Báo chí quốc tế nói về Chiến thắng 30-4-1975 và Việt Nam thời kỳ đổi mới

.

Cách đây 47 năm, nhiều hãng thông tấn quốc tế đánh giá chiến thắng lịch sử của Việt Nam vào ngày 30-4-1975 là “cơn địa chấn”. Từ đó đến nay, sự kiện này vẫn được truyền thông và bạn bè quốc tế nhắc đến, bởi đây không những là chiến công hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa quốc tế và ý nghĩa thời đại sâu sắc.

Chiếc xe tăng số hiệu 390 (giữa) thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 - chiếc xe đầu tiên húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, ảnh do nữ phóng viên ảnh chiến trường người Pháp Francoise Demulder chụp.  Ảnh: Francoise Demulder/TTXVN
Chiếc xe tăng số hiệu 390 (giữa) thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 - chiếc xe đầu tiên húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, ảnh do nữ phóng viên ảnh chiến trường người Pháp Francoise Demulder chụp. Ảnh: Francoise Demulder/TTXVN

Chiếc xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng sắt của Dinh Độc Lập vào trưa 30-4-1975 đã khẳng định chiến thắng lịch sử, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên độc lập, thống nhất và đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Khó có thể thống kê được số lượng bài báo, hình ảnh được đăng trên các phương tiện truyền thông quốc tế từ ngày 30-4-1975 đến nay về chiến thắng lịch sử này.

Tiếng vang lớn trên trường quốc tế

Một ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 1-5-1975, tờ New York Times của Mỹ chạy tít lớn “Sài Gòn sụp đổ” suốt 8 cột trang nhất kèm hàng loạt tin, ảnh về sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và chiến thắng của các lực lượng cách mạng.

"Việt Nam là một trong những nước rất thành công khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng các cơ hội trong mở rộng thương mại toàn cầu và tăng độ mở với nền kinh tế toàn cầu”
Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, ông Aaditya Mattoo

Hãng thông tấn AFP của Pháp nhận định: “Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện 30-4 của Việt Nam. Không nghi ngờ gì nữa, sự kiện này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực và thế giới trong tương lai gần”. Bài báo cho rằng, ngày 30-4-1975 đã phản ánh trung thực nhất về chiến tranh, là hồi chuông cảnh tỉnh nhân loại hãy nỗ lực hết sức để không xảy ra một cuộc chiến tương tự.

Cũng trong ngày 1-5-1975, báo Asahi Shimbun của Nhật Bản viết: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng. Điều đó nói lên rằng, thời đại mà các nước lớn dùng sức mạnh bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt”.

30 năm sau, ngày 28-4-2005, tờ Nikkei của Nhật Bản đăng lại hình ảnh chiếc xe tăng đầu tiên của Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập, kèm dòng chữ: “Việt Nam sau 30 năm chiến tranh”. Bài báo bình luận: “Chiến tranh Việt Nam đã để lại dấu ấn sâu đậm và ấn tượng trong tâm thức của người Mỹ, tạo hiệu ứng dây chuyền trong toàn khu vực Đông Dương”.

Ngày 29-4-2010, tờ Pasason của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đăng bài viết tựa đề “Truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam”, ca ngợi sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và tinh thần chiến đấu ngoan cường, anh dũng của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân cũ và mới, tạo ra chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu vào tháng 5-1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Đến dịp 30-4-2015, báo Le Figaro của Pháp đăng lại toàn bộ bài viết ngày 2-5-1975 của phóng viên Jean d’Ormesson đưa tin thời khắc Sài Gòn được giải phóng, cũng như những bài học cần rút ra cho phương Tây và Mỹ sau thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Hãng thông tấn Telam của Argentina đã đăng liên tục 5 bài viết liên quan tới Việt Nam, đánh giá cao ý nghĩa chiến thắng 30-4, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm “bật dậy”

Trải qua hơn 35 năm đổi mới và hội nhập, Việt Nam từ một nước nghèo và lạc hậu, phải khắc phục hậu quả của chiến tranh, bị cấm vận trong nhiều năm, đã vươn lên trở thành một nước đang phát triển. Nếu như năm 1985 bình quân thu nhập đầu người mới đạt 159 USD/năm, thì đến năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/năm.

Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt mức 6,01% (cao hơn tốc độ tăng bình quân 5,91%/năm của giai đoạn 2011-2015). Do ảnh hưởng Covid-19, tăng trưởng GDP năm 2021 chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua nhưng nhìn chung nền kinh tế vẫn có những điểm sáng, tạo đà cho bước phát triển mới của nền kinh tế trong các năm tới.

Nguồn: Ngân hàng Thế giới, Tổng cục Thống kê. Đồ họa: MAI ANH
Nguồn: Ngân hàng Thế giới, Tổng cục Thống kê. Đồ họa: MAI ANH

Nhiều tờ báo, trang tin quốc tế đã có bài đánh giá về tiềm năng kinh tế Việt Nam, đồng thời tin tưởng kinh tế sẽ sớm phục hồi trong thời gian ngắn. Báo Bloomberg phiên bản tiếng Nhật cho rằng, tăng trưởng GDP 2,58% năm 2021 đã vượt so với các dự báo như của Bloomberg là 2,2%, của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 2%.

Thời gian gần đây, các tờ báo lớn của Nhật Bản đánh giá cao quyết tâm và thành quả phục hồi của Việt Nam sau đại dịch Covid-19, đồng thời khẳng định Việt Nam là “mắt xích” không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và Nhật Bản nói riêng. Thông tin Việt Nam mở cửa hoàn toàn cho các du khách nước ngoài kể từ ngày 15-3-2022 đã được hàng loạt các tờ báo lớn như NHK, Nikkei, Asahi, JiJi News (đều của Nhật Bản) đưa tin, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ phục hồi kinh tế của Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đạt thành công trong việc tiêm phủ vắc-xin. Tờ Nikkei còn trích dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đối với tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 là 6,6%.

Hồi đầu năm 2022, một số bài báo quốc tế nhận định, tình hình sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu tại Việt Nam vẫn đang được duy trì và tiến triển tốt là những tín hiệu lạc quan, cho thấy Việt Nam đang thực sự chủ động thích ứng an toàn, hiệu quả với Covid-19.

Trong bài viết với tiêu đề “Các nhà bán lẻ cảm thấy nhẹ nhõm, Việt Nam không đóng cửa các nhà máy do dịch bệnh”, hãng tin Reuters của Anh nhận định, sự hoạt động không gián đoạn của các nhà máy tại Việt Nam, nước xuất khẩu quần áo và giày dép lớn thứ hai vào Mỹ sau Trung Quốc, sẽ giúp tháo gỡ các nút thắt trong chuỗi cung ứng đang đẩy lạm phát trên thế giới lên cao.

Tại buổi họp báo trực tuyến ra mắt Báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 4-2022 của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế trưởng, Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm nay.

WB lý giải, trên 78% dân số Việt Nam đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ, nhưng nền kinh tế vẫn phải đối mặt với rủi ro tiêu cực liên quan đến các biến chủng mới phát sinh, tác động toàn cầu của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng và sự tăng trưởng chậm lại của các thị trường xuất khẩu chủ lực. Theo đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo đạt 5,3% trong năm 2022, sau đó sẽ ổn định lại quanh mức 6,5% theo kịch bản các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng cả trong và ngoài nước. Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng sẽ phục hồi từng bước khi lòng tin của người tiêu dùng được khôi phục và khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ được khôi phục dần từ giữa năm 2022.

VĨNH AN (tổng hợp)

;
;
.
.
.
.
.