Quốc tế

Tháo "nút thắt" cho đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran

08:56, 17/03/2022 (GMT+7)

Một trong những yếu tố cốt lõi trên bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran nhằm khôi phục Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 là chính sách bao vây “cấm vận” của Washington nhằm vào Tehran.

Để tháo “nút thắt” cho đàm phán, ngày 4-2 vừa qua, chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chấp nhận khôi phục quyết định miễn trừng phạt Iran nhằm tạo điều kiện cho các dự án hợp tác hạt nhân quốc tế. Ngày 10-3, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki phát biểu trong một cuộc họp báo tại Washington rằng, quan điểm của Mỹ là các bên đã gần đạt được thỏa thuận về JCPOA.

Theo Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian, một thỏa thuận hạt nhân “tốt và bền vững” đang ở trong tầm với “nếu Mỹ hành động thực tế và nhất quán”. Nói cách khác, Iran chờ đợi phía Mỹ hủy bỏ ngay các biện pháp “cấm vận” nhằm vào nước này trên thực tế để tiến tới việc ký kết khôi phục JCPOA.

Tuy nhiên, “yếu tố” mới không kém phần quan trọng có tác động tới bàn đàm phán đã bất ngờ xuất hiện, khi Mỹ và các đồng minh thực hiện chiến dịch bao vây “cấm vận” quy mô lớn chưa từng có nhằm vào Moscow do cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavro ngày 5-3 cho rằng, các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt đối với Moscow liên quan vấn đề Ukraine trở thành một trở ngại đối với thỏa thuận hạt nhân Iran. Moscow yêu cầu có các đảm bảo bằng văn bản từ phía Mỹ rằng các lệnh trừng phạt không gây tổn hại các quyền của Nga hợp tác thương mại, kinh tế, đầu tư với Iran và phù hợp với JCPOA.

Trả lời phỏng vấn chương trình Face the Nation của hãng tin CBS ngày 6-3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, các biện pháp trừng phạt Nga không liên quan đến thỏa thuận hạt nhân với Iran, nên yêu cầu của phía Moscow là không thích hợp. Trong khi đó, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nói rằng, việc tạm dừng các cuộc đàm phán về JCPOA là cần thiết do những “yếu tố” bên ngoài tác động. Với tư cách là điều phối viên, ông Borrell khẳng định sẽ cùng nhóm làm việc của mình tiếp tục liên lạc với tất cả bên tham gia JCPOA và Mỹ để khắc phục tình hình hiện nay và hoàn tất thỏa thuận.

Tuy nhiên, ngày 14-3, Nga bác bỏ thông tin cho rằng các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) đã bị tạm dừng sau khi nước này yêu cầu được bảo đảm các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow liên quan vấn đề Ukraine không gây tổn hại đến quan hệ thương mại giữa Nga và Iran. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, đàm phán về JCPOA vẫn đang diễn ra bình thường mà không có sự cản trở chủ quan nào. Nga cũng cho hay, các phái đoàn đã trở về nước để tham vấn, công việc vẫn đang tiếp tục theo các khía cạnh nhất định của một thỏa thuận về khôi phục JCPOA, văn bản dự thảo thỏa thuận đang được chỉnh sửa với những vấn đề tồn tại giữa Mỹ và Iran.

Trong khi đó, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao của Iran, ông Ali Shamkhani, cho biết tất cả các trụ cột của nhà nước Iran đều làm việc chăm chỉ để bảo vệ các lợi ích quốc gia. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia các cuộc đàm phán tại Vienna cho đến khi đạt được một “thỏa thuận mạnh mẽ” đáp ứng tất cả các yêu cầu hợp pháp và hợp lý của chúng tôi”, ông Shamkhani nói.

Có thể nói, yếu tố bao vây “cấm vận” đã làm tiến trình đàm phán khôi phục JCPOA gặp vô vàn thách thức. Đúng như lời ông Mohammad Reza Ghaebi, quyền Trưởng phái đoàn Iran tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) rằng, các phiên đàm phán nhằm cứu vãn JCPOA “không ngoài tầm tay nếu Mỹ và các nước khác tham gia JCPOA thể hiện thái độ tốt trong các cuộc đàm phán và tiến hành các quyết định chính trị cần thiết, đúng đắn và ngay lập tức dỡ bỏ các lệnh trừng phạt”.

Những khúc mắc đó có được các bên liên quan tháo gỡ để thúc đẩy đàm phán khôi phục JCPOA tiến triển hay không là câu hỏi mà dư luận đang chờ đợi.

TUYẾT MINH

.