Quốc tế

Ukraine thiệt hại 60 tỷ USD trong xung đột với Nga

08:29, 23/04/2022 (GMT+7)

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính thiệt hại về cơ sở hạ tầng của Ukraine kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt lên tới khoảng 60 tỷ USD và con số này sẽ tiếp tục tăng.

Đường phố vắng vẻ và nhiều tòa nhà ở thành phố cảng Mariupol bị phá hủy. Ảnh: AP
Đường phố vắng vẻ và nhiều tòa nhà ở thành phố cảng Mariupol bị phá hủy. Ảnh: AP

Hãng tin AP cho biết, tại hội nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) về hỗ trợ tài chính cho Ukraine hôm 21-4, Chủ tịch WB David Malpass nói rằng, thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng của Ukraine do xung đột với Nga lên tới gần 60 tỷ USD. Theo ông Malpass, con số ước tính này chỉ là “chi phí hẹp”, chưa bao gồm thiệt hại kinh tế ngày càng tăng của Ukraine. “Tất nhiên cuộc chiến vẫn tiếp diễn nên những chi phí đó đang tăng lên”, ông Malpass nói.

Phát biểu trực tuyến tại sự kiện nói trên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công bố những con số thiệt hại. Ông Zelensky cho biết, Ukraine đã thiệt hại hơn 500 tỷ USD và cần được hỗ trợ 7 tỷ USD mỗi tháng cho những thiệt hại kinh tế do xung đột, đồng thời sẽ cần hàng trăm tỷ USD để xây dựng lại toàn bộ những gì đã bị phá hủy. Con số 7 tỷ USD này cao hơn mức 5 tỷ USD mà Kiev ước tính trước đó để bảo đảm nền kinh tế tiếp tục hoạt động.

Trong khi đó, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho hay, GDP của nước này có thể giảm từ 30-50%, với tổng thiệt hại trực tiếp và gián tiếp lên tới 560 tỷ USD cho đến nay. Theo WB, mức thiệt hại này lớn gấp 3 lần quy mô nền kinh tế Ukraine, vốn ở mức 155,5 tỷ USD vào năm 2020. Thủ tướng Shmyhal cũng nhấn mạnh: Ukraine cần một kế hoạch tái thiết tương tự Kế hoạch Marshall tái thiết châu Âu sau Thế chiến thứ hai.

Phía Mỹ cho rằng, Nga nên gánh vác một số chi phí để tái thiết Ukraine. Hãng tin AP dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng, chi phí tái thiết ở Ukraine sẽ rất lớn và Nga bằng cách này hay cách khác phải giúp cung cấp một số thứ cần thiết cho Kiev để tái thiết đất nước. Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết hỗ trợ tài chính trực tiếp cho Kiev 500 triệu USD, đưa tổng số tiền hỗ trợ tài chính lên 1 tỷ USD kể từ tháng 2; đồng thời cung cấp gói hỗ trợ quân sự bổ sung với các loại vũ khí, đạn dược và thiết bị trị giá 800 triệu USD.

Nga tuyên bố đã giành quyền kiểm soát thành phố chiến lược Mariupol nằm trên bờ biển Azov, trong khi khoảng 2.000 binh lính Ukraine vẫn cố thủ bên trong nhà máy thép Azovstal. Ngày 22-4, Thị trưởng Mariupol Vadym Boichenko kêu gọi sơ tán hoàn toàn người dân ra khỏi thành phố cảng miền nam Ukraine này. Theo Thị trưởng Boichenko, còn khoảng 100.000 người đang kẹt lại ở Mariupol.

Trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Mariupol là thành phố lớn nhất mà chính phủ Ukraine kiểm soát ở vùng Donbass, miền đông Ukraine. Việc giành được Mariupol sẽ giúp Nga kiểm soát gần như toàn bộ vùng ven biển của Biển Azov, bảo đảm tuyến đường bộ kết nối bán đảo Crimea với lục địa Nga và các khu vực phía đông Ukraine do phe ly khai nắm giữ.

Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Zelensky nói rằng, ông đã loại trừ khả năng đến Moscow để đàm phán trực tiếp với giới lãnh đạo Nga về việc chấm dứt xung đột. Ông Zelensky nhấn mạnh sẵn sàng đến bất cứ địa điểm nào trên hành tinh này để đàm phán nhưng ở thời điểm hiện tại không phải là Moscow.
Sau nhiều lần đàm phán, đến nay Nga và Ukraine vẫn chưa đạt được kết quả đột phá. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga đã trao cho Ukraine dự thảo hiệp ước hòa bình với các điều khoản rõ ràng và đang chờ phản hồi của Kiev.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kết thúc cuộc họp thường kỳ 6 tháng diễn ra vào ngày 21-4 mà không thống nhất tuyên bố chung. Căng thẳng Nga - Ukraine đã đẩy giá lương thực và năng lượng thế giới lên cao, lạm phát gia tăng. Vì vậy, IMF hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu còn xuống 3,6% trong năm nay.

PHÚC NGUYÊN

.