng toàn bộ sức mạnh tập thể”.

Tổng thống Biden thông báo lệnh cấm máy bay Nga vào không phận Mỹ. Đây là quyết định mới nhất trong hàng loạt biện pháp trừng phạt mà Washingnton áp đặt với Moscow kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ông Biden cũng thông báo kế hoạch hỗ trợ trực tiếp hơn 1 tỷ USD cho Ukraine, gồm hỗ trợ về quân sự, kinh tế và nhân đạo.

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, cường quốc này và các đồng minh sẽ xuất 60 triệu thùng dầu từ kho dự trữ để giải quyết tình trạng tăng giá khí đốt. Cụ thể, 30 triệu thùng dầu sẽ đến từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ; số còn lại sẽ đến từ các đồng minh ở châu Âu và châu Á, gồm Đức, Anh, Ý, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Sáng 1-3 (giờ Mỹ), dầu thô Mỹ tăng vọt khoảng 10% lên mức 105,14 USD/thùng - mức cao nhất kể từ năm 2014.

Về đại dịch đã làm hơn 80,6 triệu người Mỹ nhiễm bệnh và 997.400 người tử vong, Tổng thống Biden cam kết tiếp tục cuộc chiến chống dịch, nhưng người dân nước ông nên chuẩn bị sẵn sàng trước nguy cơ xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2. Ông thúc giục người Mỹ trở lại với công việc và làm hồi sinh các khu trung tâm sôi động của đất nước. Không những thế, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cần hợp tác với nhau, dừng chính trị hóa dịch bệnh, khép lại những chia rẽ để kiểm soát dịch bệnh.

Ông Biden công bố sáng kiến “Test to Treat” (tạm dịch: Từ xét nghiệm đến điều trị). Người Mỹ sẽ có thể xét nghiệm Covid-19 tại các hiệu thuốc và nhận thuốc điều trị miễn phí tại chỗ nếu có kết quả dương tính.

Thông điệp liên bang của Tổng thống Biden được xem là thước đo về chỉ số tín nhiệm của ông khi nước Mỹ đối mặt với nhiều thách thức. Theo thăm dò do hãng tin CNN thực hiện, hơn 41% số người được hỏi bày tỏ phản ứng rất tích cực đối với bài phát biểu của ông Biden, 29% phản ứng tích cực và khoảng 29% có phản ứng tiêu cực.

BÌNH YÊN

.