Quốc tế

Thế giới tuần qua: Đàm phán Nga-Ukraine đạt bước tiến tích cực; Kịch bản đại dịch Covid-19 trong năm 2022

08:29, 03/04/2022 (GMT+7)

Đàm phán Nga-Ukraine đạt bước tiến tích cực và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố các kịch bản đại dịch Covid-19 trong năm 2022 là những sự kiện thế giới nổi bật tuần qua.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu trước các nhà đàm phán Nga và Ukraine tại cuộc hội đàm trực tiếp ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/3. Ảnh: Reuters
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu trước các nhà đàm phán Nga và Ukraine tại cuộc hội đàm trực tiếp ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29-3. Ảnh: Reuters

Đàm phán Nga-Ukraine đạt bước tiến quan trọng

Ngày 29-3, Nga và Ukraine đã hoàn tất vòng đàm phán trực tiếp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ sau 4 giờ làm việc. Đây là vòng đàm phán trực tiếp lần đầu giữa hai bên trong hơn 2 tuần qua.

Theo kế hoạch, vòng đàm phán sẽ kéo dài trong hai ngày 29 và 30-3-2022, song sự kiện đã kết thúc sớm hơn 1 ngày so với lịch trình ban đầu. 

Trưởng phái đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky đánh giá các cuộc đàm phán lần này mang tính xây dựng. Hai bên đang thực hiện các bước để giảm leo thang xung đột. Moskva và Kiev đã đồng ý chuẩn bị một hiệp ước để các nhà đàm phán thông qua. Hiệp ước này cần được các Bộ trưởng Ngoại giao tán thành trước khi nguyên thủ hai nước có thể gặp gỡ để ký kết.

Sau cuộc đàm phán, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định giảm đáng kể các hoạt động quân sự gần thủ đô Kiev và thành phố Chernihiv của Ukraine. Phía Nga cũng thông báo lệnh ngừng bắn cục bộ trong ngày 31-3 nhằm tạo điều kiện sơ tán dân thường khỏi Mariupol - thành phố cảng của Ukraine. Đây là kết quả tích cực nhất trong các cuộc hòa đàm mà dư luận thế giới mong đợi lâu nay, bởi nó giúp giảm nhiệt xung đột giữa hai bên. Xa hơn nữa, cuộc đàm phán có thể mở ra hy vọng về một giải pháp hòa bình giúp chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.

Trong khi đó, Moskva vẫn giữ yêu cầu Ukraine công nhận Crimea thuộc Nga và công nhận độc lập của hai vùng lãnh thổ ly khai ở miền đông Ukraine. Ông Medinsky nhấn mạnh rằng lập trường của Moskva về nguyên tắc liên quan đến Crimea và Donbass vẫn không thay đổi.

Về phía Ukraine, nhà ngoại giao Nga cho biết Kiev đã đồng ý với nguyên tắc chính thức trở thành một quốc gia trung lập. Nước này đã trình bày bản dự thảo vạch ra thỏa thuận hòa bình trong tương lai.

“Lần đầu tiên Ukraine tuyên bố, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng văn bản, rằng họ sẵn sàng thực hiện một số điều kiện quan trọng nhất để xây dựng mối quan hệ bình thường, và hy vọng là quan hệ láng giềng tốt đẹp với Nga trong tương lai”, ông Medinsky nói.

Ông Medinsky cho biết Ukraine viết trong văn bản rằng quốc gia này sẵn sàng từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, áp dụng quy chế “không gia nhập khối”, từ bỏ sở hữu vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, cam kết không tiếp nhận quân đội hoặc căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ. Ông cũng cho biết Ukraine đồng ý chỉ tiến hành các cuộc tập trận quân sự với quân đội nước ngoài khi có thỏa thuận với một số nước khác, trong đó có Nga.

Theo đánh giá của giới phân tích, kết quả cuộc đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ đã phát đi tín hiệu tích cực về khả năng đạt được nhượng bộ giữa 2 bên nhằm chấm dứt xung đột. Trước đó, sau 4 vòng đàm phán, hai bên hầu như đạt được rất ít tiến triển. 

Cuộc hội đàm mới nhất cũng chứng minh đàm phán là con đường tối ưu để giải quyết xung đột. Tuy nhiên, để tạo được đột phá trên bàn đàm phán, ngoài thiện chí, hai bên còn cần rất nhiều bước đi nữa để thúc đẩy xây dựng lòng tin, cùng nỗ lực trung gian của cộng đồng quốc tế. Liên hợp quốc bày tỏ hy vọng những tiến triển đạt được tại vòng đàm phán ở Istanbul sẽ được hai bên sớm cụ thể hóa bằng những thỏa thuận và hành động cụ thể.

WHO tuyên bố các kịch bản đại dịch Covid-19 trong năm 2022

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh tư liệu: AFP-TTXVN

Ngày 30-3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố bản cập nhật đánh giá đại dịch Covid-19 với 3 kịch bản về diễn biến dịch bệnh có thể xảy ra trong năm nay.

Theo đó, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định Covid-19 sẽ giảm dần mức nghiêm trọng theo thời gian. Tuy nhiên, ông lưu ý các nước cần cẩn trọng phòng trường hợp biến chủng virus nguy hiểm hơn có thể xuất hiện. Người đứng đầu WHO nêu ra 3 viễn cảnh Covid-19 có thể phát triển trong năm nay, vào thời điểm số ca nhiễm toàn thế giới đang tăng lên nhanh chóng do biến chủng Omicron tàng hình lây lan mạnh. 

Trong đó, kịch bản đầu tiên - dễ xảy ra nhất, là virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 có thể sẽ tiếp tục tiến hóa, song mức độ nghiêm trọng của dịch sẽ giảm xuống theo thời gian do khả năng miễn dịch của con người tăng lên nhờ vaccine và miễn dịch tự nhiên. Tuy nhiên, người đứng đầu WHO cũng cảnh báo về những đợt gia tăng số ca nhiễm và tử vong sẽ sảy ra theo giai đoạn khi miễn dịch suy giảm. Điều này đã cho thấy cần tiêm mũi tăng cường cho nhóm dân số dễ bị tổn thương.    

Ở kịch bản khả quan nhất, thế giới sẽ ghi nhận thêm các biến chủng ít nghiêm trọng hơn. Khi đó, con người sẽ không cần tiêm nhắc lại hoặc phát triển các loại vaccine mới.

Trong trường hợp tồi tệ nhất, biến chủng virus có độc lực và khả năng lây truyền cao hơn sẽ xuất hiện. Nó sẽ làm suy yếu hiệu quả của vaccine hoặc miễn dịch tự nhiên, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên.

Từ những dự báo nêu trên, Giám đốc WHO đã khuyến nghị các quốc gia cần đầu tư vào 5 yếu tố cốt lõi. Thứ nhất là giám sát, xét nghiệm và báo cáo tình trạng sức khỏe cộng đồng. Thứ hai là tiêm chủng và thực hiện các biện pháp y tế cộng đồng. Thứ ba là chăm sóc lâm sàng cho những người mắc Covid-19 và thúc đẩy sự phục hồi của hệ thống y tế. Thứ tư, giới khoa học cần nghiên cứu, phát triển, tạo điều kiện tiếp cận công bằng với các trang thiết bị và vật tư y tế. Cuối cùng, các quốc gia nên phối hợp, điều chỉnh phản ứng từ chế độ khẩn cấp sang coi Covid-19 như một căn bệnh đặc hữu.   

Ông Ghebreyesus tái khẳng định rằng tiêm chủng công bằng vẫn là công cụ mạnh mẽ nhất để cứu sống sinh mạng con người. Tuy nhiên, dữ liệu thống kê của WHO cũng chỉ ra trong khi các quốc gia có thu nhập cao bắt đầu chủng ngừa mũi tăng cường thứ 4 cho dân số của họ thì 1-3 dân số thế giới vẫn chưa được tiêm mũi đầu, trong đó có đến 83% dân số châu Phi.

Hơn 2 năm kể từ khi WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang chao đảo với số ca mắc tăng mạnh cùng những tác động nghiêm trọng do dịch bệnh gây ra. Song không thể phủ nhận thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ trong công cuộc phòng dịch. Nhiều loại vaccine và các loại thuốc kháng virus hứa hẹn có thể là “vũ khí” hiệu quả giúp đối phó với dịch bệnh trong tương lai.

Theo Báo Tin tức

.