Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều quốc gia đối mặt với áp lực cung - cầu, các cảng hàng không và cảng biển bị tắc nghẽn, giá vận chuyển và lạm phát gia tăng chóng mặt... Trong bối cảnh đó, cuộc xung đột Nga -Ukraine như “cú đánh bồi” vào dòng chảy thương mại toàn cầu đang cố gượng dậy sau hơn 2 năm ngưng trệ.
Điểm đáng chú ý là các đòn trừng phạt tài chính, năng lượng cùng hàng loạt lĩnh vực khác của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga không chỉ gây ra thiệt hại về kinh tế đối với riêng nước này mà còn tạo ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu, làm rối loạn thị trường tài chính, năng lượng và lương thực...
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Nga hiện đứng thứ 11 trên thế giới với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 1.500 tỷ USD. Nga và Ukraine đều xuất khẩu năng lượng, kim loại quý, lúa mì và các mặt hàng khác, chiếm 2% GDP thế giới. Nga và Ukraine cùng sản xuất 12% lượng dầu và 17% khí tự nhiên trên toàn cầu. Kinh tế Nga có vị trí quan trọng với thế giới nhờ tài nguyên dầu khí khổng lồ. Trong khi đó, năng lượng là đầu vào thiết yếu của nhiều chuỗi cung ứng, nên sự gián đoạn nguồn cung quan trọng này sẽ gây ra những hậu quả kinh tế trên diện rộng và tác động đến dòng chảy thương mại toàn cầu.
Tổ chức nghiên cứu Capital Economics ước tính GDP của Nga sẽ giảm 5% trong năm nay. Cuộc xung đột đã cắt đứt việc tiếp cận Biển Đen - tuyến đường thương mại quan trọng để xuất khẩu, bao gồm 90% các chuyến hàng ngũ cốc của Ukraine và tàu hàng của nhiều nước.
Không những thế, tuyến vận tải hàng không cũng gặp trở ngại lớn do lệnh cấm bay qua vùng trời của nhau giữa Nga với hàng chục quốc gia khác trong và ngoài Liên minh châu Âu (EU). Giá cả vận chuyển hàng hóa hay hành khách trên các tuyến hàng không tăng chóng mặt vì phải bay vòng trong nhiều giờ mà giá năng lượng đang ở mức cao.
Như vậy, không chỉ dòng chảy thương mại của Nga và EU chịu tác động mà hầu hết các nước EU cùng nhiều khu vực khác cũng hứng chịu những tiêu cực nghiêm trọng. Ví dụ, báo Le Monde cho hay, dự báo tăng trưởng 3,6% cho năm 2022 của Pháp, được Cơ quan Thống kê và Nghiên cứu kinh tế (INSEE) đưa ra vào tháng 1-2022, dường như đã lỗi thời. Giờ đây, Trung tâm nghiên cứu Rexecode của Pháp đánh giá rằng, căng thẳng ở Ukraine có thể sẽ khiến GDP của quốc gia châu Âu này mất từ 0,7 đến 1 điểm phần trăm.
Đức cũng đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, lạm phát tăng lên mức cao nhất trong vòng gần 40 năm qua vào tháng 3-2022. Xung đột ở Ukraine đang tác động trực tiếp đến giá cả cũng như nguồn cung các sản phẩm thiết yếu trên kệ tại nhiều siêu thị ở Đức. Các nhà sản xuất mì ống bị tác động mạnh. Chi phí năng lượng, nguyên liệu thô, đóng gói và hậu cần gia tăng khiến các nhà sản xuất phải tăng giá.
Theo ông Philip Lane, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cuộc xung đột ở Ukraine có thể khiến tốc độ tăng trưởng của khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) giảm từ 0,3 đến 0,4 điểm phần trăm.
Tại Mỹ, Bộ Lao động ngày 12-4 công bố số liệu cho thấy lạm phát tiếp tục tăng trong tháng 3, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% trong 12 tháng qua. Chuyên gia kinh tế cấp cao Ben Ayers thuộc công ty dịch vụ tài chính và bảo hiểm Nationwide cho rằng, trong bối cảnh hiện nay thì chỉ số lạm phát ở Mỹ vẫn giữ mức cao...
Trong khi đó, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhận định cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu. WTO dự báo tăng trưởng GDP sẽ giảm 0,7 - 1,3% xuống còn 3,1 - 3,75% trong năm 2022; tăng trưởng thương mại toàn cầu năm nay có thể giảm gần 50% của mức dự báo 4,7% hồi tháng 10 năm ngoái xuống, còn khoảng 2,4-3%.
Mặt khác, các biện pháp trừng phạt mà các bên liên quan tung ra có thể khiến các nền kinh tế lớn trên thế giới tiến tới “chia tách” dựa trên các cân nhắc địa chính trị, với mục tiêu đạt được khả năng tự cung tự cấp nhiều hơn trong sản xuất và thương mại. Nói cách khác, đã bắt đầu xuất hiện việc “phân rã” nền kinh tế toàn cầu thành các khối riêng biệt. Theo đó, dòng chảy thương mại cũng sẽ có những thay đổi đáng kể một khi sự chia tách các nền kinh tế từng bước định hình. Trong khi đó, các tổ chức tư nhân có thể quyết định giảm thiểu rủi ro của mình bằng cách định hướng lại chuỗi cung ứng để thích nghi với thực tế.
Có thể nói, xung đột Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt sau đó đã có tác động tiêu cực đối với hệ thống thương mại toàn cầu cả trước mắt lẫn lâu dài.
TUYẾT MINH