Quốc tế
Covid-19 tới 6 giờ sáng 5-4: Số ca mắc và tử vong giảm mạnh trên toàn cầu; Trung Quốc dịch vẫn nghiêm trọng
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 670.029 trường hợp mắc Covid-19 và 2.095 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu vượt 492 triệu ca, trong đó trên 6,17 triệu người không qua khỏi.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho trẻ em tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 1-4-2022. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 5-4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới 492.247.811 ca, trong đó có 6.177.940 người tử vong.
Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi Covid-19 như một loại bệnh đặc hữu.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 427 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 55 triệu ca và trên 62.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 4-4, thế giới có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới.
Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc tiếp tục là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 127.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 280 ca. Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, qua đó tiếp tục kiên trì với chiến lược “Không Covid”.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận 81.826.371 ca mắc và 1.008.299 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới với 43.028.131 ca. Tuy nhiên, Brazil có số ca tử vong cao thứ hai thế giới với 660.192 ca. Trong số 5 quốc gia đứng đầu danh sách có số ca mắc cao nhất, 2 nước còn lại là Pháp với 25.895.586 ca và Đức 21.588.614 ca.
Trong những ngày gần đây, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở Nhật Bản. Ngày 3-4, nước này ghi nhận thêm 47.345 ca mới, tăng khoảng 40.000 ca so với một tuần trước đó. Đây là ngày thứ 9 liên tiếp, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản tăng.
Riêng tại thủ đô Tokyo, chính quyền thành phố xác nhận có 7.899 ca nhiễm mới. Tính chung trong tuần từ 28-3 đến 3-4, số ca nhiễm mới bình quân ở Tokyo là 7.630,3 ca/ngày, tăng 18% so với một tuần trước đó. Tuy nhiên, đáng chú ý là ngày 3-4, số bệnh nhân Covid-19 nặng trên toàn quốc lại giảm 8 người so với một ngày trước đó xuống còn 510, trong khi chỉ có 35 ca tử vong vì dịch Covid-19. Điều đó giúp giảm bớt áp lực lên hệ thống y tế ở Nhật Bản.
Trong bối cảnh đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết nước này sẽ nâng giới hạn về số lượng người nhập cảnh từ 7.000 người/ngày hiện nay lên khoảng 10.000 người/ngày từ ngày 10-4. Điều này sẽ cho phép thêm nhiều du học sinh và thực tập sinh nước ngoài nhập cảnh vào Nhật Bản.
Tại Hàn Quốc, nước này dự kiến bãi bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách phòng dịch Covid-19 trong vòng 2 tuần tới nếu làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron tiếp tục xu hướng chững lại và giảm dần.
Thủ tướng Kim Boo-kyum trong phát biểu tại cuộc họp chính phủ về đối phó với Covid-19 cuối tuần trước đã nhấn mạnh rằng “sẽ có một sự thay đổi mạnh mẽ đối với các biện pháp giãn cách xã hội còn lại” khi các quy định hết hiệu lực vào ngày 17-4 tới. Theo Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Kwon Deok-cheol, trừ quy định về bắt buộc đeo khẩu trang, tất cả các hạn chế liên quan đến phòng dịch Covid-19 bao gồm lệnh giới hạn về thời gian hoạt động và các giới hạn về tụ tập sẽ được dỡ bỏ.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở Pretoria, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bắt đầu từ ngày 4-4, Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục nới lỏng giới hạn tụ tập riêng tư, cho phép tối đa đến 10 người thay vì 8 người và kéo dài thời gian kinh doanh của các cơ sở ăn uống như nhà hàng và quán cà phê đến nửa đêm.
Các quan chức y tế cho biết việc xem xét dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách phòng dịch căn cứ trên tỷ lệ bao phủ tiêm chủng đối với các nhóm đối tượng, tỷ lệ ca bệnh nặng và tỷ lệ tử vong được kiểm soát ổn định. Hàn Quốc cũng đảm bảo đủ thuốc điều trị kháng viêm và điều trị khẩn cấp cho các bệnh nhân mắc Covid-19.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết hơn 38.000 nhân viên y tế thuộc 15 khu vực cấp tỉnh đã tới Thượng Hải hỗ trợ thành phố này chống dịch. Trong đó, hơn 11.000 nhân viên y tế đã đến bổ sung tại các bệnh viện tạm thời, hơn 23.000 nhân viên tiến hành thu thập mẫu xét nghiệm và 4.000 người khác hỗ trợ tại các phòng xét nghiệm.
Giới chức thành phố Thượng Hải đã áp đặt 2 lệnh phong tỏa. Cụ thể, khu vực phía Đông của thành phố vừa kết thúc 4 ngày đóng cửa, trong khi khu vực phía Tây áp dụng lệnh này từ ngày 1-4 nhằm tiến hành xét nghiệm trên diện rộng truy vết các ca mắc Covid-19.
Trong khi đó, các nước châu Âu thúc đẩy chương trình tiêm mũi thứ 4 vắc-xin ngừa Covid-19 để tăng cường khả năng bảo vệ người dân. Bộ Y tế Thụy Điển ngày 4-4 thông báo sẽ tiêm mũi thứ 4 vắc-xin ngừa Covid-19 cho biết người từ 65 tuổi trở lên sau 4 tháng tiêm mũi 3.
Đầu tháng trước, Thụy Điển đã dỡ bỏ gần như tất cả các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19. Nước này cũng đã chấm dứt hoạt động xét nghiệm Covid-19 quy mô lớn, trong bối cảnh số bệnh nhân cần phải chăm sóc đặc biệt đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 18 tháng.
Vụ trưởng Vụ Y tế công thuộc Bộ Y tế Israel, Tiến sĩ Sharon Alroy-Preis ngày 4-4 nhận định quốc gia này sắp trở lại trạng thái bình thường do các chỉ số về dịch Covid-19 liên tục có những dấu hiệu tích cực.
Bà Alroy-Preis nêu rõ có thể nói Israel đang gần với sự bình thường trước dịch Covid-19 khi học sinh, người dân trở về từ nước ngoài không cần phải cách ly. Dữ liệu về dịch Covid-19 công bố ngày 4-4 cho thấy hệ số lây nhiễm tại Israel đã giảm xuống dưới 1 lần đầu tiên trong 2 tuần. Số bệnh nhân nặng cũng đã giảm xuống còn 254 trường hợp, mức thấp nhất trong 3 tháng.
Làn sóng dịch mới nhất tại Israel là do biến thể phụ BA.2 của Omicron gây ra. Có một số ý kiến cho rằng Israel đã vượt qua đợt dịch này.
Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, ngày 1-3-2022. Ảnh: THX/TTXVN |
Tại Đông Nam Á, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết Chính phủ Hoàng gia đang xem xét bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang phòng chống Covid-19, ít nhất tại một số tỉnh của nước này.
Phát biểu tại lễ khánh thành 38 tuyến đường ở tỉnh du lịch Siem Reap (phía Bắc Campuchia) ngày 3-4, Thủ tướng Hun Sen cho biết ông đang cân nhắc dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc thí điểm trước tiên tại hai tỉnh Preah Vihear và Oddar Meanchey. Nếu thí điểm thành công, Campuchia có thể mở rộng dỡ bỏ quy định này trên cả nước.
Kể từ khi bắt đầu bùng dịch Covid-19, Campuchia đã áp dụng quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên đường phố và những điểm công cộng, nếu không tuân thủ sẽ bị phạt nặng. Mặc dù số ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày ghi nhận ở Campuchia giảm xuống mức hai con số, song đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại nước này, bà Li Ailan cảnh báo dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt và biến thể Omicron vẫn tồn tại ở đây. Theo quan chức WHO, tiêm vắc-xin vẫn là một trong những công cụ hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và cứu sống người dân, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương, đồng thời giúp Campuchia mở cửa trở lại một cách an toàn và lâu dài.
Trước đó, ngày 2-4, Quốc vụ khanh kiêm người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine cho biết cơ chế phân bổ vắc-xin COVAX vừa quyết định tăng lượng vắc-xin hỗ trợ Campuchia từ mức 20% lên 30% tổng số dân của nước này. Tính đến nay, đã có 14,8 triệu (tương đương 92,5%) tổng số 16 triệu dân của Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin ngừa Covid-19. Với tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 ở mức cao, Campuchia đã nối lại các hoạt động kinh tế-xã hội, du khách đã tiêm phòng đầy đủ được nhập cảnh không phải cách ly từ tháng 11-2021.
Liên minh Châu Âu (EU) đã đồng ý với yêu cầu của Malaysia về việc công nhận ứng dụng MySejahtera là Chứng chỉ số Covid và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 4-4. Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Đại sứ của EU tại Malaysia Michalis Rokas đã đưa ra thông báo trên tài khoản cá nhân, gọi đây là sự thúc đẩy vì kinh doanh và du lịch.
Ông Michalis hoan nghênh Malaysia sẽ được kết nối với khuôn khổ Chứng chỉ số Covid của EU. Khuôn khổ này bao gồm việc cấp, xác minh và chấp nhận chứng chỉ tiêm chủng, thử nghiệm và phục hồi Covid-19, có khả năng tương tác để tạo điều kiện cho việc đi lại tự do trong suốt thời gian diễn ra dại dịch Covid-19. Malaysia vừa mở cửa trở lại biên giới quốc gia vào ngày 1-4 và chuyển sang coi Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Tại Canada, mô hình dự báo dịch bệnh mà Chính phủ Canada mới công bố cho thấy sẽ có sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 trong những tuần tới, trong bối cảnh dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron đang là biến thể phổ biến.
Người đứng đầu Cơ quan y tế công cộng của Canada (PHAC), Tiến sĩ Theresa Tam cho biết phản ứng của quốc gia Bắc Mỹ này trước xu hướng gia tăng dịch bệnh hiện nay sẽ khác so với trước đây. Theo bà Tam, Canada đang trong một giai đoạn chuyển đổi. Với mức độ miễn dịch trong cộng đồng cao hơn, cùng các biện pháp bảo vệ để làm chậm sự lây lan và giảm áp lực đối với hệ thống y tế, Canada đang ở thế thuận lợi hơn để quay lại cuộc sống bình thường.
Bà Tam cho biết số ca nhiễm mới tăng cao không nằm ngoài dự đoán do chính phủ liên bang và các tỉnh cũng như các vùng lãnh thổ đã dỡ bỏ các biện pháp được áp dụng nhằm hạn chế sự lây lan của virus. Tuy nhiên, số ca nhập viện và tử vong liên quan đến Covid-19 ở mức thấp, một phần nhờ mức độ bao phủ vắc-xin cao. Kể từ tháng 1-2022, số người phải nhập viện điều trị do Covid-19 đã giảm một nửa, xuống còn khoảng 5.000 ca/ngày trên toàn quốc. Số ca tử vong được báo cáo cũng chỉ bằng khoảng một nửa so với cách đây 2 tháng, với chưa đến 50 ca/ngày.
Người đứng đầu PHAC dự báo tình hình có thể thay đổi trong những tuần tới vì đã có sự gia tăng số ca nhiễm BA.2, do đó số ca phải nhập viện có thể tăng lên. Tuy nhiên, tác động của đợt lây nhiễm này đối với hệ thống chăm sóc y tế của Canada dự kiến sẽ dễ "quản lý" hơn so với các đợt lây nhiễm trước. Nghiên cứu ban đầu cho thấy BA.2 có khả năng lây truyền cao hơn từ 5 đến 7 lần so với chủng virus gốc SARS-CoV-2 và cao hơn gần 2 lần so với biến thể Delta.
PHAC cũng đang chuẩn bị cho "tình huống xấu nhất" với sự xuất hiện của một biến thể mới kháng vắc-xin, gây ra dịch bệnh nghiêm trọng trên diện rộng. Kịch bản này sẽ đòi hỏi áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế và tăng cường "các biện pháp bảo vệ cá nhân".
Khi các triệu chứng vẫn tiếp tục kéo dài sau khi mắc Covid-19, cô Valerie Murray, 38 tuổi, người Mỹ, thực sự cảm thấy bế tắc. Cô biết bản thân đang mắc hội chứng "Covid kéo dài", nhưng các bác sĩ chỉ có thể giải đáp phần nào những thắc mắc của cô đối với vấn đề này. Thông thường, các bác sĩ chỉ nói các triệu chứng của cô liên quan đến lo lắng. Trong khi đó, bà mẹ 2 con này gần như gặp phải nhiều triệu chứng khác nhau, như ho dai dẳng, tim đập nhanh khiến giấc ngủ rối loạn, hay cơ thể dễ bị mệt mỏi quá sức.
Sau khi thăm khám ở nhiều nơi, cuối cùng Murray cũng tìm được lời giải khi gặp các bác sĩ tại Viện Tim Montreal. Theo các bác sĩ tại đây, các biểu hiện của cô Murray là triệu chứng của căn bệnh viêm cơ não tủy. Căn bệnh này được biết đến như một hội chứng gây mệt mỏi mãn tính, song còn chưa được quan tâm và tìm hiểu sâu.
Các nghiên cứu ban đầu cho thấy gần 50% những người mắc hội chứng "Covid kéo dài" hội đủ các triệu chứng để chẩn đoán mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính/viêm cơ não tủy (ME/CFS). Đây là căn bệnh mạn tính, phức tạp, ảnh hưởng đến cơ thể theo nhiều cách khác nhau, có thể tấn công hệ thống cơ bắp, thần kinh và miễn dịch. Người bệnh có thể mắc phải hội chứng này do trước đó đã nhiễm virus. Các triệu chứng gặp phải bao gồm mệt mỏi, sương mù não và rối loạn cảm giác. Quan trọng hơn, các triệu chứng cũng không thuyên giảm dù người bệnh nỗ lực sống chung.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 tới bệnh viện ở Port Elizabeth, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chuyên gia Alain Moreau của Đại học Montreal là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu của Canada về bệnh viêm cơ não tủy. Kể từ năm 2019, ông Moreau đã dẫn dắt một mạng lưới nghiên cứu quốc gia về viêm cơ não tủy - căn bệnh mà ông từng mô tả là “bí ẩn y học của thế kỷ 21”.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các nghiên cứu của ông Moreau được mở rộng đối với các bệnh nhân mắc hội chứng "Covid kéo dài" khi ông tập trung tìm hiểu về mối liên quan giữa hai căn bệnh này. Theo ước tính của các chuyên gia, khoảng 10-50% số người mắc Covid-19 có thể mắc phải hội chứng "Covid kéo dài", trong đó gần một nửa có đủ các triệu chứng mắc viêm cơ não tủy và nữ giới dường như bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Ông Moreau tin rằng đại dịch là cơ hội để tìm hiểu sâu hơn về căn bệnh viêm cơ não tủy, theo đó, các nhà khoa học có thể phát triển các phương pháp chữa trị căn bệnh này. Trong khi đó, ông Simon Décary, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Sherbrooke, khẳng định "Covid kéo dài" và viêm cơ não tủy có mối liên hệ vì sự tương đồng của các triệu chứng lâm sàng, song chưa thể khẳng định hai căn bệnh có tiến triển sinh học như nhau hay không.
Theo Báo Tin tức