Trung Quốc tìm kiếm cơ hội cải thiện quan hệ với Ấn Độ

.

Ngày 25-3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có chuyến công cán đến Ấn Độ nhằm tìm hướng đột phá tích cực trong quan hệ song phương giữa hai nước láng giềng vốn rơi vào căng thẳng do tranh chấp biên giới trong vài năm qua.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar (bên phải) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chào giới truyền thông trước cuộc gặp ở New Delhi. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar (bên phải) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chào giới truyền thông trước cuộc gặp ở New Delhi. Ảnh: Reuters

Chuyến công cán của Ngoại trưởng Vương Nghị là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Trung Quốc đến Ấn Độ kể từ khi tranh chấp biên giới giữa hai nước leo thang trở lại vào năm 2020.

Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Vương Nghị tại New Delhi ngày 25-3 nhấn mạnh, việc quân đội hai nước “không đối đầu” ở khu vực biên giới chính là “chìa khóa” giúp mối quan hệ song phương có những chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới.

Theo nhà ngoại giao hàng đầu Ấn Độ, “những xích mích và căng thẳng” nảy sinh từ các cuộc xung đột giữa hai nước kể từ tháng 4-2020 vẫn chưa thể được hòa giải bằng một mối quan hệ bình thường giữa hai nước láng giềng.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng hối thúc hai bên nên dàn xếp những khác biệt tồn đọng trong suốt thời gian qua, đồng thời cần xây dựng “tiếng nói chung” trong một số vấn đề quốc tế đáng quan tâm hiện nay. Trong chuyến công tác đặc biệt lần này, nhà ngoại giao Trung Quốc cũng gặp gỡ Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval, người đã tích cực thúc giục Bắc Kinh giảm leo thang căng thẳng ở khu vực biên giới.

Giới quan sát nhận định, cuộc gặp giữa các quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc-Ấn Độ giúp hai bên có cơ hội lắng nghe, dàn xếp những bất đồng trong bối cảnh hàng loạt vòng đàm phán giữa các sĩ quan quân đội cấp cao của hai nước nhằm xoa dịu căng thẳng vẫn chưa đạt bước tiến đáng kể.

Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang ở mức thấp nhất suốt nhiều thập kỷ qua. Tình trạng này kéo dài kể từ khi căng thẳng ở biên giới nổ ra vào tháng 5-2020 dọc đường Kiểm soát Thực tế (LAC) tại Đông Ladakh. Mặc dù tình hình hiện đã được kiểm soát, song lực lượng quân sự của hai bên vẫn được bố trí ở quy mô lớn tại khu vực này, duy trì trạng thái căng thẳng thường trực và vẫn chưa có bên nào có động thái nhượng bộ. Ấn Độ đã nhiều lần khẳng định chừng nào quân đội Trung Quốc chưa rút đi như trước khi xảy ra xung đột, quan hệ hai nước sẽ tiếp tục “đóng băng”. Ấn Độ hiện vẫn đang triển khai một loạt biện pháp hạn chế thương mại, đầu tư, công nghệ với Trung Quốc, kiểm soát chặt chẽ, ngưng trệ các hoạt động hợp tác song phương.

Suốt hơn 80 năm qua, hai nước vẫn luôn mâu thuẫn về tuyến biên giới dài gần 3.500km dọc dãy Himalaya, và đụng độ vẫn thường xảy ra do các tuyên bố chồng lấn. Hơn 15 vòng đàm phán vẫn chưa thể đưa hai quốc gia đông dân nhất thế giới này đến sự đồng thuận về vấn đề biên giới. Chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Vương Nghị có nhiệm vụ nặng nề là tìm ra cơ hội để hai bên dàn xếp vấn đề song phương, dù hy vọng mỏng manh.

Tháng 2-2021, xung đột quân sự giữa hai bên có dấu hiệu hạ nhiệt khi chỉ huy của quân đội hai nước đã đạt thỏa thuận rút quân khỏi khu vực bờ Bắc và Nam hồ Pangong. Một vài tháng sau đó, sau cuộc đàm phán ở cấp Tư lệnh Quân đoàn tại biên giới, quân đội hai nước đã hoàn tất việc rút thêm quân khỏi đường LAC ở khu vực điểm cao Gogra, từng bước một hướng tới giải quyết bế tắc.

Trước đó, ngày 24-3, Ngoại trưởng Vương Nghị đã tới thủ đô Kabul của Afghanistan. Chuyến thăm diễn ra một tuần trước khi Bắc Kinh chủ trì một cuộc họp với sự tham gia của đại diện các nước láng giềng Afghanistan, thảo luận cách thức hỗ trợ quốc gia Tây Nam Á này sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước.

Sau khi đến thủ đô Kabul, Ngoại trưởng Vương Nghị đã có cuộc gặp với người đứng đầu ngành ngoại giao của Taliban, ông Amir Khan Muttaqi. Trung Quốc có chung đường biên giới dài 76km với Afghanistan. Bắc Kinh mong muốn duy trì ổn định tại nước này để bảo đảm an ninh biên giới và duy trì đầu tư chiến lược vào quốc gia láng giềng Pakistan, nơi có hành lang kinh tế chiến lược Trung Quốc-Pakistan. Phía chính quyền Taliban cũng mong muốn phát triển quan hệ với Trung Quốc trong vấn đề đầu tư và hỗ trợ kinh tế.

THƯ LÊ - KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.