48 triệu cử tri Pháp đi bầu tổng thống: Tái hiện cuộc đua song mã

.

Tổng thống Emmanuel Macron đang phải đau đầu trước sự nổi lên một lần nữa của đối thủ đảng Tập hợp quốc gia theo đường lối cực hữu - bà Marine Le Pen.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Neuilly-sur-Seine, Pháp, ngày 8-4-2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Neuilly-sur-Seine, Pháp, ngày 8-4-2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10-4, khoảng 48 triệu cử tri Pháp chính thức bước vào vòng một cuộc bầu cử tổng thống, chọn ra hai người có số phiếu cao nhất trong số 12 ứng cử viên để tranh cử tại vòng đấu trực tiếp diễn ra sau đó hai tuần.

Trong lịch sử của nền Cộng hòa thứ năm tại Pháp bắt đầu từ năm 1958, bầu cử tổng thống luôn là cuộc đua nhiều bất ngờ, trong đó ứng cử viên được đánh giá có nhiều lợi thế nhất trước ngày bỏ phiếu chính thức chừng vài tháng không hẳn là người chiến thắng.

Năm 2002, cựu Thủ tướng Lionel Jospin bị thủ lĩnh đảng cực hữu Jean-Marie Le Pen loại ngay từ vòng đầu.

Tiếp đó, năm 2017, cựu Thủ tướng François Fillon thất bại sau khi báo chí phanh phui gian lận tiền lương thời kỳ ông còn làm nghị sỹ.

Còn hiện nay Tổng thống Emmanuel Macron đang phải đau đầu trước sự nổi lên một lần nữa của đối thủ đảng Tập hợp quốc gia theo đường lối cực hữu - bà Marine Le Pen.

Mặc dù có khá đông ứng cử viên tham gia cuộc đua, các số liệu thăm dò cho thấy đã có sự phân nhóm rõ rệt.

Suốt một thời gian dài, Tổng thống Macron luôn dẫn trước nhưng trong những tuần gần đây, khoảng cách giữa ông và bà Le Pen đã thu hẹp đáng kể.

Từ giữa tháng Ba, mức độ ủng hộ của cử tri đối với hai ứng cử viên hàng đầu này đã có những xu hướng trái ngược.

Sau khi đạt được tỷ lệ ủng hộ trung bình trên 30% vào đầu tháng Ba, uy tín của Tổng thống Macron đã bất ngờ đi xuống.

Trong hai tuần gần nhất, tỷ lệ ủng hộ ông giảm từ 3 đến 5% và hiện ông được dự báo sẽ chỉ nhận được khoảng 24-26% số phiếu bầu.

Tỷ lệ này vẫn cao hơn kết quả 24% trong cuộc cuộc bầu cử năm 2017,  nhưng đó không phải là dấu hiệu tích cực đối với ứng cử viên chưa bao giờ rời vị thế người dẫn đầu trong quá trình tranh cử.

Ngược lại, chính trị gia cực hữu kỳ cựu đã có cuộc chạy nước rút tương đối thành công.

Nếu như vào giữa tháng Ba, bà Le Pen vẫn còn cách đương kim tổng thống đến 14% thì hiện nay chênh lệch được rút xuống chỉ còn là 3%.

Tỷ lệ ủng hộ thủ lĩnh đảng cực hữu có thể sẽ còn tăng nữa, tuy không nhanh như những ngày gần đây.

Số người ủng hộ tăng vì bà giành lại một lượng lớn cử tri có xu hướng cực hữu trước đây từng quan tâm đến một ứng cử viên cực hữu khác - đó là nhà bình luận chính trị Eric Zemmour, người có quan điểm bài ngoại cực đoan và không ngần ngại tuyên truyền những thuyết âm mưu để lôi kéo lớp trẻ.

Cách đây gần nửa năm, rất nhiều người Pháp từng đặt hy vọng vào chính khách này, đến mức mà có thời điểm ông được đánh giá sẽ là đối thủ của Tổng thống Macron trong vòng hai.

Thế nhưng chương trình tranh cử nặng tính chất dân túy, bài ngoại của ông Zemmour đã phản tác dụng.

Và do vậy, chương trình hành động vẫn mang đậm chất cực hữu của bà Le Pen nhưng có điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với mối quan tâm của cử tri Pháp như từ bỏ quan điểm đòi rút Pháp khỏi Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bỗng trở nên có sức thuyết phục hơn.

Cử tri cũng đánh giá cao các giải pháp nhằm tăng sức mua của người dân trong cương lĩnh của lãnh đạo đảng Tập hợp quốc gia. Đây cũng chính là mối quan tâm lớn nhất của người Pháp trong cuộc bầu cử.

Với ba lần tranh cử tổng thống, bà Le Pen đã trở thành một chính khách lão luyện, bền bỉ, đưa đảng Tập hợp quốc gia từ một lực lượng bên lề trở thành một thế lực đáng gờm trên bàn cờ chính trị nước Pháp.

Ở chiều ngược lại, Tổng thống Macron bị mất điểm do các động lực ban đầu như hiệu ứng sau tuyên bố tranh cử, vị thế một nhà lãnh đạo mạnh mẽ mà ông thể hiện giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng Ukraine không còn nữa.

Trên thực tế, ông đã nhập cuộc rất muộn khi chính thức tuyên bố tranh cử ngày 25-2, ngay sát thời hạn chót nộp hồ sơ.

Từ đó đến nay, ông chỉ tiến hành duy nhất một cuộc vận động lớn vào ngày 2-4 vừa qua.

Chương trình tranh cử không rõ ràng, chiến dịch vận động vừa muộn màng, vừa đơn giản đến mức tối thiểu đã làm cho sự hào hứng của cử tri với đương kim tổng thống ngày càng phai nhạt.

Ông Jean-Paul Tran Thiet, chuyên gia cao cấp của Quỹ nghiên cứu Montaigne (Pháp), nhận xét: “Tổng thống Macron có quá nhiều việc phải làm do cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra đúng vào thời điểm chiến dịch tranh cử bước vào giai đoạn nước rút. Pháp còn đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng. Ông khó thu xếp được thời gian để tiến hành một cuộc vận động đúng nghĩa. Đó chắc chắn là một bất lợi và ảnh hưởng đến kết quả của ông trong vòng một.”

Không chỉ có vậy, Tổng thống Macron còn bị chỉ trích nặng nề vì trong 4 năm qua, Chính phủ Pháp đã tăng hơn gấp đôi thù lao trả cho công ty tư vấn McKinsey, từ 379 triệu euro năm 2018 lên 893 triệu năm 2021, trong khi công ty này không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp tại Pháp.

Các đối thủ chỉ trích ông Macron ưu ái McKinsey, mặc dù không có bằng chứng cụ thể.

Tuy cả Tổng thống Macron và bà Le Pen vẫn dẫn đầu cuộc đua, kết quả vòng một chưa phải đã hoàn toàn ngã ngũ, vì một ứng cử viên khác đe dọa sẽ phá vỡ cục diện chạy đua song mã: đó là ông Jean-Luc Mélenchon.

Thủ lĩnh đảng thiên tả Nước Pháp bất khuất liên tục gia tăng lực lượng ủng hộ trong hai tuần gần đây.

Ông hiện nhận được khoảng 16% số phiếu, cách bà Le Pen 7%. Chính trị gia này có xu hướng nổi lên cũng ấn tượng không kém đối thủ Le Pen, tăng đến 3% trong hai ngày gần đây - theo một cuộc điều tra của hãng Ifop. Tuy vậy, triển vọng ông bắt kịp người thứ hai có vẻ không chắc chắn vì thời gian còn rất ít.

Chín ứng cử viên còn lại vẫn tiếp tục vận động rất tích cực nhưng với tỷ lệ ủng hộ đều dưới 10%, họ gần như không còn cơ hội bứt tốc để lọt vào nhóm dẫn đầu. Eric Zemmour và đại diện đảng trung hữu Những người Cộng hòa - bà Valérie Pécresse,  có chỉ số ủng hộ tương đương nhau, từ 8 đến 8,5%.

Cả hai vừa chĩa mũi dùi vào Tổng thống Macron vừa tấn công nhau quyết liệt để tranh giành sự ủng hộ của cử tri cánh hữu.

Cách đây mấy tháng, hai ứng cử viên này từng được nhận định có khả năng trở thành đối thủ của Tổng thống Macron tại vòng hai, nhưng họ không thể duy trì được vị trí trong cuộc đua.

Đáng thất vọng là đảng Xã hội - lực lượng chính trị lớn của Pháp, đã bị lu mờ trong cuộc lần này.

Mặc dù được rất nhiều gương mặt chính trị đình đám một thời của cánh tả Pháp giúp sức, từ cựu Tổng thống François Hollande, cựu Thủ tướng Bernard Cazeneuve cho đến hàng loạt cựu bộ trưởng kỳ cựu, chiến dịch tranh cử của thị trưởng Paris - bà Anne Hidalgo vẫn bị sa lầy.

Đảng Xã hội chỉ hy vọng nữ chính khách này giành được 5% số phiếu bầu, mức quy định để được nhận khoản tài trợ của nhà nước cho chiến dịch tranh cử. Căn cứ vào kết quả thăm dò hiện nay, mục tiêu này không hề dễ dàng.

Thị trưởng Paris có lẽ chỉ nhận được khoảng 2,5% số phiếu bầu, thậm chí còn thấp hơn, đứng sau ứng cử viên của đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel và ứng cử viên đảng Xanh Yannick Jadot.

Nhưng kết quả thăm dò không phải bao giờ cũng phản ánh được chính xác lựa chọn của cử tri, bởi nó phụ thuộc lớn vào một ẩn số - đó là tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu.

Hiện tại, mới chỉ có từ 62 đến 67% cử tri khẳng định chắc chắn sẽ đi bầu, giảm mạnh so với cách đây 5 năm. Người dân Pháp ngày càng ít tham gia vào các sinh hoạt chính trị. Tỷ lệ đi bầu thấp ảnh hưởng đến các ứng cử viên không giống nhau. Tổng thống Macron ít bị thiệt hại vì cử tri của ông chủ yếu là tầng lớp trung lưu và dân cư đô thị.

Trong khi đó, số phiếu dành cho lãnh đạo đảng cực hữu Le Pen và đảng thiên tả Jean-Luc Mélenchon có thể thấp hơn dự kiến vì lực lượng ủng hộ của họ chủ yếu là tầng lớp bình dân, dân cư nông thôn và lớp trẻ, những đối tượng thường có xu hướng thờ ơ với các cuộc bầu cử. Vì lý do đó, trong những ngày cuối cùng, hầu hết các ứng cử viên đều cố gắng kêu gọi người ủng hộ đi bỏ phiếu.

Theo Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.