Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, nước này cần chấp nhận thực tế sẽ không được kết nạp vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bất chấp những tuyên bố chào đón của liên minh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III (thứ ba, từ trái sang) đến tham dự cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Brussels (Bỉ) ngày 16-3. Ảnh: AP |
Hãng tin Reuters cho biết, phát biểu tại cuộc hội đàm trực tuyến với các nhà lãnh đạo khối Lực lượng Viễn chinh chung (JEF) - tổ chức do Anh dẫn dắt gồm một số nước Bắc Âu và vùng phụ cận, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, đến lúc phải thừa nhận nước này sẽ không thể trở thành một thành viên của NATO.
Theo Reuters, việc thừa nhận Ukraine không thể gia nhập NATO là bước nhượng bộ của ông Zelensky trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga đang diễn ra. Mục đích của phái đoàn Nga khi bước vào vòng đàm phán thứ tư với Ukraine là bảo đảm “trạng thái trung lập” của quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ này.
Không những thế, Tổng thống Zelensky còn chỉ trích liên minh quân sự, đặt nghi vấn về cam kết phòng thủ tập thể theo Điều 5 Hiệp ước NATO, trong đó quy định bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào một thành viên của khối cũng được coi là đòn tấn công cả liên minh và NATO sẽ phối hợp đáp trả. “Điều 5 chưa bao giờ yếu đuối như bây giờ”, ông Zelensky nói.
Khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24-2, NATO không cử lực lượng đến tham chiến mặc dù Kiev nhiều lần đề xuất liên minh hãy “hành động giống như khi một nước thành viên bị Nga tấn công”. Các lãnh đạo NATO đã bác bỏ phương án này, đồng thời nhấn mạnh Điều 5 Hiệp ước NATO chỉ bảo đảm khả năng phòng thủ tập thể giữa các nước thành viên trong khối.
Trước đó, Ukraine không những nhiều lần bày tỏ mong muốn gia nhập NATO, mà còn đưa mục tiêu trở thành thành viên khối này vào Hiến pháp sửa đổi năm 2019. Còn Nga xem động thái “Đông tiến” của NATO là mối đe dọa an ninh và việc nước láng giềng Ukraine gia nhập liên minh là “lằn ranh đỏ”. Hãng thông tấn TASS dẫn lời của Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolay Patrushev ngày 15-3 nói rằng, Ukraine cần phải thực sự đạt được tình trạng trung lập và từ bỏ ý định gia nhập NATO.
Trước khi vòng đàm phán thứ tư được nối lại vào ngày 16-3, Trưởng phái đoàn đàm phán của Nga Vladimir Medinsky cho biết, Moscow đang thúc đẩy Ukraine giữ vị thế giống như Thụy Điển hoặc Áo - hai quốc gia trung lập ở Tây Âu. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nhấn mạnh: Tình trạng trung lập của Ukraine đang được thảo luận nghiêm túc tại các cuộc đàm phán, cùng các yêu cầu của Nga về việc đảm bảo an ninh. Ông Lavrov mô tả các cuộc đàm phán diễn ra “rất khó khăn”, nhưng vẫn có một số hy vọng về việc đạt được thỏa hiệp.
Đến nay, NATO không viện trợ vũ khí trực tiếp cho Ukraine dưới danh nghĩa liên minh quân sự. Việc cung cấp vũ khí cho Kiev là do các quốc gia thành viên NATO tự nguyện thực hiện. Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao và các nhà phân tích quân sự ước tính các nước thành viên NATO đã điều hơn 20.000 vũ khí chống tăng và các loại vũ khí khác đến Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng của NATO cũng họp khẩn vào ngày 16-3 tại trụ sở liên minh ở Brussels (Bỉ). Theo Reuters, chủ đề lớn nhất của hội nghị là cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh các nhà lãnh đạo NATO vào tuần tới với sự góp mặt của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Nga thông báo lệnh trừng phạt các nhà lãnh đạo, quan chức Mỹ và Canada Theo các hãng tin Reuters và Sputnik, Nga thông báo lệnh trừng phạt nhằm vào các nhà lãnh đạo cũng như các quan chức, nghị sĩ hàng đầu của Mỹ và Canada. Theo đó, đối với Mỹ, Nga đưa Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken và các quan chức hàng đầu khác vào danh sách cấm nhập cảnh. Danh sách 13 cá nhân bị trừng phạt còn có Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Bill Burns, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Đối với Canada, Nga áp đặt lệnh trừng phạt Thủ tướng Justin Trudeau cùng hơn 300 nghị sĩ. Danh sách trừng phạt còn có Ngoại trưởng Melanie Joly và Bộ trưởng Quốc phòng Anita Anand. |
PHÚC NGUYÊN