Quốc tế
Bầu cử tổng thống Pháp: Cơn 'địa chấn' với châu Âu nếu bà Le Pen chiến thắng
Dù thắng hay thua, chủ nghĩa dân tộc của bà Le Pen đã và đang thay đổi châu Âu.
Ứng cử viên Tổng thống Pháp Le Pen. Ảnh: Euractiv.com |
Theo bình luận của mạng tin châu Âu Euractiv.com ngày 22-4, "Frexit" (Pháp rời EU) có thể không nằm trong chương trình do ứng cử viên tổng thống Pháp Marine Le Pen đưa ra trước thềm cuộc tranh cử quan trọng vào ngày 24-4 với Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron, nhưng mối đe dọa về một cơn địa chấn lớn đối với vị thế của Pháp ở châu Âu vẫn còn hiện hữu trước ngày bỏ phiếu.
Các nhà chiến lược tại tập đoàn Citi ở Pháp đã dự báo xác suất giành chiến thắng của bà Le Pen là 35%, trong khi các nhà phân tích khác cảnh báo rằng chiến thắng của bà sẽ làm rung chuyển thị trường tài chính thậm chí lớn hơn nhiều so với sự kiện Brexit và ông Donald Trump chiến thắng vào năm 2016.
Bất kể bà Le Pen có giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào cuối tuần này hay không, quan điểm chủ nghĩa dân tộc bảo thủ của bà, vốn là mang đặc điểm của chủ nghĩa dân túy sâu sắc, đang ngày càng trở nên mạnh mẽ, ở Pháp và khắp châu Âu.
Ngoài ví dụ Brexit, chiến thắng gần đây của Thủ tướng Viktor Orban ở Hungary đã khẳng định thêm rằng chủ nghĩa dân túy là một chiến lược để giành chiến thắng trong một số cuộc bầu cử.
Ông Orbán đã công khai ủng hộ bà Le Pen tranh cử tổng thống Pháp tại một cuộc tuần hành vào tháng 2 vừa qua. Về phần mình, ứng cử viên Le Pen nói trong quá trình vận động tranh cử đầu tuần này: “Ba Lan, Hungary và tôi có lẽ đều có chung tầm nhìn về sự chuyển đổi cần thiết của EU thành một liên minh của các quốc gia".
Do đó, nếu bà Le Pen thắng cử, bước tiếp theo có thể sẽ là tăng cường các nỗ lực để thống nhất các lực lượng cánh hữu trên toàn châu Âu.
Khi chủ nghĩa dân túy gia tăng, điều này đồng nghĩa với việc các đảng dân chủ Cơ đốc ôn hòa và các đảng bảo thủ đã thống trị châu Âu trong phần lớn thế kỷ trước đang mất dần ủng hộ. Ở Pháp, đảng Cộng hòa đã không đạt được 5% số phiếu ủng hộ trong vòng đầu tiên và đối mặt với nguy cơ tan rã.
Một cuộc thăm dò ý kiến ở Anh vào đầu tuần này cho thấy 37% những người bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson vào năm 2019 ủng hộ bà Le Pen, trong khi chỉ 24% ủng hộ ông Macron.
Tỷ lệ chênh lệch thậm chí còn lớn hơn trong số các cử tri tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016, với những người ủng hộ bà Le Pen là 35% so với 19% ủng hộ đương kim Tổng thống Pháp. Những con số này là một dấu hiệu cho thấy đảng Bảo thủ ở Anh đang mất dần sự ủng hộ so với phe cánh hữu dân túy.
Một trong những khẩu hiệu nhận được sự ủng hộ lớn của ứng cử viên Le Pen là bà muốn đại diện cho những người dân bình thường chống lại giới tinh hoa ở Paris.
Mặc dù London đang theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử ở Pháp, nhưng lại đang có ít người cho rằng kết quả sẽ tạo ra nhiều khác biệt cho quan hệ của Anh với Pháp và phần còn lại của châu Âu.
Thay đổi chính mà bà Le Pen có thể đưa ra là sửa đổi hiệp ước Lancaster House, hiệp ước hợp tác quốc phòng và an ninh Pháp-Anh được ký kết lần đầu tiên vào năm 2010, với cái giá là giảm hợp tác quốc phòng với Đức và NATO.
Bà cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án "Nước Anh toàn cầu" trong cuộc tranh luận với ông Macron tuần này.
Về các lĩnh vực khác, chương trình của bà về EU có thể so sánh với chương trình của các nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ của Anh, trong đó có David Cameron. “Chúng tôi muốn cải tổ EU từ bên trong”, bà Le Pen nói, ám chỉ rằng một Liên minh các quốc gia châu Âu sẽ "nhằm thay thế dần" EU, giống như một kế hoạch rút dần khỏi EU.
Tương tự, ý tưởng áp dụng lại các biện pháp kiểm soát biên giới vĩnh viễn giữa các thành viên Schengen sẽ hạn chế khả năng tiếp cận an sinh xã hội và nhà ở cho bất kỳ ai không có ít nhất một thành viên (vợ hoặc chồng) trong gia đình là người Pháp.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm đóng góp ngân sách cho EU của Pháp và yêu cầu Chính phủ "mua của Pháp" trong các hợp đồng mua sắm đều hướng tới việc rời EU của thành viên sáng lập khối, nền kinh tế lớn thứ hai và sức mạnh quân sự lớn nhất của Liên minh châu Âu.
Theo Báo Tin tức