Đồng rúp và ngân hàng Nga đang hồi phục

.

Bất chấp các biện pháp trừng phạt, đồng rúp Nga và các ngân hàng của nước này đang từng bước phục hồi sau những cú sốc mất giá trong thời gian qua.

Đồng rúp tăng giá tiệm cận với thời điểm trước chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ảnh: WSJ
Đồng rúp tăng giá tiệm cận với thời điểm trước chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ảnh: WSJ

Lượng xuất khẩu dầu và khí đốt tăng mạnh trong lúc giá bán liên tục tăng, cộng thêm các biện pháp quản lý tiền tệ nghiêm ngặt của chính phủ Nga là nguyên nhân khiến Moscow sớm ổn định đồng nội tệ cũng như hoạt động của các ngân hàng trọng yếu.

Vực dậy đồng rúp

Báo Washington Post (Mỹ) cuối tuần qua cho biết, kể từ sau khi chính phủ Nga có những tuyên bố dứt khoát về việc buộc các đối tác mua khí đốt ở châu Âu phải thanh toán bằng đồng rúp từ ngày 1-4, đồng rúp và hệ thống ngân hàng của Moscow tiếp tục có những tín hiệu phục hồi và ổn định lại.

Căn cứ tỉ giá hối đoái chính thức của thế giới hôm 1-4, tức thời điểm chính thức áp dụng quy định chi trả bằng đồng rúp theo yêu cầu của Nga, tỉ giá đồng nội tệ của Nga so với các đồng ngoại tệ mạnh khác như USD đã trở lại mức tương đương thời điểm trước ngày 24-2, tức trước khi Tổng thống Vladimir Putin mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Cụ thể, trước ngày  24-2, tỉ giá hối đoái của đồng rúp với đồng USD là 80 rúp đổi 1 USD. Sau khi xảy ra chiến sự, đồng rúp lao dốc, còn 120 rúp đổi 1 USD. Tới ngày 1-4, đồng rúp đã “ngược dòng” với tỉ giá 84 rúp đổi 1 USD. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng của Nga cũng dần ổn định lại khi số khách hàng lo lắng kéo tới rút tiền đã giảm đáng kể.

Có những ý kiến cho rằng trong sự hồi phục này có một vài tác động “nhân tạo” như những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt do Ngân hàng Trung ương Nga (Bank of Russia) áp đặt lên các giao dịch ngoại hối, rút tiền và chuyển các ngoại tệ mạnh ra nước ngoài. Tuy nhiên, sự ổn định trở lại của đồng rúp có lý do từ những tác nhân rất thực tế, đó là hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt tăng mạnh, tăng thêm dòng ngoại tệ mạnh chảy vào ngân sách của Nga trong những ngày qua.

Cũng phải nói thêm, Nga đã tìm ra một đối sách quan trọng trong việc giảm tác động trừng phạt của phương Tây và Mỹ. Cụ thể, từ cuối tháng 2-2022, Ngân hàng Trung ương Nga bắt đầu yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu chuyển đổi 80% nguồn thu ngoại tệ mạnh của họ sang đồng rúp, điều này tạo ra nhu cầu mới với đồng tiền pháp định của Nga.

Dù vậy, nền kinh tế Nga được dự báo sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn trong thời gian tới. Các chuyên gia kinh tế dự báo lạm phát của Nga có thể lên mức ít nhất 20% năm nay và tổng sản phẩm quốc nội sẽ giảm 15%. Nhưng nếu thực tế đúng như vậy thì sẽ xóa sạch những thành tựu tăng trưởng của Nga nỗ lực đạt được trong nhiều năm qua.

Vị thế đồng USD

Ngay từ khi Mỹ và phương Tây quyết định loại các ngân hàng lớn nhất của Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, giới chuyên gia kinh tế và tài chính thế giới nhận định động thái đó sẽ kéo theo những hệ quả về lâu dài. Trong số những phân tích, nhận định, có một điểm được nhiều chuyên gia đồng thuận, đó là xu thế “phân mảnh” của hệ thống tài chính toàn cầu mà đồng USD có thể phải chia sẻ vị thế là đồng tiền giao dịch quốc tế chính yếu lâu nay với các đồng tiền khác như nhân dân tệ, rúp...

Bà Gita Gopinath, Phó Tổng Giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhắc lại quan điểm nói trên sau khi Nga tuyên bố sẽ buộc các nước trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp từ ngày 1-4. Chuyên gia này cho rằng, các lệnh trừng phạt tài chính ở mức nặng nề chưa từng có tiền lệ với Nga đe dọa làm giảm vị thế áp đảo của đồng USD trên thế giới và có thể dẫn tới một hệ thống tiền tệ quốc tế phân mảnh hơn.

Cụ thể, theo bà Gita, các lệnh trừng phạt cộng với những hạn chế áp đặt lên Ngân hàng Trung ương Nga có thể là nhân tố xúc tác làm xuất hiện các khối tiền tệ nhỏ dựa trên hoạt động thương mại giữa các nhóm riêng rẽ. “Đồng USD vẫn đang là đồng tiền toàn cầu chiếm ưu thế trội hơn ngay cả trong bối cảnh đó, nhưng sự phân mảnh ở mức độ nhỏ hơn là điều hoàn toàn chắc chắn có thể xảy ra”, bà Gita trả lời phỏng vấn Financial Times.

Bà Gopinath cho rằng, việc sử dụng nhiều hơn các đồng tiền khác trong thương mại toàn cầu sẽ dẫn tới việc ngân hàng trung ương các nước dự trữ những loại tiền tệ đa dạng hơn, thay vì một số loại chủ lực chính. Bà lưu ý tỷ lệ đồng USD trong các khoản dự trữ quốc tế đã giảm từ 70% xuống 60% trong hai thập niên qua, trong khi nổi lên các đồng tiền khác như nhân dân tệ và đô la Úc (AUD). Đó là chưa kể chiến tranh thúc đẩy thêm mối quan tâm của nhiều nước với tiền mã hóa và các loại tiền tệ số của các nước.

TRẦN ĐẮC LUÂN
(theo Washington Post, Forbes, Financial Times)

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích