Quốc tế
Chờ "kỷ nguyên mới" của nước Pháp
Giành chiến thắng trước đối thủ Marine Le Pen trong vòng 2 cuộc bầu cử ngày 24-4, ông Emmanuel Macron sẽ bước vào nhiệm kỳ hai với hàng loạt thách thức để chèo lái quốc gia châu Âu đang bị chia rẽ sâu sắc.
Những người ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron tập trung trước Tháp Eiffel để chờ kết quả bầu cử. Ảnh: Reuters |
Hãng thông tấn AFP dẫn công bố của Bộ Nội vụ Pháp cho biết, ông Macron (44 tuổi), lãnh đạo đảng Cộng hòa tiến bước và theo xu hướng trung dung, nhận được 58,5% số phiếu; bà Marie Le Pen - lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu - giành 41,4% số phiếu. Theo đó, ông Macron là Tổng thống Pháp đầu tiên giành nhiệm kỳ hai trong 2 thập niên qua.
Thủ tướng Pháp Jean Castex sẽ đệ đơn từ chức của ông và toàn bộ chính phủ trong tuần này, mở đường để Tổng thống Macron chỉ định chính phủ mới.
“Tổng thống của tất cả mọi người”
Trong bài phát biểu mừng chiến thắng tại Quảng trường Champ de Mars ở trung tâm Paris, Tổng thống Macron nói: “Nhiều người ở Pháp đã bỏ phiếu cho tôi không phải vì họ ủng hộ ý tưởng của tôi mà là để loại bỏ những ý kiến cực hữu. Tôi muốn cảm ơn họ và tôi cần phải cải thiện cuộc sống của họ trong những năm tới”. Ông cam kết xoa dịu sự giận dữ của những cử tri ủng hộ phe cực hữu, đồng thời khẳng định nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi so với 5 năm qua. “Cần phải tìm ra câu trả lời cho sự tức giận và bất đồng đã khiến nhiều cử tri của chúng ta bỏ phiếu cho phe cực hữu. Đó sẽ là trách nhiệm của tôi và các cộng sự”, AFP dẫn lời ông Macron nhấn mạnh.
Tổng thống Macron bày tỏ, ông không phải là ứng cử viên của một phe phái nào mà là “Tổng thống của tất cả mọi người”. Ông sẽ làm việc để không ai bị bỏ lại phía sau trong nhiệm kỳ mới 5 năm. “Kỷ nguyên sắp tới không phải là sự tiếp nối của nhiệm kỳ đã qua. Chúng ta sẽ tìm ra cách thức mới để làm việc cùng nhau, cho 5 năm tới tốt đẹp hơn”, người đứng đầu Điện Élysée nói.
Trong khi đó, bà Le Pen phát biểu thừa nhận thất bại. Tuy nhiên, bà gọi đây là một “chiến thắng rực rỡ” và tuyên bố tiếp tục “cuộc chiến chính trị chống lại” Tổng thống Macron trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 6 tới.
Ảnh: CNN - Đồ họa: MAI ANH |
Nhiệm kỳ mới không ngọt ngào
Các nhà quan sát cho rằng, Tổng thống Macron sẽ không có “tuần trăng mật” để tận hưởng niềm vui chiến thắng. Con số 41,4% cử tri Pháp ủng hộ bà Le Pen và khoảng 6,45% cử tri bỏ phiếu trắng là lời cảnh báo sâu sắc rằng hàng chục triệu cử tri Pháp đang bất mãn. Bởi vậy, theo AP, thách thức trước mắt của ông Macron là thu hút những người chưa ủng hộ mình, hàn gắn một xã hội chia rẽ giữa một bên là thành phần trung lưu, có tiền và một bên là tầng lớp lao động. Ông Macron bị gọi là “Tổng thống của người giàu”, nhất là trong cuộc khủng hoảng phong trào “áo vàng” năm 2018 và 2019; nguyên nhân được cho là do tình trạng bất bình đẳng về thu nhập, giá xăng dầu tăng… Từ đó đến nay, người dân Pháp đặc biệt quan tâm về giá cả, chi phí sinh hoạt, phúc lợi xã hội…
Hiện nay, trong bối cảnh giá cả hàng hóa và nhiên liệu tăng vọt, cử tri Pháp càng quan tâm đến sức mua, cải cách hệ thống y tế, cải thiện môi trường… Sức mua yếu là một trong những chỉ số cho thấy khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa người nghèo và người giàu ngày càng nới rộng.
Giữa năm 2022, Tổng thống Macron sẽ khởi động việc cải cách hưu trí, tăng dần độ tuổi nghỉ hưu tối thiểu từ 62 lên 65, nâng mức tiền hưu tối thiểu lên 1.100 euro/tháng và hạ mức tuổi về hưu đối với những lao động thuộc các ngành nghề nặng nhọc và độc hại. Tuy nhiên, chưa hẳn ông Maron sẽ dễ dàng nhận được sự ủng hộ của người dân Pháp.
Châu Âu thở phào Kết quả bầu cử Pháp khiến Brussels thở phào, bởi ông Emmanuel Macron có lẽ là một trong những Tổng thống Pháp có quan điểm thân châu Âu nhất. Chính ông Macron từng mô tả ông là “Tổng thống tin tưởng vào châu Âu” và “Liên minh châu Âu (EU) là cách để nước Pháp mạnh mẽ hơn trong một thế giới toàn cầu”. Theo Reuters, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cùng nhiều nhà lãnh đạo của “lục địa già” đã gửi lời chúc mừng Tổng thống Macron. Trên Twitter, bà Ursula von der Leyen bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác sâu rộng, mang tính xây dựng trong EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên trong liên minh. Ông Michel nêu rõ quan điểm “cần một châu Âu vững chắc và một nước Pháp hoàn toàn cam kết đối với một EU chủ quyền và chiến lược hơn”. |
PHÚC NGUYÊN