Quốc tế

Thế giới thúc đẩy đàm phán Nga - Ukraine

08:43, 25/04/2022 (GMT+7)

Các chuyến ngoại giao đến Nga và Ukraine tiếp tục diễn ra nhằm thúc đẩy hai nước này ngồi vào bàn đàm phán, sớm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 1 tháng qua.

Hai quan chức cấp cao của Mỹ - Ngoại trưởng Antony Blinken (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đến Ukraine ngày 24-4. Ảnh: AP
Hai quan chức cấp cao của Mỹ - Ngoại trưởng Antony Blinken (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đến Ukraine ngày 24-4. Ảnh: AP

Sau hơn 1 tháng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, xung đột vẫn chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc. Giờ đây, chiến dịch bước sang giai đoạn 2 với việc tập trung vào vùng Donbass, miền đông Ukraine.

Nga đã đưa ra những đề xuất để chấm dứt xung đột, bao gồm: Ukraine phải cam kết trung lập, không sở hữu vũ khí hạt nhân, công nhận Crimea thuộc Nga và công nhận độc lập của vùng ly khai Donbass.

Trong khi đó, Ukraine đề xuất một hệ thống bảo đảm an ninh mới cho nước này. Các vòng đàm phán trực tiếp và trực tuyến giữa hai nước đã diễn ra nhưng chưa đạt kết quả đáng kể nào.

Theo Reuters, phía Nga nói rằng, kết quả của các cuộc đàm phán “phụ thuộc hoàn toàn vào sự sẵn sàng của Kiev trong việc tính đến các yêu cầu chính đáng của chúng tôi”. Còn Ukraine khẳng định mấu chốt để nước này chấp nhận trung lập là sự bảo đảm an ninh từ các cường quốc.

Đáng chú ý là thế giới vẫn tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao để Nga và Ukraine sớm ngồi vào bàn đàm phán. Hãng tin Reuters cho biết, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres sẽ thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine từ ngày 25-4. Chặng dừng chân đầu tiên của ông là Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia trung gian cho các cuộc đàm phán Nga - Ukraine, để nắm bắt về những kết quả đàm phán đạt được. Sau đó, ông Guterres sẽ đến Nga và làm việc với Tổng thống Putin, rồi đến Ukraine để thảo luận về các giải pháp hòa bình và những hỗ trợ nhân đạo quốc tế.

Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến Ukraine ngày 24-4 để bàn thảo về những cam kết bảo đảm an ninh hậu chiến tranh nếu Kiev đạt được thỏa thuận với Nga về một quốc gia trung lập. Tổng thống Mỹ Joe Biden không có kế hoạch tới Kiev, bất chấp lời đề nghị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nhưng Washington cam kết viện trợ an ninh trị giá 800 triệu USD gồm pháo hạng nặng và thiết bị bay không người lái có vũ trang cho Ukraine. Các nhà quan sát nhận định, đây là dấu hiệu cho thấy cam kết sâu sắc của Washington ở giai đoạn then chốt trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Trước đó, nhiều nhà lãnh đạo và quan chức châu Âu cũng đã đến Kiev để bày tỏ ủng hộ Ukraine, như chuyến công cán của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại châu Âu Joseph Borell, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala, Thủ tướng Slovenia Janez Jansa…

Trong cuộc họp báo dưới một ga tàu điện ngầm ở Kiev ngày 23-4, Tổng thống Zelensky kỳ vọng về sự hỗ trợ hơn nữa của Mỹ và phương Tây với nước này. Hãng Reuters dẫn lời ông Zelensky cho hay, Mỹ, Anh, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ sẵn sàng thiết lập hệ thống bảo trợ an ninh cho Ukraine. Theo ông Zelensky, cố vấn của lãnh đạo các nước Pháp, Đức, Ba Lan và Israel cũng thể hiện sẵn sàng thảo luận về danh sách bảo đảm an ninh cho Kiev.

Ông Zelensky cũng khẳng định sẵn sàng gặp Tổng thống Putin nếu điều đó có thể mang tới một thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine và Nga. “Tôi muốn ngừng chiến tranh và kết thúc nó. Có con đường ngoại giao và con đường quân sự. Bất kỳ ai cũng sẽ lựa chọn con đường ngoại giao vì họ biết con đường này dù khó khăn nhưng có thể ngăn chặn sự thiệt hại về sinh mạng của hàng triệu người”, ông Zelensky nói.

Trong lúc đó, theo TASS, Tổng thống Putin không loại trừ khả năng tiến hành cuộc gặp với Tổng thống Zelensky, nhưng ông cho rằng điều này sẽ phụ thuộc vào tiến độ của các cuộc đàm phán giữa hai nước.

VĨNH AN

.